Nội quy hóa đổi mới hoạt động Quốc hội

Sáng 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra sơ bộ Về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Các báo cáo đều nhấn mạnh, việc sửa đổi Nội quy kỳ họp với 24 vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ban soạn thảo đề ra; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Đến nay, Dự thảo nội quy (sửa đổi) chỉ còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Theo tờ trình Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể (Điều 16), Dự thảo Nội quy (sửa đổi) tiếp tục thể hiện theo hướng giữ quy định thời gian phát biểu là 7 phút như Nội quy hiện hành để đại biểu Quốc hội có thể trình bày thấu đáo quan điểm của mình. Dự thảo Nội quy (sửa đổi) cũng đã nội quy hóa đổi mới trong hoạt động chất vấn đã được thực tiễn kiểm nghiệm đó là: Giảm thời gian chất vấn, chất vấn lại xuống 1 phút. Theo đó, thời gian tranh luận cũng chỉ nên trong khoảng 1 phút đến 2 phút.

Về vai trò của Chủ tọa, bổ sung quy định Chủ tọa, người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc không phát biểu, tranh luận đúng nội dung. 

Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về quyền của Chủ tọa, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tổng kết thực tiễn, để nghiên cứu, quy định cụ thể hơn các trường hợp cần thiết, Chủ tọa hoặc người điều hành phiên họp đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình. 

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, cần bảo đảm đủ thời gian cần thiết để đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường, bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu thông qua việc áp dụng nguyên tắc phát biểu theo đúng thứ tự đăng ký. Trường hợp có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thì có thể kéo dài thời gian phiên họp để bảo đảm tất cả đại biểu đăng ký đều được phát biểu. 

Vũ Hiếu