Nông nghiệp thị trường: Giá phân bón tăng cao, hướng đi nào cho Việt Nam?

Giá phân bón tăng cao, sử dụng phân bón hữu cơ, tái tạo nguồn lợi thủy sản,... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Nông nghiệp thị trường ngày 21/5.

Những ngày qua, thị trường nông nghiệp và xuất khẩu tiếp tục đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Những điểm nhấn đáng chú ý sẽ được chúng tôi cập nhật ngay sau đây. 

XUẤT KHẨU NÔNG SẢN 4 THÁNG ĐẠT GẦN 18 TỶ USD
Những tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế khi đạt kim ngạch 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là: cà phê, gạo, rau quả, tôm và sản phẩm gỗ. Trong đó, tăng mạnh nhất là cà phê với mức tăng trên 59%. Thủy sản với 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, trong đó xuất khẩu tôm đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ.
 
HÀNG TRIỆU TẤN NÔNG SẢN CHƯA CÓ ĐẦU RA
Dù mặt bằng chung xuất khẩu đạt kim ngạch ấn tượng nhưng với rau quả, xuất khẩu chỉ đạt 1,17 tỷ USD (giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh khi chỉ đạt khoảng 450 triệu USD, nguyên nhân do Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero Covid", các biện pháp phòng dịch của nước này làm chậm tiến độ xuất khẩu. Trong khi đó, việc tăng tần suất kiểm tra đối với thanh long và rau gia vị từ 10% lên 20% tại thị trường Liên minh Châu Âu (EU) khiến lượng xuất khẩu sụt giảm.
 
XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM VƯỢT MỐC 1 TỶ USD
 
Với sản phẩm gạo, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu có đà hồi phục ấn tượng vượt mốc 1 tỷ USD. Đặc biệt, giá gạo của Việt Nam duy trì ở mức cao hơn so các với các nước như Thái Lan, Ấn Độ. Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà. Dự kiến, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tới với nhu cầu mạnh hơn từ Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.
 
DỰ KIẾN VƯỢT MỐC 4 TỶ USD
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I năm nay, xuất khẩu tôm đạt gần 955 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ, điều này giúp cho ngành tôm Việt Nam thêm tự tin sẽ vượt mốc 4 tỷ USD trong năm nay. VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong năm nay sẽ vững đà tăng trưởng nhờ nhu cầu từ các thị trường vẫn tốt và ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại.
 
XUẤT KHẨU CÁ TRA TĂNG GẤP ĐÔI
 
Cùng với tôm, cá tra tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và duy trì đà tăng trưởng mạnh. Riêng trong tháng 4 đạt gần 300 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đưa lũy kế xuất khẩu cá tra bốn tháng đầu năm đạt trên 950 triệu USD, tăng đến 94% so với cùng kỳ và đã đạt đến khoảng 60% so với kỳ vọng xuất khẩu được đưa ra hồi đầu năm là 1,6 tỷ USD cho năm 2022. Hiện Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam.
 
SƠN LA SẴN SÀNG CHO NGÀY HỘI HÁI QUẢ MẬN HẬU MỘC CHÂU 2022
 
Với thông điệp “Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ mùa màng và sức khoẻ nhân dân”, Ngày Hội hái quả mận hậu Mộc Châu năm 2022 được tổ chức vào chủ nhật ngày 22/5 với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Bắc.
 
Tại Ngày hội, du khách được tham gia hái mận tại thung lũng mận hậu rộng hơn 100ha, trải nghiệm các trò chơi dân gian vô cùng độc đáo của đồng bào các dân tộc Mộc Châu. Ngày hội là hoạt động du lịch hấp dẫn không chỉ góp phần tôn vinh người trồng mận và lan toả thông điệp về sản xuất nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn, ngày hội hái quả huyện Mộc Châu hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
 
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN, LIÊN KẾT TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ 
 
Trung tâm khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức diễn đàn khuyến nông “Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Vĩnh Phúc. Diễn đàn có sự tham gia của 4 nhà để cùng nhau trao đổi, thảo luận các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách trong phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Năm 2018, diện tích canh tác hữu cơ đạt khoảng 495 nghìn ha, tăng gấp 4,1 lần so với năm 2016. Diện tích canh tác hữu cơ trên tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 2,2%. Đây là con số này vẫn còn khiêm tốn so với 11,53 ha đất sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Thực tiễn sản xuất cho thấy việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp phải một số khó khăn như: chính sách chưa đồng bộ, thị trường tiêu thụ chưa đáp ứng chuỗi liên kết.
 
Ông LÊ QUỐC THANH - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia :“Muốn làm sản phẩm hữu cơ thì người làm sản phẩm hữu cơ  phải liên kết chuỗi và chia được vai trò người sản xuất đến đâu, vai trò doanh nghiệp đến đâu, kết nối với thị trường ra sao thì sản xuất hữu cơ mới đi vào đời sống được”.
 
Các đại biểu cho rằng, cần chú trọng xây dựng, quản lý các tổ chức chứng nhận sản xuất phù hợp theo tiêu chuẩn NNHC. Tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, các công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần có giải pháp về liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đồng bộ.
 
CHỦ ĐỘNG TÁI TẠO NGUỒN LỢI THỦY SẢN
 
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia ven biển và có nhiều sông, hồ như Việt Nam, nhất là khi thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Châu  Âu (EC) cũng như phải đối mặt với hệ sinh thái đang bị suy giảm nghiêm trọng. Việc thả giống là một trong những nỗ lực nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển. Hơn 8 triệu con giống thủy sản có giá trị kinh tế, bao gồm: tôm sú, cua xanh, cá song, cá vược được thả ra khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ nhằm góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển nghề cá. Để đạt hiệu quả tốt nhất, ngay từ việc chọn giống và thả cá cũng được áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.
 
