Nông nghiệp Việt Nam: Giám định chặt chẽ để VietGap không chỉ là tấm giấy chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt

Nông nghiệp tiến gần mục tiêu 50 tỷ USD xuất khẩu; Giá gạo Việt Nam vượt Thái Lan; Hoạt động xuất khẩu cao su bị ảnh hưởng do nhu cầu giảm; Giám định chặt chẽ để VietGap không chỉ là tấm giấy chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt ... là những tin tức đáng chú ý về nông nghiệp Việt Nam trong tuần qua.

BẢN TIN NÔNG NGHIỆP

NÔNG NGHIỆP TIẾN GẦN MỤC TIÊU 50 TỶ USD XUẤT KHẨU

Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.

Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với   cùng kỳ năm ngoái. Với đà này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, mục tiêu 50 tỷ USD giá trị xuất khẩu cả năm mà Chính phủ giao ngành nông nghiệp có thể đạt được.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cũng còn đối mặt với nhiều thách thức, trước mắt là rà soát, đánh giá tình hình vi phạm IUU, làm thế nào gỡ được thẻ vàng sau 5 năm bị Ủy ban châu ÂU EC áp cho thủy hải sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chất lượng nông sản cũng phải được đặt lên hàng đầu.

GIÁ GẠO VIỆT NAM VƯỢT THÁI LAN

Hiện gạo 5% tấm của Việt Nam  được chào bán với giá 428 USD/tấn, tức là tăng 5 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 9 vừa qua và tăng 35 USD/tấn so với trước thời điểm Ấn Độ áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu. Trong khi đó, Gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 422 USD/tấn.

Như vậy, sau khi Ấn Độ có động thái hạn chế xuất khẩu gạo đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng dần và hiện đã vượt gạo Thái Lan. Tuy nhiên, ở phân khúc gạo 100% tấm hiện ngưng chào bán do thiếu nguồn cung.

HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CAO SU BỊ ẢNH HƯỞNG DO NHU CẦU GIẢM

Theo thông tin từ Hiệp hội cao su Việt Nam, giá cao su giảm do thị trường thế giới biến động và sức tiêu thụ tại Trung Quốc còn chậm.  Giá cao su trên thị trường thế giới có chiều hướng tiếp tục đi xuống trong tháng   9 do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại. Chưa kể, giá cao su thường có sự tương quan nghịch với sức mạnh đồng USD. Diễn biến đi lên của đồng USD trong thời gian qua cũng dự báo giá cao su vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới. Dự báo, lợi nhuận cuối năm của ngành cao su sẽ kém khả quan.

9 THÁNG, GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CHĂN NUÔI TĂNG 5,35%

Liên quan tới lĩnh vực chăn nuôi, 9 tháng năm nay, nhờ dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phục hồi và phát triển trở lại. Giá trị sản xuất chăn nuôi 9 tháng tăng khoảng 5,35% với sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đàn lợn ước tăng 8,8%; đàn gia cầm ước tăng 3,8%; Trứng ước đạt 13,4 tỷ quả, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng về giá thịt lợn hơi, theo Cục Chăn nuôi, trong tháng 9, tăng giá lên 65-70 nghìn đồng/kg, sau đó giảm xuống và lại tiếp tục tăng trong những ngày gần đây. Việc tăng, giảm giá thịt lợn trong thời gian qua cho thấy việc vào đàn không đồng loạt như trước đây.

Từ nay đến hết năm 2022, toàn ngành tiếp tục phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2022 ước khoảng 5-6% so với năm 2021. Sản lượng thịt các loại ước đạt 6,97 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt trên 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm đạt trên 2 triệu tấn; sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%), sản lượng sữa khoảng trên 1,16 triệu tấn (tăng 8,3%).

CHÍNH QUYỀN SỐ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2025 sẽ thực hiện chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh. Theo đó, cần phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới, có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh và 80% hồ sơ công việc cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng. Đây là bước đi phù hợp trong phát triển nông thôn mới và định hướng phát triển chuyển đổi số chung của quốc gia. Thực hiện chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để triển khai.

GIÁM ĐỊNH CHẶT CHẼ ĐỂ VIETGAP KHÔNG CHỈ LÀ TẤM GIẤY CHỨNG NHẬN QUY TRÌNH THỰC HÀNH NÔNG NGHIỆP TỐT

VietGAP có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Tiêu chuẩn này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi. Thời gian qua sản xuất đạt chuẩn VietGAP luôn được các địa phương và người dân chú trọng nhằm tạo ra sản phẩm nông sản an toàn. Thế nhưng có không ít vụ việc mạo danh, gian lận chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Trong chương trình hôm nay chúng tôi sẽ đề cập đến nội dung này, đặc biệt quy trình sản xuất VietGAP hiện đang thực hiện ra sao, thế nào là làm VietGAP đúng nghĩa.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Thực hiện : Hà Lan