Nông nghiệp Việt Nam: Mã số vùng trồng - "chìa khoá" đưa nông sản Việt vươn xa

Năm 2025: tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5,6 triệu tấn/năm , Sản xuất bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao, Gạo Việt đánh mất vị trí giá cao nhất thế giới, Hàng loạt lợn chết sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn Châu Phi ... là những tin tức nông nghiệp đáng chú ý trong bản tin Nông nghiệp Việt Nam số này.

NĂM 2025: TỔNG SẢN LƯỢNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN ĐẠT 5,6 TRIỆU TẤN/NĂM 

Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 vừa được ký Quyết định ban hành với mục tiêu chung là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7,0 triệu tấn/năm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2025 là đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5,6 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 4,0%/năm.

SẢN XUẤT BỀN VỮNG MỘT TRIỆU HECTA LÚA CHẤT LƯỢNG CAO

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã họp bàn về Đề án Sản xuất bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị và thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Trọng tâm của Đề án là vùng nguyên liệu lúa phải gắn với hệ thống logistics phù hợp, thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi lúa gạo chất lượng cao; hỗ trợ nông dân vùng dự án được được tiếp vốn vay và chủ động nguồn giống phục vụ sản xuất lúa gạo chất lượng cao.

Ông NGUYỄN NHƯ CƯỜNG - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT: “Chúng ta cơ bản có bộ giống chất lượng cao phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu và yêu cầu của các thị trường tiêu thụ trong nước cũng như nội địa. Việc định hướng sản xuất phải tập trung theo thị hiếu và nhu cầu của thị trường.”

Cũng theo Bộ Nông nghiệp, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, trong đó gạo chất lượng cao mới chỉ chiếm 45%.

GẠO VIỆT ĐÁNH MẤT VỊ TRÍ GIÁ CAO NHẤT THẾ GIỚI

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu tháng 8 đến nay, trong khi giá gạo xuất khẩu Thái Lan tăng cao trở lại, giá gạo Việt Nam liên tục sụt giảm mạnh và đánh mất vị trí cao nhất thế giới. Giá gạo thời điểm giữa tháng 8 giảm 10-15 USD/tấn so với tháng 7. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan liên tục tăng mạnh với mức tăng 10 USD/tấn. Nguyên nhân là do đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, các doanh nghiệp giảm giá bán để đẩy lượng tồn kho; một phần nữa là do Trung Quốc giảm nhập khẩu, còn thị trường tiêu thụ chính là Philippines lại chỉ chấp nhận loại gạo có mức giá vừa phải.

HÀNG LOẠT LỢN CHẾT SAU KHI TIÊM VACCINE DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Sau khi tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn Châu Phi vào giữa tháng 8 vừa qua, một số địa phương ghi nhận tình trạng lợn có dấu hiệu phản ứng thuốc. Đơn cử như tại Phú Yên, người dân đã mua và tiêm cho gần 600 con lợn loại Vắc xin dịch tả lợn Châu Phi nhược độc đông khô, do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất. Sau tiêm có hơn 130 con bỏ ăn, nóng sốt, nhiều con chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên thông báo cho các địa phương tạm dừng triển khai tiêm loại vắc xin này cho đàn lợn; đồng thời phối hợp với đơn vị cung cấp văc-xin rà soát, tìm hiểu nguyên nhân. Cục Thú y đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành: Lào Cai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Định, Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp và TP.HCM báo cáo tiến độ giám sát sử dụng vắc xin này.

CHÂU ÂU ĐỐI MẶT HẠN HÁN NGHIÊM TRỌNG NHẤT TRONG 500 NĂM

Không có mưa, nắng nóng kéo dài, tất cả khiến châu Âu, vốn là khu vực có thời tiết mát mẻ, trở nên thật sự ngột ngạt. Không chỉ ảnh hưởng tới đời sống thường ngày của người dân, hạn hán còn khiến nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Tại Italia, thời tiết cực đoan khiến ngành nông nghiệp đứng trước nguy cơ mất ít nhất 1/3 tổng sản lượng trong năm nay. Còn tại Hungary thiệt hại về nông nghiệp từ đầu năm đến nay đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước cộng lại. Trong khi đó tại Slovenia, giới chức cho biết, các trang trại không có hệ thống tưới tiêu sẽ bị mất mùa hoàn toàn.

