• 1725 lượt xem
  • 21:33 06/08/2022
  • Kinh tế

Nông nghiệp Việt Nam: Du lịch nông nghiệp, nông thôn định hướng phát triển bền vững

Cả nước có hơn 360 điểm du lịch nông thôn; Nhiều khó khăn khi làm nông nghiệp gắn với du lịch ở vùng cao Sơn La; Cần khai thác du lịch nông nghiệp hiệu quả và đúng quy định; Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp; Quan tâm để du lịch canh nông phát triển đúng tầm... là những tin tức nông nghiệp đáng chú ý trong bản tin Nông nghiệp Việt Nam số này.

CẢ NƯỚC CÓ HƠN 5.800 XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI

Thông tin từ Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, tính đến hết tháng 7/2022, cả nước có 5.813 xã (chiếm 70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có hơn 800 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 94 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Cả nước có hơn 8.300 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, các sản phẩm đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường. Triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 25 của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, giai đoạn này Thủ tướng đã phê duyệt 6 chương trình chuyên đề như: OCOP; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch; phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số… Đây sẽ là định hướng quan trọng để xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững.

VIỆT NAM SẼ TRỞ THÀNH TRUNG TÂM CHẾ BIẾN NÔNG SẢN

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Chính phủ đặt mục tiêu phát triển chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đảm bảo hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030. Đặc biệt, sẽ hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.

7 THÁNG, XUẤT KHẨU GẠO TĂNG KỶ LỤC

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dù xuất khẩu gạo cạnh tranh khá gay gắt, sản phẩm của Việt Nam vẫn ngày càng được ưa chuộng trên thị trường thế giới. 7 tháng qua, xuất khẩu gạo đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong nhóm các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam thì Mỹ là quốc gia có mức tăng mạnh nhất, tiếp đến là Philippines.

XUẤT KHẨU CÁ TRA 7 THÁNG ĐÃ VƯỢT CẢ NĂM 2021

Xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm đạt 1,62 tỉ USD, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021. Theo VASEP, giá xuất khẩu tăng mạnh là yếu tố chính giúp giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng mạnh. Trong đó, giá tại thị trường Mỹ trung bình 4,66 USD/kg (tăng 60%), tại Trung Quốc là 2,45 USD/kg (tăng 37%). Xét theo nhóm sản phẩm, nhóm cá tra chế biến có mức tăng trưởng 111% trong nửa đầu năm, mang về 21 triệu USD.

ĐẢM BẢO NGUYÊN LIỆU ĐẦU VÀO CHO NGÀNH CHĂN NUÔI

Triển lãm quốc tế lần thứ 8 với trên 200 doanh nghiệp về Chăn nuôi, Thú y, Sữa, Chế biến Thịt và Nuôi trồng Thủy sản, vừa được khai mạc tại TP.HCM, vấn đề thu hút sự quan tâm nhất là ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ra sao trong tình hình hiện nay. Theo Cục Chăn nuôi, tăng trưởng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm đạt 5,7%, cho thấy tốc độ tăng trưởng đều đặn và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, chăn nuôi đang đứng trước nhiều khó khăn, nhất là tình trạng biến động của nguyên liệu đầu vào, đẩy giá thành sản xuất lên cao. Để ứng phó với tình hình này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước có thể thay thế nguồn nhập khẩu.

TRUNG QUỐC THỰC THI LUẬT BẢO TỒN ĐẤT ĐEN

Tuần qua, Trung Quốc chính thức thực thi luật mới về bảo tồn đất đen, trong nỗ lực bảo tồn các nguồn tài nguyên để đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước tỷ dân.

Đạo luật được gồm 38 điều khoản, quy định cụ thể trách nhiệm của chính phủ và "những người điều hành sản xuất nông nghiệp" đối với vấn đề tài trợ thường xuyên của Chính phủ, và các biện pháp bảo vệ có mục tiêu, như một phần trong nỗ lực bảo đảm an ninh ngũ cốc của đất nước. Đất đen, hay đất chernozem, được tìm thấy ở các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh phía Đông Bắc Trung Quốc và ở một số vùng của Khu tự trị Nội Mông, sản xuất khoảng 1/4 tổng sản lượng ngũ cốc của cả nước, đóng vai trò quan trọng đối với nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc. Chernozem một loại đất màu đen chứa tỷ lệ mùn cao (4% đến 16%) và tỷ lệ cao của axit photphoric, phốt pho và amoniac. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính Trung Quốc ban hành một kế hoạch hành động (2020-2025) để làm đất phòng hộ trên đất đen, chương trình này bao phủ diện tích lên tới 9,33 triệu ha vào năm 2025, tương đương với 70% tổng diện tích diện tích đất canh tác ở khu vực đông bắc Trung Quốc.

