• 1462 lượt xem
  • 22:58 23/07/2022
  • Kinh tế

Nông nghiệp Việt Nam: Kinh tế tập thể, hợp tác xã và những khó khăn nội tại

Ngành chế biến thủy sản trước nguy cơ thiếu nguyên liệu; Kinh tế tập thể, hợp tác xã và những khó khăn nội tại; Đưa Việt Nam thành trung tâm chế biến nông sản top 10 thế giới ... là những tin tức nông nghiệp đáng chú ý trong bản tin Nông nghiệp Việt Nam số này.

ĐƯA VIỆT NAM THÀNH TRUNG TÂM CHẾ BIẾN NÔNG SẢN TOP 10 THẾ GIỚI

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới. Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể về cơ giới hóa nông nghiệp đối với từng lĩnh vực sản xuất như: Sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030; sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt trên 95% năm 2030. Về phát triển chế biến, bảo quản nông sản, tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt 10%/năm vào năm 2030; trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến.

NGÀNH CHẾ BIẾN THỦY SẢN TRƯỚC NGUY CƠ THIẾU NGUYÊN LIỆU

Giữa biến động thị trường, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tăng 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ khan hiếm nguyên liệu cho chế biến, các chuyên gia lo ngại về mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD của năm. Theo thống kê, một số ngành chế biến tôm, cá tra, dù đang vào mùa vụ, nhưng các nhà máy vẫn thiếu 30 – 50% nguyên liệu phục vụ chế biến. Việc giá nguyên liệu tôm, cá tra tăng gây ra một áp lực lớn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu khi đơn hàng đã được ký từ nhiều tháng trước. Vì vậy, thời điểm này, các doanh nghiệp cần chủ động cắt giảm các chi phí, tập trung cho đơn hàng đã ký và có sự tính toán hợp lý cho những đơn hàng mới. 

Ông TRẦN ĐÌNH LUÂN, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT: “Làm sao tranh thủ cơ hội thị trường và chi phí ở mức tương đối duy trì lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp, một số giải pháp ở đây đó là khuyến cáo hạn chế thấp nhất trung gian để giá vật tư đầu vào tăng nhưng không ảnh hưởng sản xuất và sử dụng nguyên liệu trong nước để thay thế.”

Bức tranh cuối năm của ngành thủy sản được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn khi những biến động toàn cầu vẫn đang tác động rất lớn đến đầu vào của sản xuất, cũng như cuộc cạnh tranh giá khốc liệt trên thị trường. Dù vậy, kết quả khá tích cực của nửa đầu năm sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp linh hoạt ứng phó, nắm bắt cơ hội để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD trong năm nay.

TIẾP TỤC DUY TRÌ ĐÀ TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU GỖ VÀ LÂM SẢN

Theo Bộ NN&PTNT, nửa đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỉ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Gỗ và lâm sản đang là mặt hàng chiến lược trong xuất khẩu nông sản và Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu gỗ và lâm sản lớn nhất, đạt 4,8 tỉ USD, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Bên cạnh thị trường Hoa Kỳ, các thị trường khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng như Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản… 

HÀ NỘI CÔNG BỐ SẢN PHẨM OCOP NĂM 2021

Hà Nội vừa công bố Quyết định công nhận sản phẩm OCOP Hà Nội cho 171 chủ thể với 595 sản phẩm, trong đó có 367 sản phẩm đạt 4 sao, 228 sản phẩm đạt 3 sao. Đây là những sản phẩm được lựa chọn, đánh giá kỹ lượng, đạt tiêu chuẩn về chất lượng cũng như mẫu mã, hình thức tốt. Tính đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được hơn 1.600 sản phẩm OCOP; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng); gần 1.100 sản phẩm 4 sao và khoảng 500 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5) sao. 