TRUNG QUỐC GIEO MƯA NHÂN TẠO ĐỐI PHÓ HẠN HÁN

Trung Quốc đang nỗ lực bảo vệ vụ mùa trước đợt hạn hán kỷ lục bằng phương pháp gieo mưa nhân tạo. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này cho biết giới chức sẽ cố gắng tăng lượng mưa bằng cách rải hoá chất vào các đám mây và phun chất giữ nước trên đồng lúa để hạn chế bốc hơi, ngăn hậu quả của hạn hán kéo dài đối với vụ mùa. Theo các nhà chức trách Trung Quốc, sắp tới là “giai đoạn then chốt để ứng phó với thiệt hại” cho vụ lúa mùa thu ở miền nam nước này. Giới chức sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo thu hoạch vụ thu, chiếm tới 75% tổng sản lượng lúa hàng năm của cả nước. Trung Quốc đang trải qua mùa hè nóng nhất, khô hạn nhất trong 61 năm trở lại đây. Hạn hán đã đe doạ mùa màng, khiến cây cối héo úa, các hồ chứa chỉ còn lượng nước bằng một nửa bình thường.

HƠN 700.00 TẤN LƯƠNG THỰC ĐÃ XUẤT CẢNG UKRAINE

Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết trên 700.000 tấn lương thực tồn kho đã rời nước này.  Số liệu trên cho thấy thành tựu ban đầu mà Ukraine đã đạt được sau khi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được thông qua, trong đó Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian. Thổ Nhĩ Kỳ, với vài trò là đơn vị giám sát thực hiện thỏa thuận cho biết, tổng số ngũ cốc và thực phẩm xuất khẩu từ 3 cảng của Ukraine ở Biển Đen cho đến này đã đạt 721.449 tấn. Trước đó, xung đột Nga-Ukraine đã gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các loại lương thực chủ chốt của nước này. Ước tính, hoạt động sản xuất nông nghiệp của Ukraine có thể cung cấp lương thực cho khoảng 400 triệu người trên toàn cầu.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc được cấp mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc định danh Nông sản Việt, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế, cũng như những lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện diện tích được cấp mã định danh vẫn còn rất khiêm tốn. Ngành nông nghiệp có giải pháp gì nhằm thúc đẩy đăng ký và quản lý mã số vùng trồng, nội dung này sẽ có trong tiêu điểm nông nghiệp tuần này. Trước tiên mời quý vị theo dõi những con số đáng chú ý.

DIỆN TÍCH ĐƯỢC CẤP MÃ VÙNG TRỒNG CHƯA ĐƯỢC NHƯ KỲ VỌNG

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 1.798 mã cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu.

4.000 mã vùng trồng xuất khẩu, tương đương khoảng 300.000hecta tại 50 tỉnh, thành đa được cấp. 

Tính riêng trong tháng 7 năm nay, cả nước đã cấp mới 274 mã số vùng trồng và 20 mã số cơ sở đóng gói của các địa phương: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Tiền Giang, bảo đảm điều kiện kỹ thuật xuất khẩu. 

Những con số này còn rất nhỏ so với gần 5 triệu hecta diện tích cây trồng hiện có, trong đó 1,17 triệu hecta cây ăn quả, 2,2 triệu hecta cây công nghiệp, 3,9 triệu hecta lúa. 

Đáng chú ý, diện tích đã được cấp mã số vùng trồng chủ yếu thuộc về một số cây ăn quả có thị trường xuất khẩu. Trong khi chủ trương của ngành nông nghiệp là hướng tới quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn đồng nhất, không phân biệt sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng nội địa

Trên thực tế, với chủ trương nâng cao chất lượng nông sản Việt, không phân biệt là nông sản bán tại thị trường nội địa hay xuất khẩu, ngành nông nghiệp đã giao các cơ quan chuyên môn xây dựng bộ tiêu chuẩn để làm căn cứ cấp mã số vùng trồng. Đến nay, một số cây trồng có sản phẩm xuất khẩu chủ lực đã có bộ tiêu chuẩn cấp mã, còn đối với cây trồng chưa xuất khẩu vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Ngay cả những vùng trồng đã được cấp mã thì người dân cũng nửa mừng nửa lo trong việc bảo vệ và sử dụng mã vùng trồng.

