Nơi lưu giữ nghề gốm truyền thống ở Bình Dương

Nghề gốm truyền thống được hình thành lâu đời trên đất Bình Dương. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, khi những lưu dân người Hoa đến Bình Dương an cư lạc nghiệp và họ mang theo nghề gốm, rồi dần dần lập nên những lò gốm ở một số địa phương. Trong đó, Lò Lu Đại Hưng là lò gốm lâu đời nhất ở TP. Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương với hơn 180 năm tuổi.

Nghệ nhân Bùi Văn Giang, 70 tuổi, là đời thứ 6 làm chủ Lò Lu Đại Hưng tại phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Là nghề gia truyền nên ông Giang duy trì sản xuất theo phương thức xưa, dù rằng nghề gốm đã có sự phát triển đáng kể.

Ông Giang chia sẻ, làm gốm thủ công chỉ là để giữ nghề mà cha ông truyền lại, chứ làm theo phương pháp này thì không thể giàu và phất lên được, chỉ đủ sống.

Để một sản phẩm gốm ra đời là cả một quá trình gồm đầy đủ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tổng cộng có 6 công đoạn từ nhào trộn đất cho đến công đoạn nung gốm hoàn chỉnh và cho ra lò. Sản phẩm gốm của lò Đại Hưng bao gồm những cái lu, khạp, hũ, chum, vại… có mặt khắp cả tỉnh miền Tây, miền Trung và Đông Nam bộ.

Với sự phát triển mới của ngành gốm sứ, những lò gốm truyền thống tại Bình Dương cũng dần dần thu hẹp. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm ở Bình Dương cả vật thể và phi vật thể, năm 2006, Lò Lu Đại Hưng đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Mỹ Tho