AUSTRALIA PHÁT HIỆN VIRUS LỞ MỒM LONG MÓNG

Bộ Nông nghiệp Australia tuần qua cho biết, đã phát hiện thấy các mẫu virus gây bệnh lở mồm long móng trong cản sản phẩm thịt được nhập khẩu từ Indonesia và Trung Quốc vào nước này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Murray Watt cho biết, các mẫu virus lở mồm long móng lần này được phát hiện trong các đợt kiểm tra định kỳ của Australia. Sau khi dịch bệnh bùng phát ở Indonesia, du khách đến Australia từ Indonesia sẽ được yêu cầu đi bộ qua thảm vệ sinh ở các sân bay quốc tế. Lở mồm long móng là một bệnh động vật rất dễ lây lan, ảnh hưởng đến gia súc, cừu, dê, lợn nhưng không đe dọa đến con người. Ước tính, việc bùng phát lở mồm long móng ở Australia sẽ có tác động kinh tế trực tiếp khoảng 80 tỉ đôla Australia (55,3 tỉ USD).

TRUNG QUỐC DỰ KIẾN ĐẠT 650 TRIỆU TẤN LƯƠNG THỰC

Trung Quốc dự kiến vẫn đạt sản lượng lương thực ổn định trong năm nay, bất chấp những thách thức thiên tai, Covid-19 và những biến động mạnh trên thị trường nông sản toàn cầu. Sản lượng lương thực vụ hè tăng 1,435 tỉ kg trong năm nay và hiện đã thu hoạch hơn 60% diện tích lúa sớm. Niên vụ này, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đảm bảo một vụ thu hoạch được mùa, trong khi diện tích gieo trồng đã được mở rộng và quá trình sinh trưởng của các loại cây trồng vụ thu vẫn diễn ra bình thường. 

THÁI LAN RA MẮT LOẠI SẦU RIÊNG ‘KHÔNG BỐC MÙI’

Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới. Mới đây, một tỉnh của Thái Lan vừa đăng ký chỉ dẫn địa lý cho loại sầu riêng “không bốc mùi”. Sầu riêng Pak Chong-Khao Yai, thuộc giống sầu riêng nổi tiếng Mon Thong ở tỉnh Nakhon Ratchasima, vùng Đông Bắc Thái Lan, vừa được cơ quan quản lý nước này cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Pak Chong-Khao Yai được nói là vẫn giữ được vị ngọt, ngậy, mềm và múi khô, nhưng không có mùi gây khó chịu cho những người không thích. Nhu cầu mua sầu riêng Thái Lan tăng mạnh trong thời gian qua, bất chấp đại dịch Covid-19, đưa quốc gia này trở thành nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới. Khoảng 90% sầu riêng của nước này được xuất khẩu sang Trung Quốc.

KHÔNG CÓ ĐẦU RA, NÔNG DÂN CHƯA MẶN MÀ THAM GIA HỢP TÁC XÃ

Nghị quyết 20 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nhấn mạnh đến những yêu cầu cấp thiết trong lĩnh vực này. Trong nông nghiệp, với gần 18 nghìn hợp tác xã (HTX) và 78 Liên hiệp HTX cho thấy vai trò và sự phát triển nhanh của mô hình này. Tuy nhiên, qua đánh giá của Bộ NN&PTNT, hoạt động của HTX vẫn còn rất nhiều khó khăn. 

Tiêu điểm hôm nay chúng tôi sẽ đề cập những tồn tại này. Trước tiên mời quý vị theo dõi ghi nhận tại Bình Thuận khi nhiều nông dân chưa mặn mà tham gia HTX do gặp khó về tiêu thụ. 

Là thủ phủ thanh long của cả nước, thời gian qua Bình Thuận đã vận động người dân tham gia mô hình kinh tế hợp tác xã để phát triển thanh long sạch, an toàn. Thế nhưng do không đảm bảo được về đầu ra khiến nhiều nông dân không mặn mà tham gia hợp tác xã, số thành viên giảm dần, diện tích thu hẹp, điển hình như tại HTX Thanh long Bắc Bình.