VÙNG SỪNG CHÂU PHI THIỆT HẠI NẶNG NỀ DO HẠN HÁN KÉO DÀI

Trong thời gian gần đây, vùng Sừng Châu Phi đang phải hứng chịu đợt hạn hán kéo dài tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Thực trạng trên đang khiến cho đời sống của 15 triệu người dân  khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), hơn 50 triệu người ở miền đông châu Phi sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trong năm nay. Cần có những can thiệp khẩn cấp, bao gồm hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các gia đình khó khăn, cung cấp thức ăn chăn nuôi và hạt giống chống hạn cho cộng đồng cũng như khôi phục nguồn nước địa phương. Trong khi đó, chính phủ và các cơ quan cứu trợ đang cố gắng tiếp cận với nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhằm giúp họ vượt qua khủng hoảng.

THỔ NHĨ KỲ: SỤT GIẢM TIÊU THỤ SẢN PHẨM THỊT

Giá thịt tại Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua đã tăng gần gấp đôi do lạm phát tăng vọt, dẫn đến tình trạng sụt giảm tiêu thụ thịt. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thịt đỏ, tiêu thụ thịt bò và thịt cừu bình quân đầu người ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 41% so với mức trước đại dịch. Tỷ lệ lạm phát gần 80% là nguyên nhân chính dẫn đến giá thịt tăng. Khoảng 1/3 dân số Thổ Nhĩ Kỳ sống bằng lương tối thiểu, và ngày càng khó khăn hơn để họ có đủ tiền mua thịt.Giá tăng cũng dẫn đến việc giảm doanh số bán thịt tại các cửa hàng bán thịt địa phương.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là định hướng chiến lược quan trọng trong phát triển đất nước. Với bề dày lịch sử phát triển nền sinh thái nông nghiệp dựa trên nền sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc nhóm 16 nước cao nhất thế giới, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây là loại hình du lịch chủ yếu dựa vào khai thác những giá trị cốt lõi của hoạt động sản xuất nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa cộng đồng nông thôn để trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Trong chương trình hôm nay, vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập cụ thể. Đáng chú ý, tại Việt Nam hiện có khỏang 365 điểm du lịch nông thôn cho thấy tiềm năng phát triển của loại hình này.

CẢ NƯỚC CÓ HƠN 360 ĐIỂM DU LỊCH NÔNG THÔN

Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10-30. Việt Nam cũng nằm trong xu thế ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn điểm đến là nông thôn để trải nghiệm, nhất là trong và sau thời kỳ bùng phát dịch Covid-19, du khách có xu hướng tránh các đô thị ồn ã để đắm mình trong không gian yên tĩnh, trong lành của vùng quê.

Hiện nước ta có ba hình thức du lịch nông thôn là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch. Trong số 1.300 khu - điểm du lịch do các địa phương quản lý có đến 70% là điểm du lịch ở khu vực nông thôn. Thực tế tại nhiều địa phương ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang làm rất tốt mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo được việc làm cho nông dân, góp phần phát triển, làm thay đổi bộ mặt nhiều miền quê, đồng thời tiếp tục bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này cho thấy du lịch nông thôn đang có vai trò quan trọng trong tổng thể ngành du lịch ở Việt Nam, và có nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một bộ phận không thể thiếu của ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch.

NHIỀU KHÓ KHĂN KHI LÀM NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI DU LỊCH Ở VÙNG CAO SƠN LA

Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã đem lại hiệu quả tích cực bước đầu và được xác định là một nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dù vậy, làm du lịch nông nghiệp còn nhiều khó khăn và hạn chế như: nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp còn thiếu, cách tổ chức chưa chuyên nghiệp… đơn cử như tại Tây Bắc trong phóng sự sau đây.

Thủy là hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ của nông trại này. Là lao động địa phương và không qua 1 trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào về du lịch nên những kiến thức mà chị biết cũng chỉ đủ giới thiệu sơ bộ về các loại nông sản tại nông trại. 

