Những quyết sách quan trọng của Quốc hội về an sinh xã hội - phản ánh từng hơi thở cuộc sống

Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và trở thành một phần không thể thiếu của chiến lược phát triển bền vững đất nước, ổn định chính trị - xã hội. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống dịch

Hai năm vừa qua, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều đứng trước những thử thách chưa từng có do sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Khác với những đợt khủng hoảng trước đây trong lịch sử, đại dịch COVID-19, từ cuộc khủng hoảng về y tế đã dẫn tới khủng hoảng cả về kinh tế, xã hội đối với cả thế giới. Đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta có mức độ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế lớn, các thành phố, khu công nghiệp, tác động nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống của nhân dân, nhất là người lao động.

Trước bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống dịch. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành những quyết sách đặc biệt phục vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi.

Quốc hội khóa XV bắt đầu nhiệm kỳ mới đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội nhất. Nhưng trong hơn nửa năm qua, cử tri cả nước đặc biệt ấn tượng với những đổi mới quyết liệt của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội như trong lời tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội. Điều đó thể hiện qua các chuyến công tác đi vào “tâm dịch”, những cuộc làm việc khẩn, ngoài giờ hành chính, không kể ngày nghỉ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và những nghị quyết được Chủ tịch Quốc hội ký ban hành ngay trong đêm để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. 

Năm 2021 vấn đề an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, người lao động được Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đầu tiên phải kể đến mốc thời gian tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thông qua Nghị quyết quan trọng về bảo đảm an sinh xã hội, đó là về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 75.000 tỷ đồng. 

Ông NGUYỄN HẢI DŨNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Hy vọng đến năm 2025 kết thúc chương trình sẽ đạt được các mục tiêu, ví dụ như khu vực đặc biệt khó khăn sẽ có đường xá, nước sạch và cuộc sống người nghèo tốt hơn."

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Tôi hi vọng các địa phương nắm chắc tinh thần chủ đạo về tính đổi mới trong cách tiếp cận cũng như trong việc tổ chức thực hiện chương trình này theo quan điểm, định hướng của Trung ương, làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân để nhân dân hiểu rõ tư tưởng, cách làm mới và nâng cao tính chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo.”

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua nghị quyết chung của kỳ họp,Nghị quyết số 30 phần lớn nội dung đề cập dến công tác phòng chống Covid-19. Nghị quyết trao thêm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động thực hiện các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù để phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Cũng từ đây cũng đánh dấu một cách thức làm việc mới của Quốc hội với phương châm “chủ động, từ sớm, từ xa”.

Ông BÙI HOÀI SƠN - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Các đại biểu Quốc hội, cử tri luôn mong muốn các nghị quyết này sẽ nhanh chóng được triển khai trong thực tiễn. Những nghị quyết khi chúng ta ban hành chúng ta đều có những tính toán cụ thể. Đây là những lĩnh vực mà chúng ta ưu tiên muốn nhanh chóng giải quyết sớm trong giai đoạn hiện nay. Chính vì thế việc triển khai càng sớm càng nhanh càng tốt và hiệu quả trong xã hội trong đời sống xã hội thì giúp cho công cuộc đổi mới chúng ta sẽ được thực hiện tốt hơn.

Ông PHẠM NHƯ HIỆP - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế: Làm sao chúng ta ứng phó kịp thời để đảm bảo Quốc gia kiểm soát tốt dịch, và cũng đảm bảo cho phát triển kinh tế, chính là sự an dân."

Ông LÊ VĂN KHẢM - Thường trực Ủy ban Xã hội, ĐBQH tỉnh Bình Dương: Chính vì chúng ta xác định mục tiêu cao cả, các quyết định mạnh mẽ như vậy nên Quốc hội và các đại biểu Quốc hội rất đồng thuận với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện giải pháp, mà trong đó có những giải pháp chưa có trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhưng cần thiết để ứng phó dịch bệnh.