NHIỀU NỖI LO BẢO VỀ VÀ SỬ DỤNG MÃ VÙNG TRỒNG

Đây là 30hecta nhãn của 40 hộ thành viên Hợp tác xã Hào Thành ở xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vừa được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Úc với điều kiện phải đồng nhất từ khâu giống đến quy trình canh tác và chất lượng sản phẩm. Thế nhưng người trồng nhãn đang băn khoăn đầu ra, giá bán có đồng nhất hay không.

Ông TÔN QUANG THÀNH - Giám đốc HTX nông nghiệp Hào Thành, xã Đồng Kỳ, tỉnh Bắc Giang: “Nói thật lòng là chúng tôi cũng nửa mừng nửa lo, bởi vì sản lượng của chúng tôi là rất nhiều, việc xuất khẩu số lượng được bao nhiêu? Đấy là cái lo là những nhà này được xuất khẩu, còn những nhà kia người ta có đến lượt không? Mà quy trình làm tất cả đều giống nhau, chính vì thế tôi cũng rất băn khoăn.”

Rõ ràng, nếu đầu ra không thuận lợi, giá bán của mỗi hộ một mức thì khó mà vận động người dân tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn được cấp mã vùng trồng. Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Hòa Bình là những địa phương triển khai sớm việc cấp mã vùng trồng ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, cũng mới chỉ có những cây ăn quả xuất khẩu được cấp mã, còn những cây trồng khác vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn xét cấp mã vùng trồng. 

Ông NGUYỄN ANH HOÀNG - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang: “Trước mắt thì cái bộ tiêu chuẩn này mới chỉ giải quyết được vấn đề về những loại hoa quả xuất khẩu, còn vấn đề lớn hơn nữa đó là mã số vùng trồng cho các vùng trồng của những đối tượng cây trồng khác ví dụ như lúa, rau và những loại nông sản khác thì…cho đến thời điểm này cũng chưa ban hành được.”

Ngoài ra, quy định về diện tích tập trung tối thiểu phải đạt, đối với cây ăn quả xuất khẩu cũng khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc xét cấp mã vùng trồng. 

Ông NGUYỄN HỒNG YẾN - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình: “Cái khó nhất là cái diện tích trồng tập trung bởi vì chúng ta có quy định là để được cấp mã số thì tối thiểu một mã số diện tích tối thiểu phải đồng nhất về giống là 10ha thì đây là khá khó khăn khi mà diện tích trồng theo quy mô hộ gia đình, các cái vườn nó xen kẹp nhưng đây là sự cần thiết vì khi chúng ta trồng tập trung được chúng ta mới đồng bộ các khâu canh tác, kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm.”

Theo các địa phương, việc xét cấp mã vùng trồng không khó khăn về thủ tục hồ sơ nhưng một số quy định lại mâu thuẫn với điều kiện thực tế. Và khó khăn nhất vẫn là quản lý sử dụng sau khi cấp.

Rõ ràng đối với yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu nông sản, việc quản lý tốt mã số vùng trồng rất cần được chú trọng. Trước đây, một số sản phẩm của nước ta đã từng bị đối tác nước ngoài yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật như tại Tiền Giang, An Giang, Long An... Điều này cho thấy một số tồn tại trong việc quản lý mã số. Tại Long An, ngành nông nghiệp địa phương đang nỗ lực quản lý các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số nhằm đảm bảo “hộ chiếu” cho nông sản xuất khẩu, đặc biệt là đối với thanh long, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.

RÀ SOÁT, CHẤN CHỈNH QUẢN LÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG

Đây là hai trong 04 cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh Long An bị tạm dừng xuất khẩu hoặc thu hồi mã số do không đáp ứng tiêu chuẩn 775 về thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói; không tuân thủ các quy định về phòng chống Covid-19 của phía Trung Quốc.

Ông NGUYỄN VĂN CƯỜNG - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV&QLCL nông sản tỉnh Long An: “Sau khi nhận được thông báo của Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát toàn bộ mã số kho, đặc biệt là những mã kho bị cảnh báo. Hướng dẫn cơ sở về biện pháp phòng chống Covid-19.”

Trước những yêu cầu ngày càng cao về tiêu chí xuất khẩu nông sản của nước nhập khẩu, các đơn vị liên quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An hỗ trợ đại diện các vùng trồng, cơ sở đóng gói xây dựng quy trình phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Ông NGUYỄN VĂN CƯỜNG - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV&QLCL nông sản tỉnh Long An: “Thứ nhất, ngành Nông nghiệp đã tham mưu Ủy ban tỉnh ban hành chương trình nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó vùng trồng thanh long có 6000 ha sản xuất theo ƯDCNC. Đặc biệt là hỗ trợ bà con sản xuất theo quy trình VietGap, Global Gap, nông nghiệp hữu cơ, tuỳ theo thị trường mình sẽ có quy trình riêng. Thứ 2 là tiến hành cấp mã số vùng trồng.”