Ông LÊ TRẦN NGUYÊN HÙNG - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản: “Thời gian qua đã huy động nguồn lực lớn trong xã hội để tham gia vào việc thả, tái tạo và bổ sung đàn đã suy giảm. Chúng tôi đánh giá, (sau hoạt động thả cá) nguồn lợi thuỷ sản tại một số khu vực của một số loài có sự phục hồi".
 
Hiện có 16 khu vực bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đến nay mới phê duyệt được 12 khu. Các điều kiện để phê duyệt và triển khai cũng còn nhiều khó khăn. Do vậy, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên cả nước.
 
Ông NGÔ TẤT THẮNG - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh: “Chiến lược của tỉnh Quảng Ninh là tăng nuôi trồng và hạn chế khai thác đánh bắt. Đến năm 2025 giảm lượng tàu đánh bắt để giảm tình trạng khai thác quá mức" 
 
Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:“Các giải pháp sắp tới tập trung vào Đề án ngành quốc gia bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản một cách bài bản, cùng như cường độ khai thác giảm, đội tàu nhất là gần bờ cũng giảm. Đồng thời làm dự án chuyển đổi nghề cho ngư dân, đảm bảo sinh kế cho ngư dân”.
 
Cùng với các giải pháp chiến lược lâu dài, trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thả được tổng số hơn 36 triệu con và 60.000 kg giống thủy sản các loại. Theo kế hoạch, trong năm nay sẽ thả hơn 53 triệu con và 150.000 kg giống thủy sản vào thủy vực tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá trà sóc, cá he vàng, cá lăng, cá bỗng, tôm sú, cua xanh…
 
ẤN ĐỘ NỚI LỎNG XUẤT KHẨU LÚA MÌ  
 
 Chính phủ Ấn Độ đã quyết định nới lỏng xuất khẩu lúa mì sau khi ra lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này. Chính phủ Ấn Độ nêu rõ sẽ cho phép xuất khẩu các lô lúa mì đã được giao cho Hải quan kiểm tra và được đăng ký vào các hệ thống trước hoặc vào ngày 13/5. Nước này sẽ cho phép xuất khẩu các lô lúa mì có thư tín dụng hoặc giấy bảo lãnh thanh toán được phát hành trước ngày 13/5. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng sẽ cho phép xuất khẩu lúa mì sang Ai Cập. Hôm 14/5 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì với hiệu lực tức thì do nắng nóng gay gắt khiến sản lượng sụt giảm và giá cả mặt hàng này leo thang.
 
MỸ: BÃO BỤI TÀN PHÁ ĐẤT NÔNG NGHIỆP
 
Những cơn gió mạnh như bão mang theo những cơn bão bụi trong tuần qua đã hoành hành ở miền Tây nước Mỹ. Điều này đã gây thiệt hại về tài sản trên diện rộng và đặc biệt ảnh hưởng tới sinh kế của nông dân Mỹ.  Gió thổi mạnh với vận tốc lên tới 169 km/h từ Kansas đến Wisconsin, tung bụi từ lớp đất mặt nông nghiệp lên không trung. Lớp đất mặt trên cùng ở một số cánh đồng rất quan trọng để trồng trọt nay đã bị gió thổi bay. Điều kiện thời tiết khô hạn trên khắp Đại Bình nguyên Bắc Mỹ và vùng Trung Tây, kết hợp với các phương thức canh tác truyền thống như xới đất đã tạo tiền đề cho cơn bão bụi lớn. Điều này có thể gây ra nhiều khó khăn cho người nông dân khi phải đối mặt với việc trồng trọt bị trì hoãn, chi phí đầu vào tăng cao và áp lực tăng sản lượng trong bối cảnh giá lương thực tăng cao kỷ lục.
 
LHQ CẢNH BÁO KHỦNG HOẢNG DO HẠN HÁN TẠI VÙNG SỪNG CHÂU PHI
 
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp bày tỏ quan ngại trước mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng do hạn hán kéo dài tại miền Đông Bắc Phi, tức vùng Sừng châu Phi. Theo ghi nhận mới nhất, ít nhất 16,7 triệu người đang bị đói mỗi ngày và không biết khi nào sẽ có bữa ăn tiếp theo.
 
Hạn hán ở khu vực Sừng châu Phi đã ảnh hưởng đến hơn 18 triệu người ở Ethiopia, Somalia và Kenya. Con số này dự kiến sẽ còn tăng trong những tuần tới vì mùa mưa năm nay, thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, có lượng mưa đang ở dưới mức trung bình, khiến nơi đây ghi nhận đợt hạn hán dài nhất ở vùng Sừng châu Phi trong ít nhất 4 thập kỷ. Trong nhiều tháng qua, LHQ đã đưa ra nhiều cảnh báo và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ khu vực này ứng phó với cuộc khủng hoảng hạn hán nghiêm trọng hiện nay.
 
Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao liên tục đang tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất. Không chỉ giá thức ăn chăn nuôi tăng, ngay cả phân bón cũng tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng như thế nào tới người dân? Và việc phụ thuộc vào phân vô cơ sẽ tác động như thế nào tới sản xuất? Đứng trước thực tế này, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đối phó thế nào? 
 
Mời quý vị theo dõi ý kiến của chuyên gia LÊ QUỐC THANH - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT qua cuộc trò chuyện với Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
 

Trọng Hiếu