Chị MÙI THỊ THỦY, Công ty ChimiFarm Mộc Châu, Sơn La: “Hiện tại ở đây em đang làm tất cả các công việc như pha chế, hướng dẫn, chăm sóc cây, cảnh quan cũng như nuôi các con vật để cho khách vào tham quan. Đến mùa du lịch thì em làm hướng dẫn du lịch. Cái này thì em cũng không được học qua trường lớp gì.''

ChimiFarm Mộc Châu là 1 trong những cơ sở đầu tiên thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trên cao nguyên Mộc Châu. Cũng vì là đầu tiên nên cơ sở gặp không ít khó khăn trong quá trình làm du lịch nông nghiệp.  

Anh PHẠM HỒNG THÁI, Cán bộ quản lý ChimiFarm Mộc Châu, Sơn La: “Những cái khó khăn và hạn chế đó là chúng tôi chủ yếu xuất phát là nông dân. Khi làm du lịch thì bị hạn chế vì cách mình làm dịch vụ chưa được tốt. Rất muốn cải thiện và đang trong quá trình cải thiện. Cái khó khăn nữa là khi cho khách hàng vào thăm vườn thì sẽ có các tỷ lệ hỏng  của cây, và cây sẽ dễ bị mắc sâu bệnh hơn. Mình phải mất nhiều công chăm sóc hơn."

Còn với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp 19 tháng 5, ngoài những loại cây chủ lực như chè, dâu tây, nho, mận… còn đầu tư rất nhiều kinh phí tạo cảnh quan phục vụ khách tham quan trải nghiệm. Dù được đầu tư khá quy mô nhưng doanh thu đến từ các hoạt động du lịch lại rất khiêm tốn.

Ông MAI ĐỨC THỊNH, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp 19.5 Mộc Châu, Sơn La:Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ phía đào tạo nghề. Đào tạo kỹ năng. Hỗ trợ người nông dân làm tốt mô hình của mình. Ví dụ như quy hoạch đường xá nội đồng cho tốt. Vệ sinh thôn bản, rồi làm thế nào đó vấn đề quy hoạch du lịch phải bài bản, không chồng chéo để người nông dân yên tâm có những khu vườn đẹp, lý thú để năm sau người ta làm tốt hơn."

Tại Sơn La, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch chủ yếu tập trung ở cao nguyên Mộc Châu và số ít hợp tác xã nuôi cá trên sông Đà. Ở Mộc Châu cũng chỉ khoảng 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được coi là có chút chuyên nghiệp trên lĩnh vực này. Số còn lại đa phần là hộ dân chỉ làm theo kiểu tự phát.

Ông TRẦN XUÂN THÀNH, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: “Hiện nay đường giao thông miền núi thì đang rất khó khăn. Nhiều nơi vườn đẹp nhưng xe to không thể đến được. Thậm chí có những nơi chỉ đến được bằng xe máy. Thứ 2 là để đầu tư thì phải áp dụng khoa học công nghệ để làm cho cái vườn đấy không những tốt cho vườn mà xung quanh môi trường cảnh quan ở đó cũng được xanh, sạch, đẹp. Hiện nay bà con cũng khó khăn về tiền vốn để đầu tư."

Công tác quy hoạch cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực du lịch nông nghiệp ở Sơn La chưa được bài bản. Nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này vừa thiếu và hạn chế chuyên môn. Thêm vào đó là những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, đường giao thông khiến cho lĩnh vực này chưa được như kỳ vọng.

CẦN KHAI THÁC DU LỊCH NÔNG NGHIỆP HIỆU QUẢ VÀ ĐÚNG QUY ĐỊNH

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, thực hiện Nghị quyết 82/2021 của HĐND TP và Đề án của UBND TP.Đà Nẵng về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025, UBND huyện Hòa Vang đã tích cực triển khai đề án, chọn lọc các mô hình phù hợp với tiêu chí đặt ra để khai thác du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng tồn tại những khu du lịch hoạt động chưa đúng quy định pháp luật, cần sự chấn chỉnh theo đúng chủ trương phát triển của thành phố.

Huyện Hoà Vang hiện có gần 20 điểm du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu tại 2 xã Hòa Bắc và Hòa Ninh. Để triển khai đề án thí điểm, UBND huyện đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí cụ thể, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, gắn với khai thác du lịch, gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp.