Ông PHẠM VĂN BÁN, Giám đốc HTX Thanh long Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận: “HTX không tương tác được với bên đối tác thì họ cũng báo với mình thông cảm. HTX có liên kết với HTX Thuận Tiến, làm 1 năm cũng rất ổn định nhưng từ khi gặp sự cố Covid thì HTX không liên kết được, không có đầu ra được.”

"Có thực mới vực được đạo", phải có đầu ra ổn định thì nông dân mới tin tưởng tham gia hợp tác xã. Thế nhưng hiện nay rất nhiều hợp tác xã làm ra sản phẩm nhưng không thể tự bán sản phẩm của mình.

Ông VÕ ĐÌNH TÂM, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận: “Bà con đều mong là có 1 cái tổ chức nào đó làm ăn, vật tư đầu vào, rồi đầu ra, giá cả ổn định cho bà con bớt lo.”

Trước bối cảnh nông dân đang gặp khó khăn về sản xuất và tiêu thụ nông sản thì kinh tế tập thể được kỳ vọng sẽ là đầu tàu giúp người dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết đầu ra. Để làm được điều này chính các HTX cần chủ động tìm kiếm thị trường, bên cạnh đó cũng cần có những chính sách hỗ trợ các HTX, nhất là đào tạo về kinh doanh. Chỉ khi HTX chủ động bao tiêu sản phẩm của xã viên thì người dân mới tiếp tục tham gia HTX.

HỖ TRỢ VỐN VAY CHO HTX

Không chỉ loay hoay về đầu ra, các HTX tiếp cận vốn vay gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng thương mại còn thận trọng cho HTX vay vốn. Trong khi đó, điều kiện được cấp vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ Phát triển HTX gặp vướng mắc về cơ chế thế chấp và bảo lãnh tín dụng; các thành viên HTX dè dặt trong việc lấy tài sản cá nhân để thế chấp vay vốn cho HTX. Thực tế này ra sao, mời quý vị theo dõi qua phóng sự sau!

HTX nuôi trồng thủy sản này có gần 5ha nuôi trồng, việc đầu tư và duy trì sản xuất cần nguồn vốn lớn, thế nhưng có nhiều thời điểm loay hoay trong tiếp cận vốn vay. Theo ông Tùng, với những HTX mới thành lập thì vốn để chuyển từ trồng trọt sang nuôi trồng thủy sản rất lớn. Do vậy, rất cần chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho bà con nuôi trồng thủy sản.

Ông NGÔ SỸ TÙNG, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam: “Để đầu tư cho diện tích nuôi trồng thủy sản, người nông dân phải bỏ ra nguồn vốn lớn, nếu có vốn vay lãi ngân hàng lãi suất cao sẽ giảm chi phí và thu nhập cho bà con. Rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ gói kích cầu, lãi suất thấp cho hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để hỗ trợ sản xuất, góp phần mang lại lợi nhuận cho nông dân.”

Thành lập được 2 năm, thời gian đầu hợp tác xã này được hỗ trợ giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Để thúc đẩy sản xuất, các xã viên đã tiến hành chuyển đổi đa canh, xen lẫn trồng lúa - nuôi cá. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay gặp khó khăn, tài sản thế chấp ít nên vốn vay thấp, người dân phải xoay xở nhiều nguồn. 

Ông LƯƠNG VĂN TRÚC, Xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam: “Bỏ ra nhiều vốn, mong muốn hỗ trợ vốn ưu đãi để chăn nuôi thủy sản. Với 6ha, vốn vừa dành cho mặt bằng, con giống, thức ăn, cải tạo mặt bằng… rất tốn kém.”

Theo Liên minh HTX Việt Nam, ngoài ra bài toán cơ cấu lại hệ thống kinh tế tập thể thì việc tiếp cận nguồn vốn vay cho HTX quy mô nhỏ cũng cần được quan tâm hơn.

