Nông dân Sơn La khốn đốn vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao

Giá vật tư nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… liên tục tăng mạnh khiến hàng trăm nghìn hộ nông dân tại tỉnh Sơn La khốn đốn. Trước thềm sự kiện Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân tại tỉnh Sơn La cũng như Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, chúng tôi đã ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn gửi gắm đến Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Phóng viên Hoàng Hà: “Bình thường 1 bao cám với 25kg này năm ngoái có khoảng giá 280 nghìn đồng. Tuy nhiên sang năm nay nó đã tăng vọt lên 340 nghìn đồng. Đây quả là 1 sự khó khăn cực lớn đối với người chăn nuôi”.

Nhà ông Thành ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu là 1 trong những hộ dân bao năm qua sống dựa vào nghề nuôi lợn. Từ khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cũng là lúc đàn gia súc của ông liên tục giảm. Năm ngoái gia đình ông nuôi khoảng 200 con lợn thì đến nay chỉ còn nuôi 60 con.

Ông NGUYỄN TIẾN THÀNH, Bản Đông Quan, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: “Bây giờ chỉ đề nghị là xem xét lại cái giá cả cám này. Xem nó có giảm được ít nào cho người dân không? Còn bây giờ cứ cái đà giá cám càng ngày càng lên cao thì người dân chăn nuôi không có 1 tý công nào. Cám thì cao mà lợn thịt bán ra thì rẻ quá!”

Còn đây là đại lý chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Thuận Châu. Theo chủ cửa hàng, năm ngoái giá thức ăn chăn nuôi tăng 8 lần và sang năm nay đã tăng 4 lần. Tình trạng nợ đọng, nợ kéo dài của nhiều hộ dân trên địa bàn đã xảy ra.

Ông LÒ VĂN NƯƠNG, Đại lý thức ăn chăn nuôi huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La: “Từ năm ngoái đến năm nay sản lượng bán đã giảm 2/3 vì giá cả tăng lên nhưng giá thịt lợn, gia súc không lên”

Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi mà ngay cả lĩnh vực trồng trọt cũng chịu tác động lớn từ giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Những hộ dân trong Hợp tác xã Quỳnh Thuận gắn bó với cây thanh long từ năm 2017.  Tuy nhiên, năm nay họ chỉ chăm bón theo kiểu cầm chừng và cũng đang lo chất lượng sản phẩm sẽ không đảm bảo để xuất khẩu. 

Bà HOÀNG THỊ THUẬN, Giám đốc HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: “Khổ nhất cho bà con nông dân chúng tôi là bây giờ phân quá đắt, nên chúng tôi bây giờ không biết làm thế nào. Bà con nhiều hộ đã bỏ vườn, bỏ đất đi làm Công ty hết rồi. Tại vì phân đắt quá mà quả làm ra như quả mơ, quả mận chỉ được 3 đến 4 nghìn 1 cân thôi. Đầu năm 2021 phân đạm chỉ khoảng 6-7 trăm nghìn 1 bao phân thôi, mà bây giờ 1 triệu, 1 bao nên bà con trồng, chăm sóc lỗ”

Ông TRẦN HỮU HÙNG, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: “Qua nắm thông tin cũng như trao đổi với 1 số xã trên địa bàn cũng như trao đổi với các hộ dân thì bà con mong muốn là Quốc hội, Trung ương, các cấp các ngành có những giải pháp, biện pháp để làm sao đó bình ổn được giá. Đặc biệt là giá cả vật tư nông nghiệp phải ổn định, hạ thấp để bà con tổ chức triển khai dễ hơn”. 

Với trên 410.000 ha đất nông nghiệp, cùng với số lượng đàn gia súc trên 700.000 con, gia cầm khoảng 7 triệu con, kinh tế của tỉnh Sơn La vẫn phụ thuộc chính vào lĩnh vực nông nghiệp. Nếu giá vật tư nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế cũng như đời sống của bà con nông dân của địa phương này.

Hoàng Hà