"Hà Nội" có nghĩa là thành phố được bao quanh bởi các dòng sông. Những cây cầu bắc qua sông Hồng, có nhiều kiến trúc và lịch sử khác nhau. Nhưng nếu hỏi người dân Hà Nội về cây cầu tiêu biểu nhất, đẹp nhất, gắn bó và thân thuộc nhất thì có lẽ câu trả lời sẽ là cầu Long Biên - cây cầu không chỉ nối đôi bờ giao thông, giao thương mà còn kết nối cả văn hoá, lịch sử Thủ đô Hà Nội và của cả dân tộc.
Những hình ảnh các đoàn xe của thực dân pháp rút quân ra khỏi cầu Long Biên.
16h30 phút ngày 9/10/1954, đội tuần tra cuối cùng của quân đội Pháp rút ra khỏi Hà Nội và chuyển giao chính quyền cho Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản.
Những hình ảnh trích đoạn trong bộ phim tài liệu Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 cũng chính là những ký ức không thể nào quên trong mỗi người dân Hà Nội.
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ (1965 - 1972), cầu Cầu Long Biên trở thành một trong những mục tiêu đánh phá quan trọng hàng đầu của không quân Mỹ.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của không quân Mỹ (1972), mang trên mình không ít ký ức đau thương của mưa bom bão đạn, cầu Long Biên đã trở thành “chứng nhân” quan trọng, là biểu tượng cho sức mạnh ngoan cường, bất khuất của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội.
Đến thế kỷ XXI, vẻ đẹp cây cầu Long Biên vẫn không hề phai nhạt trước những biến cố, thăng trầm của thời gian. Trong các chương trình văn hoá, nghệ thuật đặc biệt, để nhận diện về văn hoá, di sản, hay lịch sử, cầu Long Biên vẫn luôn là một nhận diện đặc biệt và dễ thấy. Hình ảnh của cầu Long Biên cứ thế ẩn hiện trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, như phim ảnh, thi ca, nhạc, hoạ.
Đối với hoạ sỹ Nguyễn Thế Sơn, một người sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hà Nội, hình ảnh cầu Long Biên cũng là cảm hứng trong những tác phẩm hội hoạ, cũng như là những công trình vì cộng đồng tại thành phố Hà Nội.
Hoạ sỹ Nguyễn Thế Sơn: “Trong các sáng tác mĩ thuật, hình ảnh của cây cầu Long Biên đã đi vào một cách rất tự nhiên từ những bức tranh lụa mà tôi vẽ cách đây mười mấy năm cho đến những câu chuyện của 131 vòm cầu ở trên cầu đá đường dẫn lên cầu Long Biên mà chúng tôi cũng đã thực hiện cách đây 4 năm để đánh thức giá trị di sản kiến trúc của đô thị mà nhiều người có thể bỏ quên.”
Trải dài theo thời gian, cầu Long Biên, cây xanh và mặt nước, cứ thế in dấu trong tâm thức những người yêu Hà Nội, góp phần hình thành tính cách của đô thị Hà Nội. Giá trị lịch sử, văn hoá cũ xưa và hiện tại, quá khứ hào hùng và bi tráng vẫn lắng đọng trong vẻ đẹp thẩm mĩ, trong dáng vẻ sừng sững hiên ngang và trong hồn cốt của cây cầu. Trong quá khứ và hiện tại, cầu Long Biên là một phần không thể thiếu để thúc đẩy đô thị Hà Nội phát triển khi cây cầu được khai thác nhiều hơn về mặt biểu tượng văn hoá và du lịch.
Hoạ sỹ Nguyễn Thế Sơn: “Tôi nghĩ, tương lai những chuyến tàu được sử dụng giống như những chuyến tàu nội đô, không chỉ có vài chuyến một ngày như hiện nay khi chở hàng hoá là chính. Tôi nghĩ cây cầu Long Biên sẽ phát huy được giá trị của nó nhiều hơn và nó sẽ tăng cường thêm sức mạnh về tính biểu tượng của cây cầu.”
Mặc dù là công trình có mặt ở thời điểm quá khứ, thế nhưng cầu Long Biên vẫn sẽ tiếp tục song hành cùng với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đứng trước bài toán bảo tồn, theo các nhà nghiên cứu, cầu Long Biên cần được nhìn nhận là “nhịp đập” trong trái tim Hà Nội, không chỉ là cây cầu nối liền 3 thế kỷ mà sẽ nối dài tiếp các thế kỉ sau, trở thành biểu tượng nhận diện đặc biệt của Thủ đô không dễ dàng thay thế./.
Thực hiện : Bích Liên