Ông NGUYỄN NGỌC BẢO, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: “Sẽ hình thành hệ thống quỹ hỗ trợ để giải quyết một trong những điểm nghẽn là về vốn ngắn hạn, dài hạn, trung hạn cho HTX. Và một điểm quan trọng là chúng tôi cũng mở rộng các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến khoa học công nghệ”.

Thực tế, tổng số vốn, tài sản của HTX nông nghiệp khoảng 15.200 tỉ đồng, trung bình một HTX nông nghiệp chỉ có tổng số vốn, tài sản 871 triệu đồng. Nếu so với số vốn hoạt động của HTX nông nghiệp năm 2013 khoảng 702 triệu đồng/HTX thì thấy quá trình tích lũy vốn của HTX nông nghiệp diễn ra còn chậm.

VAI TRÒ CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP TRONG GỠ KHÓ VỐN VAY CHO HTX 

Thực tế, vấn đề về tiếp cận vốn không phải là câu chuyện cũ. Khó khăn này đã nhiều lần được các ĐBQH đề cập tại nghị trường Quốc hội.

Ông MAI VĂN HẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: “Sau khi thực hiện Luật Chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay có tới 40% HTX hoạt động kém hiệu quả. Các HTX rất khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn để nâng cao hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp hiện nay, để HTX thực sự là cầu nối giữa bà con nông dân với doanh nghiệp.”

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Tôi đơn cử một nguyên liệu chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức sản thủy sản, đó là ngô. Tổng diện tích sản xuất ngô trên thế giới để phục vụ thức ăn chăn nuôi là 200 triệu hecta, của chúng ta là xấp xỉ 1 triệu hecta. Nâng cao năng lực là trách nhiệm của Bộ NNPTNT phối hợp với các địa phương để làm sao quản trị cũng như vai trò của HTX rõ hơn, dễ tiếp cận hơn”.

KHÓ KHĂN CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP Ở SƠN LA 

Rõ ràng đang có rất nhiều vấn đề đặt ra cho hoạt động của HTX. Những năm gần đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là đối với các tỉnh vùng cao Tây Bắc.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong lai ghép cũng như chăm sóc theo hướng hữu cơ mà những năm gần đây, 5 vườn nhãn của các thành viên HTX nông nghiệp Trung Dũng luôn đạt năng suất và chất lượng tốt. Việc giới thiệu sản phẩm để tiêu thụ bước đầu cũng được các thành viên sử dụng qua các nền tạng mạng xã hội. Tuy nhiên, khái niệm về chuyển đổi số trong nông nghiệp thì hầu như người dân ở đây còn rất mơ hồ.

Anh VŨ ANH MINH, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La: “Việc để nắm bắt khoa học kỹ thuật, công nghệ để đưa cái sản phẩm nông nghiệp lên sàn điện tử, mới đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sở dĩ chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn đó là do trình độ, tuổi tác không đồng đều”.

Còn đây là mô hình nuôi nhốt tập trung với hệ thống chuồng trại, camera theo dõi được đầu tư khá quy mô. Số tiền đầu tư lớn nhưng giá sản phẩm bán ra lại không cao cũng là yếu tố khiến người dân lăn tăn trong đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Anh NGUYỄN HỮU LINH, Giám đốc Hợp tác xã Toàn Phát, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La: “Về mặt thuận lợi, HTX của chúng tôi tiết kiệm được nhân công, năng suất lao động làm ra sản phẩm cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nó có nhược điểm là chi phí đầu tư rất lớn. Đặc biệt, vùng nông thôn, miền núi như chúng tôi thì thực tế tài chính thấp nên để làm được việc này không phải HTX nào cũng làm được”.

Ông LÊ TIẾN LỢI, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La: “Việc triển khai ứng dụng công nghệ cao của HTX còn thấp, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Ý thức về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cao còn hạn chế. Chi phí đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn. Nguồn lực con người, trình độ nhân công trong các HTX chưa đáp ứng yêu cầu”. 

