Nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết COP26 và COP27

Biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất mà nước ta phải đối mặt trong năm 2022, khi mà thiên tai năm nay diễn biễn phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021.

Nhận thức rõ về những tác động tiêu cực của BĐKH, tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ, đặc biệt tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. 

Đến với cánh đồng điện gió Quảng Bình, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp đó là những trụ turbin khổng lồ, hiện đại với chiều cao 147m, được dựng sừng sững giữa đồi cát trắng mênh mông dọc vùng ven biển Quảng Ninh và Lệ Thủy, đang hiên ngang vươn mình đón gió. Cụm trang trại điện gió B&T có công suất 252 MW, do Công ty Cổ phần Điện gió B&T đầu tư và thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng. Theo thiết kế, dự án điện gió này sẽ sản xuất 648 triệu kWh điện năng lượng sạch, tương đương 60% lượng điện tiêu thụ của tỉnh Quảng Bình và góp phần giảm hơn 580 nghìn tấn CO2 hằng năm.

Hoàn thành phát điện thương mại vào tháng 11/2021, cụm trang trại điện gió B&T với 60 tua-bin công nghệ hiện đại, hàng ngày sải cánh khổ lớn đón gió chậm quay tạo ra nguồn năng lượng sạch đưa vào các nhà máy, xí nghiệp, kéo ra tận các công trường, nối mạch vào những khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trường học, nhà dân...Không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giúp cho quá trình chuyển dịch năng lượng của đất nước đạt hiệu quả, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cụm trang trại điện gió B&T với tuyến đường giao thông nội bộ kết nối các trụ tua-bin dài gần 60km trên dải cát trắng ven biển phía nam tỉnh Quảng Bình đã tạo cảnh quan đặc sắc, mở ra tiềm năng du lịch và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kim Thoa