Trong thời gian này, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Người dân ủng hộ nguồn lực tài chính, đây là nguồn lực rất lớn. Nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, công nhân viên chức, có cả từ những cụ đã ngoài 80 nhưng vẫn ủng hộ. Đó là sức sống, là tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm lương thực, thực phẩm đã được Chính phủ chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời thông qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua đợt dịch lần thứ 4, nhiều trường hợp tử vong do dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam khiến hơn 3000 trẻ em mồ côi mất cha mẹ, người thân. Rất nhanh chóng, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Hiện nay, chính sách chung chăm sóc trẻ em tương đối đồng bộ, ở mức thế giới thường khoảng 1,1-1,8 triệu đồng/trẻ. Chúng ta ban hành chính sách hỗ trợ trẻ em dưới 4 tuổi có người đỡ đầu với mức 1,8 triệu đồng/trẻ. Ngoài chính sách đã có, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, tổ chức, đối tượng xã hội vận động hỗ trợ các cháu tương đối tốt. Riêng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định tất cả các cháu mồ côi cha hoặc mẹ được 5 triệu đồng, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được cấp một sổ tiết kiệm."

Trong bối cảnh số ca nhiễm liên tục tăng, người tử vong vì covid ngày càng nhiều.. vào cuối giờ chiều 6/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Ngay trong đêm 6/8, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 268 của UBTVQH cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Đây là quyết định chưa từng có tiền lệ của Quốc hội.

Ông LÊ VĂN KHẢM - Thường trực Ủy ban Xã hội, ĐBQH tỉnh Bình Dương: Đây là quyết sách mạnh mẽ, rất kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng nhanh chóng. Việc thành lập cơ sở thu dung, bệnh viện chuyên điều trị cấp cứu hoặc trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 đã giúp chăm sóc quản lý người bệnh kịp thời, giảm thiểu ca bệnh nặng và tử vong.

Liền sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trơ 26.000 tỷ đồng hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (tức lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác là những đối tượng rất khó khăn, cần được quan tâm hỗ trợ sớm. Sau khi được triển khai cả nước có hàng chục triệu người dân được thụ hưởng chính sách.

Bà VŨ THỊ THÚY - Quận Hà Đông, Hà Nội: “Được tiền hỗ trợ chính sách của nhà nước thì chúng tôi rất là xúc động.

Chị LÊ THỊ HUYỀN - Quận Hà Đông, Hà Nội: Mấy tháng nay không bán được hàng, cũng khó khăn. Hai mẹ con trông chờ vào tháng lương của cháu với trợ cấp của nhà nước thì cũng ấm lòng.

Bà ĐỖ MINH LOAN - Trưởng phòng LĐTB&XH quận Hà Đông, Hà Nội: "Trong lần này thì so với Nghị quyết 68 thì có nhiều việc thay đổi, như đơn giản hơn thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện cho việc xét duyệt cho người lao động và người sử dụng lao động thuận tiện hơn.

Sau nghị quyết 286 là nghị quyết 03 ra đời. Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại hai phiên họp khẩn và gần như ngay lập tức đi vào cuộc sống, được doanh nghiệp, người lao động, người dân đồng tình, đánh giá cao. Chính phủ đề nghị sử dụng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động một lần bằng tiền; người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với quy mô khoảng 8.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Đây là giải pháp mang tính tình thế, trong tình huống cấp bách và rất nhân văn trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động. Việc tính toán, xác định tổng mức hỗ trợ, mức hưởng, đối tượng hưởng, thời gian hưởng đã được Chính phủ tính toán chặt chẽ, bảo đảm tính an toàn, hoạt động lâu dài của Quỹ, đặt trong tổng thể cân đối chung nguồn lực, các nguồn hỗ trợ khác và bảo đảm cao nhất nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ, công bằng đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.”

Đây là quyết định có căn cứ vì theo báo cáo của Chính phủ, số kết dư quỹ Bảo hiểm xã hội chuyển sang năm 2021 rất lớn lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng. 

Ông PHÙNG TRUNG ĐỨC - Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư và phát triển Khai Tuệ: "Tôi thấy chính sách hỗ trợ từ kết dư quỹ BHTN sẽ giúp DN như chúng tôi tiết kiệm được khoản chi, có thể thêm được nguồn vốn để đầu tư kinh doanh.