Hiện Sơn La có 207/665 HTX bước đầu ứng dụng công nghệ cao và tạo ra các chuỗi sản phẩm bền vững. Việc người dân ứng dụng chuyển đổi số để giao dịch, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tự học hỏi, chưa khoa học, bài bản… Đây cũng chính là những khó khăn, trở ngại trong quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp.

TỒN TẠI KHÓ KHĂN PHỤC TRONG PHÁT TRIỂN HTX

Có thể thấy rất nhiều khó khăn mà các HTX nông nghiệp đang gặp phải. Để có đánh giá, nhìn nhận tổng thể, mời quý vị theo dõi chia sẻ từ  PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam ngay sau đây.

Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi!

NÂNG CAO NĂNG LỰC NGUỒN NHÂN LỰC CHO HỢP TÁC XÃ

Bên cạnh các yếu tố về vốn, hạ tầng, để phát triển hợp tác xã thì nguồn nhân lực là rất quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, nhân lực tham gia còn hạn chế. Làm thế nào để nâng cao năng lực quản lý, năng lực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nguồn nhân lực này vẫn là bài toán khó.

HTX Tân Phú A1 ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang dù chỉ có hơn 460 thành viên nhưng vẫn được tổ chức bài bản, đầy đủ các chức danh. Tuy vậy, bộ máy quản lý đa phần chưa qua đào tạo bài bản, chủ yếu áp dụng kinh nghiệm bản thân vào công tác.

Ông DƯƠNG VĂN HỒNG, Phó Giám đốc HTX Tân Phú A1, Tân Châu, An Giang: “Nhìn chung năng lực lãnh đạo thì có kinh nghiệm, tương đối lãnh đạo được, nhưng nói về trình độ văn hóa, học vấn thì còn kém so với các vùng miền khác.”

Muốn phát triển HTX cần có cán bộ trẻ với đầy đủ năng lực, tuy nhiên quy mô và doanh thu của HTX khá thấp, vì thế năng lực tài chính không đáp ứng được, thêm nữa nhiều cán bộ trẻ chưa mặn mà vào HTX.

Ông DƯƠNG VĂN HỒNG, Phó Giám đốc HTX Tân Phú A1, Tân Châu, An Giang: “Trước đây, có cũng có một số anh em trẻ về làm, nhưng do lương thấp quá nên anh em đều rời bỏ.”

Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế của các HTX đã được lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam nhìn nhận một cách nghiêm túc và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể. Chính vì thế, tổ chức này đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực cho các HTX.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam: “Cần phải chuẩn hóa các chức danh trong HTX. Chuẩn hóa rồi thì bám vào đó để tuyển dụng, lựa chọn. Đồng thời với đó là kết hợp với đàotạo, bồi dưỡng để lực lượng này đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện và có năng lực quản trị HTX.”

Cũng theo Liên minh HTX Việt Nam, cần phải tập trung các nguồn lực để thu hút các lao động trẻ có năng lực, đặc biệt lao động biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Muốn thực hiện được các giải pháp trên, phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước về mặt kinh phí, cơ chế chính sách, trong đó đặc biệt là ưu tiên nguồn nhân lực cho khu vực nông nghiệp.

CẦN GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ NHẰM PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HTX

Những khó khăn mà chúng tôi đề cập ở trên đã được các cấp, ngành nhìn nhận. Tuy nhiên, với mô hình sản xuất lớn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tác động tới hàng triệu người thì cần nhiều giải pháp đột phá, phù hợp với tình hình mới, trong đó rất cần hoạch định từ chính sách. 

Mời quý vị tiếp tục theo dõi chia sẻ của chuyên gia!

