Nỗ lực bảo tồn, số hóa tư liệu Hán Nôm tại Thừa Thiên-Huế

Là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa cũng như từng là kinh đô của nhiều triều đại, Thừa Thiên-Huế sở hữu hệ thống tư liệu Hán – Nôm đồ sộ thuộc các làng xã, họ tộc tư gia… Việc bảo quản, phục hồi và số hóa nguồn tư liệu có giá trị này góp phần vào công tác nghiên cứu vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân của đất nước Việt Nam thời trung đại.

Đình làng Lại Ân, xã Phú Mậu, thành phố Huế là một trong những ngôi làng đầu tiên xuất hiện tại xứ Đàng Trong.

Ngôi đình làng cổ này hiện đang lưu giữ 16 sắc phong của vua, nội dung thờ những vị tiền nhân đã có công hộ quốc công thần. Những sắc phong được xem là tài sản tinh thần vô giá của làng, không gì sánh đổi được. Trải qua thời gian, cùng với mưa nắng khắc nghiệt xứ Huế, điều kiện bảo quản không đảm bảo, nhiều sắc phong đã bị hư hỏng. Với sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia từ Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, trạng thái các tài liệu này đã được số hóa, từng bước phục hồi với tình trạng tốt nhất có thể.

Đội ngũ làm công tác bảo quản của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã không quản ngại xa xôi đến với nhiều thôn làng. Từ năm 2009 đến nay, tổng số trang tài liệu Hán Nôm mà Thư viện Tổng hợp tỉnh số hóa là gần 420.00 trang từ các làng, họ tộc, phủ đệ và tư gia. Tài liệu được sưu tầm đều là văn bản gốc, khá đầy đủ và đa dạng. Các văn bản được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau với nội dung phong phú và có giá trị trên nhiều lĩnh vực như văn bản học, lịch sử - văn hóa, tư tưởng và phong tục tập quán.

Tiểu Bảo - Đào Bảo