Anh LÊ HUY PHAN - Người lao động tại Công ty Đầu tư và phát triển Khai Tuệ:Tôi thấy rất vui xin nhận khoản tiền này vì nó giúp tôi thêm khoản tiền trang trải cuộc sống. Tôi tham gia BHTN và trong bối cảnh hiện nay tôi càng thấy giá trị của loại hình Bảo hiểm này.”

Chị NGUYỄN HOÀNG HỢP - Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội: Chúng tôi rất ấm lòng, mong muốn Quốc hội tiếp tục đồng hành cùng chính phủ để ban hành các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19"

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao gói hỗ trợ kịp thời, đầy tính nhân văn của Quốc hội và Chính phủ đúng thời điểm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.

TS.VŨ TIẾN LỘC - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:Tôi hoan ngênh Quốc hội và Chính phủ đã quyết định chi kết dư quỹ BHTN để chi trả trực tiếp cho người lao động đóng bảo hiểm và giảm mức đóng cho người sử dụng lao động lên đến 8.000 tỷ. Đây là những biện pháp thiết thực và tôi nghĩ là hỗ trợ hiện nay bằng các giải pháp an sinh có thể đưa được tiền tươi thóc thật đến với người dân và doanh nghiệp là giải pháp nhanh nhất trực tiếp nhất. Tôi mong thời gian tới Quốc hội và Chính phủ ban hành thêm các gói hỗ trợ có quy mô lớn hơn, bổ sung nguồn lực cho các gói hỗ trợ mới hỗ trợ cho người dân doanh nghiệp.

Đến nay cả nước đã có gần 13 triệu người lao động được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động và người sử dụng lao động đều rất phấn khởi vì các gói hỗ trợ đến đúng lúc khó khăn, giúp đơn vị có thêm kinh phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, người lao động có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Qua đó, thể hiện rõ tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHTN, đồng thời củng cố thêm niềm tin của người lao động vào chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước

Tại kỳ họp bất thường vào những ngày đầu năm 2022, Quốc hội thông qua gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế khoảng 340 nghìn tỷ đồng, trong đó giành gần 60 nghìn tỉ đồng để  đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động. Các chuyên gia kỳ vọng với sự quan tâm này sẽ giải quyết được bài toán đào tạo nghề, tái cấu trúc lại thị trường lao động trước làn sóng người lao động hồi hương trong thời gian qua đã và đang trở thành bài toán nan giải cho cả nơi về và nơi đi. 

Bà ĐỖ THỊ LAN - Phó Chủ nhiệm uỷ ban Xã hội của Quốc hội: Đây chính là điều kiện hỗ trợ đối tượng yếu thế, giải quyết vấn đề an sinh xã hội do dịch Covid-19. Gói hỗ trợ này cũng hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động kỹ năng nghề, đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Ông NGỌ DUY HIỂU - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Chính sách phục hồi kinh tế đã nhận đc rất nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng chính sách này sẽ đc Chính phủ sớm triển khai để chính sách đi vào cuộc sống để đem lại tiềm lực phát triển.”

Ông LÊ VĂN KHẢM - Thường trực Ủy ban Xã hội, ĐBQH tỉnh Bình Dương: Với gói hỗ trợ an sinh xã hội mới này, người lao động có cơ hội thuê, mua nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp, phục vụ công việc của họ. Điều này cũng tốt cho người sử dụng lao động, doanh nghiệp được giảm bớt áp lực nhà ở cho công nhân. Điều này khuyến khích họ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Năm 2021, dù thời gian không dài kể từ nhiệm kỳ mới nhưng Quốc hội đã để lại dấu ấn trên nhiều phương diện. Với hàng loạt quyết sách liên quan đến an sinh xã hội một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường, Quốc hội luôn đặt lợi ích người dân lên trên hết và trước hết.

Những quyết sách của Quốc hội khóa XV đã đi ngay vào cuộc sống, đồng hành cùng Chính phủ cùng vào cuộc vì tính mạng và sức khỏe của Nhân dân. Những đổi mới này đã để lại dấu ấn sâu đậm, khắc họa một Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân.. Đây cũng là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà Nhân dân ủy thác.

Diệu Huyền