Ông A LĂNG ĐỢI, Khu du lịch Suối Hoa, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng: “Huyện cũng đi kiểm tra xem có phá hoại rừng không, kiểm tra an toàn thực phẩm thì huyện cấp phép, và đánh thuế đất rừng cho người làm du lịch tại đây. Những cái đó huyện và thành phố Đà Nẵng cấp phép cho các nhà đầu tư theo chủ trương của thành phố."

Bên cạnh các mô hình đã được cấp phép, tại Hòa Vang đã xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp tự ý dựng các lều sạp, trang trí tiểu cảnh trên đất nông nghiệp để phục vụ vui chơi, trải nghiệm và có cả kinh doanh lưu trú, chưa phù hợp quy định pháp luật và chưa đúng với chủ trương cũng như cách thức làm du lịch nông nghiệp.

Ông BÙI ĐỨC TUẤN, Khu sinh thái Yên Retreat, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng: “Sai thì hoàn toàn sai, chúng tôi không có ý kiến vì TP nói đúng mà. Doanh nghiệp chỉ mong là những sản phẩm đang làm được tham gia vào đề án. Vì có nhiều người mới gửi đề án nhưng chưa có sản phẩm. Trong khi những người đang làm thì dù có làm sai nhưng sản phẩm lại phù hợp, mang lại hiệu quả rõ ràng."

Theo Nghị quyết 82, Hòa Vang sẽ có tối đa 15 mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, trong đó phải tuân thủ các nguyên tắc như không phá vỡ cảnh quan chung, không gây ô nhiễm nguồn nước và không thay đổi kết cấu cây trồng, không khai thác dịch vụ lưu trú, bảo đảm an ninh trật tự.

Ông NGUYỄN THÚC DŨNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, Đà Nẵng: “Hòa Vang chỉ đạo cho Hòa Bắc và đội quy tắc đô thị là những vấn đề gì không đúng thì buộc phải xử lý tháo dỡ, trả nguyên trạng. Còn nhưng mô hình có từ lâu, đã đầu tư lắp dựng, xét theo NQ 82 nếu phù hợp thì tạo điều kiện để họ tiếp tục, vươn lên trong cuộc sống."

Mục tiêu phát triển mà Đà Nẵng định hướng là gắn du lịch với bảo tồn, xây dựng môi trường xanh, thân thiện, an toàn, hòa hợp giữa người dân, du khách và thiên nhiên. Việc quản lý và khai thác những mô hình du lịch nông nghiệp cần sớm thống nhất, có chủ trương cụ thể, tuyên truyền rộng rãi để nhà đầu tư và người dân yên tâm tham gia theo đúng quy định pháp luật.

VIỆT NAM CÓ NHIỀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP

Rõ ràng là dù sở hữu nhiều lợi thế nhưng hiện tại, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Tồn tại này là gì, vướng mắc nào đang khiến du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa phát triển như kỳ vọng, mời quý vị cùng theo dõi phân tích từ chuyên gia khách mời trong chương trình hôm nay - Ông TRẦN NHẬT LAM, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng du lịch nông nghiệp, nông thôn đang còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Thời gian qua, tại một số tỉnh Tây Nguyên, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngoài tạo sản phẩm sạch, an toàn còn góp phần thúc đẩy khai thác tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Những mô hình du lịch canh nông đang là sản phẩm mới, thu hút du khách, cải thiện đời sống cho người dân. Chúng tôi sẽ giới thiệu tới quý vị một số mô hình nông nghiệp như thế.

QUAN TÂM ĐỂ DU LỊCH CANH NÔNG PHÁT TRIỂN ĐÚNG TẦM

Dù còn nhiều khó khăn nhưng du lịch nông nghiệp, nông thôn đang còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Thời gian qua, tại một số tỉnh Tây Nguyên, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngoài tạo sản phẩm sạch, an toàn còn góp phần thúc đẩy khai thác tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Những mô hình du lịch canh nông đang là sản phẩm mới, thu hút du khách, cải thiện đời sống cho người dân. Chúng tôi sẽ giới thiệu tới quý vị một số mô hình nông nghiệp như thế.

Đây là điểm du lịch canh nông của gia đình anh Nguyễn Văn Trung, tại xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt được cấp phép hoạt động từ năm 2018 đến nay. Khu vườn hoa cẩm tú cầu này là điểm check in nổi tiếng của giới trẻ và du khách.