NGHỊ QUYẾT 20 TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ 

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó đề cập tới Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh những yêu cầu cấp thiết của Nghị quyết 20. Những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết 20 sẽ là nền tảng để triển khai, thúc đẩy phát triển HTX, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn tới.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó đề cập tới chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ HTX phát triển.

Phó Thủ tướng LÊ MINH KHÁI: “Các tổ chức kinh tế tập thể được vay vốn như các tổ chức khác, được hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành tiêu chuẩn, điều kiện cấp tín dụng. Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với các dự án sản xuất có hiệu quả; nâng cao, phát huy vai trò của Quỹ phát triển HTX trong hỗ trợ việc làm, tổ chức kinh tế tập thể vay vốn với lãi suất ưu đãi, bảo lãnh tín dụng đầu tư.”

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cần thiết để tổ chức thực hiện, đáng chú ý, nhóm nhiệm vụ thứ 3 có ý nghĩa rất quan trọng, đặt yêu cầu đối với Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban Cán sự Đảng, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới; bố trí thích đáng ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể; tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá, triển khai, thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể.

TRUNG QUỐC KHUYẾN KHÍCH MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

Nghị quyết 20 một lần nữa khẳng định, phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó có đóng góp không nhỏ từ các HTX nông nghiệp. 

Không chỉ tại Việt Nam, mô hình HTX cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp thế giới. Tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đang đẩy mạnh quá trình hồi sinh nông thôn thông qua mô hình HTX với nhiều chính sách hỗ trợ quốc gia.

Trung Quốc coi trọng việc phát triển các khu vực nông thôn, coi đây là cái nôi cung cấp các cơ hội và nền tảng kinh doanh rộng lớn. Cũng vì lẽ đó, chính phủ Trung Quốc đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông thôn thông qua mô hình hợp tác xã, thu hút nhiều nhân tài trở về đóng góp, dựng xây cho quê hương. 

Tại tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, anh Tưởng Quản Quân đã thành lập một hợp tác xã ươm hạt giống ngay tại quê hương của mình. Ý tưởng của anh xuất phát sau khi nhận thấy sự thiếu hụt cây giống trên thị trường địa phương. Đến nay, anh đã trồng hơn 20 loại cây giống trên diện tích hơn 300 ha. Năm ngoái, hợp tác xã của anh đã sản xuất được 50 triệu cây giống, giúp dân làng kiếm được gần 2 triệu nhân dân tệ từ việc kinh doanh.

Anh TƯỞNG QUẢN QUÂN, Nông dân tỉnh Giang Tô, Trung Quốc: "Trong năm nay, chúng tôi sẽ xây dựng nhà kính thông minh và hiệu quả với tổng diện tích 15.000m2. Chúng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành vào cuối tháng 8. Sau khi hoàn thành, năng lực cây con của chúng tôi sẽ tăng gần 20%.”

Huyện Mạnh Thành, tỉnh An Huy (Trung Quốc) là một trong những địa phương thực hiện tốt các công tác phát triển nông thôn và hợp tác xã. Huyện đã đưa ra 113 chính sách hỗ trợ để thu hút hơn 40.000 lao động nhập cư, sinh viên tốt nghiệp đại học và quân nhân nghỉ hưu trở về quê khởi nghiệp. 

Ông MÃ TƯ, doanh nhân tỉnh An Huy, Trung Quốc: "Tôi trở về quê hương để khởi nghiệp. Hiện tôi đang thúc đẩy sự phát triển của ngành thương mại điện tử bằng cách xây dựng nền tảng thương mại điện tử tại địa phương, đào tạo nhân tài, nuôi dưỡng thương hiệu địa phương”. 

Tỉnh Hắc Long Giang đã tạo ra con đường phát triển mới trong thập kỷ qua bằng cách thực hiện chiến lược canh tác bền vững qua hỗ trợ các ứng dụng sáng tạo của công nghệ nông nghiệp để tăng năng suất đất nông nghiệp, khuyến khích thành lập các loại hình hợp tác xã nông dân và trang trại gia đình mới và thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của nông nghiệp hiện đại.