Anh NGUYỄN VĂN TRUNG, Xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng: “Trong quá trình khai thác du lịch và cho du khách trải nghiệm trồng hoa cẩm tú cầu thì khách rất hài lòng và mến mình. Mình hay tham mưu và bày cho du khách cách trồng loại cây hoa này. Du lịch canh nông thì đem lại hiệu quả cao hơn so với làm hoa lá cành.”  

Chị ĐỖ KIM OANH, Du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh: “Mình rất thích cái phong cảnh và khí hậu ở đây. Nói chung sau những ngày làm việc mệt mỏi, hòa vào thiên nhiên rất là thích. Nên là mình cũng thường xuyên xuống Da Lat nên mình cũng thường xuống các vườn dâu, vườn hoa. Thấy các mô hình này rất thú vị vì thấy nó gắn liền với người nông dân, gắn liền với canh tác, sản xuất.”

Theo thống kê của UBND TP. Đà Lạt, tổng lượt khách đến thăm quan các mô hình du lịch canh nông từ năm 2018 đến nay đạt khoảng 4,5 triệu lượt, tổng vốn đầu tư cho các mô hình này khoảng 370 tỉ đồng và đem lại tổng doanh thu ước đạt 153 tỉ đổng.

Bà TRẦN THỊ VŨ LOAN, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng: “Thành phố cũng rất là quan tâm đến việc phát triển về chất lượng và về chiều sâu của dịch vụ tại các điểm du lịch canh nông và tiếp tục thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn mình của người Đà Lạt. Trong thời gian qua thì TP cũng đã tăng cường kiểm tra và hỗ trợ cho các điểm du lịch canh nông phát triển. Tuy nhiên chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại thành phố với những cái du lịch trải nghiệm, thân thiện môi trường. Du lịch gắn với các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.”

Du lịch canh nông tại Đà Lạt luôn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ, có sức lôi cuốn hấp dẫn. Trong thời gian tới, các cấp ngành cần quan tâm và tháo gỡ những vướng mắc để loại hình du lịch này phát triển bài bản hơn và là nguồn thu ổn định cho ngân sách.

HẬU GIANG: HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP XANH GẮN VỚI DU LỊCH

Còn tại Hậu Giang, với đặc thù 70% sản xuất nông nghiệp, thời gian qua nhiều mô hình phát triển du lịch từ nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, từ trái khóm, con cá, vườn rau... đã trở thành sản phẩm phục vụ du lịch giúp người dân nâng cao giá trị nông sản, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Rẫy khóm này đang được anh Huỳnh Đức Phong chăm sóc kỹ lưỡng, gần đến ngày thu hoạch. Nếu như trái khóm Cầu Đúc trước kia chỉ đơn thuần trồng vùng đất phèn để tạm đủ ăn, giờ đây nó trở thành trái cây phục vụ du lịch cho những ai muốn khám phá thiên nhiên, về với đồng ruộng.

Anh HUỲNH ĐỨC PHONG, Xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang: "Dưới mình thả cá sặt rằn cho khách trãi nghiệm câu cá giăng lưới bắt những sản phẩm đồng quê lên chế biến thức ăn theo nhu cầu của khách.''

Cũng với ý tưởng đem sản phẩm nông nghiệp làm du lịch, nắm bắt thị hiếu và mục tiêu hướng đến trẻ em, ý tưởng của Bảo Gia Farm huyện Châu Thành đang được khách du lịch quan tâm, với sự kết hợp du lịch gắn với tham gia trải nghiệm "Cùng học làm nông dân".

Bà NGUYỄN THỊ NGỌC SƯƠNG, Quản lý Bảo Gia Trang Viên, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang: ''Ngoài mục đích cung cấp thị trường nông sản sạc nông sản tốt cho sức khỏe của mọi gia đình bằng nông sản hữu cơ, thì bảo gia fam còn có mong muốn để cho người tiêu dùng nhất là các bạn nhỏ có thể hiểu hơn về thiên nhiên, hoặc là môi trường trong lành để gia đình quay quần với nhau."

Với cách làm này, năm 2022 Hậu Giang đã và đang thu hút du lịch của địa phương. Toàn tỉnh đón hơn 160 nghìn lượt khách tham quan du lịch, đạt 46% so kế hoạch, trong đó khách quốc tế là hơn 2 nghìn; tổng thu từ du lịch đạt 73 tỉ đồng.

Ông LÊ CÔNG KHANH, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hậu Giang: ''Chúng tôi có chính sách rất cụ thể, ví dụ như quy mô các doanh nghiệp hoặc là người dân làm một điểm du lịch cộng đồng làm một điểm mua bán sản phẩm về du lịch thì chúng tôi sẽ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước  là bao nhiêu tiền trên cơ sở đó chúng tôi khuyến khích gợi mở xây dựng điểm du lịch cộng đồng."

Dù du lịch nông nghiệp vẫn chưa thể xem là thế mạnh, nhưng từ ý tưởng sáng tạo đã dần hình thành các sản phẩm mang đậm nét riêng của đất và người Hậu Giang.

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN

Đáng chú ý, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đây được xem là tiền đề quan trọng cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Đồng thời, nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

XÂY DỰNG TIÊU CHÍ, CÁCH THỨC LÀM DU LỊCH NÔNG NGHIỆP

Có thể thấy Chương trình phát triển du lịch nông thôn vừa được phê duyệt cho thấy sự kịp thời, đón lợi thế, tiềm năng để xây dựng nông thôn mới toàn diện, hiện đại. Làm thế nào để triển khai hiệu quả loại hình này, mời quý vị tiếp tục theo dõi chia sẻ từ khách mời - Ông TRẦN NHẬT LAM, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG DU LỊCH NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI

Trên thế giới, những năm qua, nhiều điểm đến du lịch nông nghiệp đã được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái địa phương. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách thế giới. Bên cạnh việc mở rộng không gian du lịch, phát triển du lịch nông nghiệp góp phần tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng có lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách du lịch, phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Vốn đã nổi tiếng trong giới những người yêu thích leo núi, quốc gia Trung Á Kyrgyzstan đang tìm cách mở rộng khả năng thu hút khách du lịch của mình bằng cách quảng bá sản phẩm nông sản địa phương. Cụ thể là món sữa ngựa lên men, một sản phẩm được cho là có khả tăng cường miễn dịch cho con người.

Bà GULJAMAL MAMBETOVA: "Tôi cố gắng đến đây và uống sữa ngựa mỗi năm. Tôi nhận thấy, trong những năm không sử dụng sữa ngựa, tôi cảm thấy mình yếu hơn. Nhờ sữa ngựa lên men, tôi cảm thấy khoẻ hơn”. 

Đối với văn hóa Kyrgyzstan, sữa ngựa đóng vai trò quan trọng, khi thủ đô của quốc gia này thậm chí còn được đặt tên theo 1 dụng cụ dùng để khuấy sữa lên men. Hoạt động kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp của Kyrgyzstan giúp các du khách có thể tham gia kỳ nghỉ dưỡng trên vùng núi, vừa trải nghiệm đầy đủ lối sống Kyrgyzstan truyền thống, vừa thưởng thức những sản phẩm làm từ sữa tươi.

Anh IBRAHIM AL-SHARIF, Du khách A Rập: “Chúng tôi quyết định thử trải nghiệm du lịch sau khi nghe về những sản phẩm sữa từ những người bạn đã tới thăm Kyrgyzstan. Tôi thậm chí không thể mô tả hương vị của nó. Nó không giống với bất kì điều gì tôi đã từng thử qua trước đây”. 

Vắt sữa ngựa là hoạt động truyền thống của Kyrgyzstan, và chỉ diễn ra theo mùa, từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7. Trong khoảng thời gian này, nhiều du khách đã tranh thủ tới Kyrgyzstan để trải nghiệm sản phẩm tốt lành cho sức khoẻ, kết hợp với ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên nơi đây, tăng giá trị cho trải nghiệm du lịch của mình.

Còn tại Trung Quốc, nhằm lưu giữ và quảng bá truyền thống du mục lâu đời,  những người chăn gia súc ở Thung lũng sông Ili thuộc Khu tự trị Tân Cương cũng tổ chức một loạt các chương trình biểu diễn ngựa với cảnh tượng "một nghìn chiến mã phi nước đại qua sông và đồng cỏ" tuyệt đẹp.