Quận Phương Chính ở Hắc Long Giang là một trong những quận đầu tiên trên toàn quốc thí điểm hệ thống quyền quản lý đất đai mới cho phép nông dân mở rộng quy mô hoạt động và hưởng lợi đầy đủ từ công nghệ và máy móc mới.

Ông DƯƠNG QUÝ HÀ, Giám đốc Dịch vụ Kinh tế Nông thôn: “Đây là bản đồ quản lý đất đai của một thôn năm 2012. Nhiều mảnh đất không liên thông. Sau khi hợp lý hóa và xác nhận các quyền về đất đai, chúng tôi đã có những bước tiến đáng kể và từng bước xây dựng được đất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao như bây giờ. Hiện đã có khoảng gần 37 nghìn ha đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao ở huyện.”

Đến cuối năm 2021, 156.700 loại hình doanh nghiệp nông nghiệp mới đã được thành lập ở Hắc Long Giang với 98% hoạt động canh tác và thu hoạch cây trồng được cơ giới hóa. Năm 2021, sản lượng ngũ cốc của Hắc Long Giang đạt mức cao kỉ lục mới là 78,675 tỉ kg, tăng 12,69 tỉ kg so với năm 2012.

HẬU GIANG: CHUYỆN THOÁT NGHÈO VÙNG ĐẤT PHÈN

Trong phần cuối chương trình hôm nay, chúng tôi giới thiệu tới quý vị một mô hình nông nghiệp đang giúp người dân vùng đất phèn Hậu Giang thoát nghèo. Đó là mô hình trồng khóm (hay còn gọi là dứa). Nhờ nỗ lực từ người dân mà vùng đất phèn khó sản xuất này lại có một  thương hiệu khóm Cầu Đúc cho hiệu quả kinh tế cao. Trải qua bao gian khó, người dân bám đất nay đã thoát nghèo, đất lại giữ chân người…

Hơn 40 năm gắn bó với khóm Cầu Đúc, ông Vu Sủi đã hiểu được những thăng trầm của loại trái cây này. Là người trồng khóm thuộc thế hệ thứ hai ở vùng khóm Cầu Đúc, chỉ với 6ha, ông Sủi giờ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, yên tâm bám trụ hành trình với cây khóm.

Ông VU SỦI, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang: “Đất này bị nhiễm phèn trước kia còn bị mặn 6 tháng nữa, chỉ trồng cây khóm phù hợp thôi, làm ruộng cũng được nhưng không cho năng suất cao, chỉ có trồng cây khóm thôi.”

Thoát nghèo nhờ kiên trì bám vùng đất phèn, giờ ông Sủi đã thành lập HTX Thạnh Thắng với hơn 100 xã viên, diện tích trên 200ha theo tiêu chuẩn Vietgap và Globalgap. Cây khóm có thị trường rộng lớn, đã và đang trở thành cây làm giàu của người dân địa phương.

Ông HUỲNH ĐỨC PHONG, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang: “Tôi cũng là thành viên HTX, chú Sủi là quản lý, có hướng dẫn kỹ thuật, tôi cũng học hỏi cũng được nhiều lắm.”

Theo thống kê, vùng khóm Cầu Đúc Hỏa Tiến có hơn 1.000 ha, chiếm hơn 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Bà TRẦN HOA PHƯỢNG, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang: “Phát triển cây khóm xây dựng dựng xã Hỏa Tiến thành xã nông thôn mới kiểu mẫu và tiếp tục chuyển đổi số, bên cạnh đó là phát triển du lịch cộng đồng để nâng cao mức sống người dân.”

Với hướng đi của địa phương, cùng tinh thần học hỏi, cần cù, giờ đây những nông dân này có thể yên tâm bám trụ với vùng đất phèn.

Hà Lan