Huyện Triệu Châu, quê hương của giống "ngựa trời" nổi tiếng Ili, thường tổ chức một số hoạt động theo chủ đề về ngựa nhằm tôn vinh nền văn hóa du mục Kazak vốn có tuổi đời hàng thế kỷ. Một trong những sự kiện được nhiều người biết đến là "ngựa trời tắm sông", khi những đàn ngựa khổng lồ phi nước đại, và uống nước trên sông Tekes. Sự kiện thu hút khoảng 300 người chăn gia súc từ hàng chục ngôi làng và thị trấn tập trung tại thảo nguyên Triệu Châu. Cảnh tượng tuyệt đẹp và hoành tráng, thể hiện kỹ năng tinh tế của người dân du mục trong việc nuôi dưỡng và huấn luyện được một đội quân ngựa.

Lịch sử của ngựa Ili bắt nguồn từ thời Tây Hán khoảng hai thiên niên kỷ trước, khi loài vật này chủ yếu được sử dụng để vận chuyển hàng hoá. Ngày nay, chăn nuôi ngựa đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá 600 triệu nhân dân tệ (khoảng 89 triệu đô la Mỹ) ở huyện Triệu Châu, với truyền thống biểu diễn ngựa đã phát triển thành một sự kiện văn hóa mang tính biểu tượng, thúc đẩy du lịch của quận.

BẠC LIÊU: THÀNH CÔNG TỪ MỘT CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Thế Xuân, thường gọi Lê Anh Xuân - Người được mệnh danh Bác sĩ tôm ở xứ Công tử Bạc Liêu. Đây là công trình nghiên cứu khoa học được các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học đánh giá cao khi ứng dụng vào thực tiễn trong việc điều trị bệnh Hoại tử gan tụy cấp trên "Tôm" ở nước ta.

Bệnh Hoại tử gan tụy cấp ở tôm được ghi nhận lần đầu tiên tại Trung Quốc năm 2010 và lan rộng ra nhiều quốc gia nuôi tôm trên thế giới, trong đó có Việt Nam và trở thành mối nguy hại hàng đầu đối với nuôi tôm công nghiệp.

Tiến sĩ LÊ ANH XUÂN, TGĐ Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh: "Khi dịch bệnh tôm chết xuất hiện thì ngoài tầm của một kỹ sư, thạc sĩ thì tôi mới đăng ký nghiên cứu Tiến sĩ đề tài nghiên cứu vi khuẩn Bacilus. Từ các ao nuôi tôm công nghiệp trong cả nước thì tôi lấy mẫu về phân lập hiện vi khuẩn Bacilus có khả năng kháng lại vi khuẩn Vibrio_ Parahaemolyticus gây bệnh tôm chết." 

Từ các ao tôm công nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Anh Xuân đã bắt đầu công trình nghiên cứu, tiến hành lấy mẫu và thực hiện quy trình phân tích. Khi thử nghiệm trên mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, các chủng vi khuẩn được phát hiện giúp phòng chống hiệu quả bệnh Hoại tử gan tụy cấp với tỷ lệ sống trên 85%.

GS, TS VŨ NGỌC ÚT, Trưởng khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ: "Từ kết quả công trình nghiên cứu cho thấy các dòng vi khuẩn này có khả năng ức chế các vi khuẩn gây bệnh hoại từ gan tụy cấp. Và các chủng vi khuẩn này cũng có thể nghiên cứu ra các vi sinh sử dụng rộng rãi."

Từ đề tài nghiên cứu khoa học trên, ông Xuân đã sản xuất và cho ra mắt sản phẩm vi sinh chuyên phòng và điều trị bệnh Hoại tử gan tụy cấp, được người nuôi tôm và các chuyên gia đầu ngành đánh giá cao.

Ông NGUYỄN TRỌNG HIẾU, Xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu: "Trước kia thì không biết và từ khi biết và sử dụng sản phẩm của này thì thấy hiệu quả. Đường gan, ruột của tôm thấy rất tốt."

Ông TRẦN ĐÌNH LUÂN, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT: "Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của anh Xuân và công ty Trúc Anh đã nghiên cứu tìm ra những chủng vi sinh rất có giá trị, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường dịch bệnh ngày càng gia tăng. Việc sử dụng vi sinh sẽ giảm việc sử dụng kháng sinh, hóa chất hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu ngành tôm có chất lượng."

Trước tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh ngày càng gia tăng luôn gây bất lợi cho người nuôi tôm, kết quả từ công trình nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Lê Anh Xuân đã tạo một bước tiến mới giảm rủi ro cho người nuôi tôm và góp phần phát triển bền vững ngành tôm ở nước ta hiện nay.

Hà Lan