Là một cơ sở chuyên trồng và xuất khẩu thanh long sang các thị trường Châu Âu, ông Trương Minh Trung, ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết, việc thực hiện mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là điều kiện quan trọng quyết định cho việc xuất khẩu.

Ông TRƯƠNG MINH TRUNG - Xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An: “Hiện nay, Trung Quốc cũng đã cần tiêu chuẩn Gap cũng là mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của hợp tác xã. Trước đến nay tôi cũng đã làm được cái đó nhiều rồi nên đã xuất được thị trường Châu Âu, Úc.”

Long An hiện có 217 mã số vùng trồng trên thanh long, chuối, dưa hấu, chanh, xoài với diện tích hơn 14.000 hecta. Ngoài ra, tỉnh còn có 144 cơ sở đóng gói trái cây được cấp mã số.

Ông NGUYỄN THANH TRUYỀN - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An: “Trong thời gian sắp tới ngành sẽ siết chặt MSVT và cơ sở đóng gói; tăng cường kiểm tra để đảm bảo các cơ sở đã được cấp giấy rồi phải hoạt động đảm bảo đúng, tránh tường hợp giả mạo hoặc cho mượn giấy.”

Ngành nông nghiệp tỉnh Long An tiếp tục đề ra các hoạt động khuyến nông, tập trung quảng bá, xây dựng nhiều mã số vùng trồng trên các loại cây trồng để nông sản Long An có được “hộ chiếu” xuất ngoại theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

CẤP, QUẢN LÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG CÒN LỎNG LẺO

Qua những phóng sự vừa rồi có lẽ quý vị đã có cái nhìn cơ bản về cấp và quản lý mã số vùng trồng ở nước ta hiện nay. Rõ ràng đang có nhiều tồn tại, khó khăn trong quản lý mã số vùng trồng. Nếu chúng ta không quản lý tốt hoạt động này sẽ có tác động ra sao tới sản xuất, chất lượng nông sản, nhất là phục vụ xuất khẩu. Mời quý vị cùng theo dõi qua chia sẻ từ đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mời quý vị và các bạn đón xem!

CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG GIÚP NÂNG TẦM NÔNG SẢN SƠN LA 

Bộ NN&PTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn xét cấp mã số đối với vùng trồng xuất khẩu, còn Cục Trồng trọt là đơn vị xây dựng ban hành bộ tiêu chuẩn về cấp mã vùng trồng đối với cây trồng khác. Theo đó, đối với cây trồng xuất khẩu, đã có 2 bộ tiêu chuẩn được ban hành, còn các loại cây trồng khác vẫn đang trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện. Nông sản gắn tem và được cấp mã số vùng trồng sẽ giúp minh bạch nguồn gốc qua sự giám sát của các cơ quan quản lý, là chìa khóa để nâng tầm nông sản, cả về chất lượng và giá trị xuất khẩu. Mời quý vị theo dõi ghi nhận tại Sơn La - địa phương được mệnh danh là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc.

Vườn thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã Quỳnh Thuận, huyện Thuận Châu với gần 13ha đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2020. Canh tác theo đúng tiêu chuẩn VietGap nên sản lượng, chất lượng quả luôn đảm bảo tiêu chí xuất khẩu. Năm qua vườn thanh long này đã cho thu hoạch gần 200 tấn quả; phần lớn xuất khẩu sang thị trường Nga và tiêu thụ thuận lợi. 

Bà LÒ THỊ DƯNG - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La: “Sau khi được cấp mã số vùng trồng thì cái việc xuất khẩu hoa quả của chúng tôi dễ dàng hơn, được các hợp tác xã làm chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho chúng tôi, và được các thương lái đến tranh nhau mua.”

Tại huyện Sông Mã - vùng trồng nhãn trọng điểm của tỉnh Sơn La với diện tích đạt khoảng 7.500 ha, cho sản lượng khoảng 70 nghìn tấn quả. Huyện đã được cấp 41 mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông sản để phục vụ xuất khẩu. 

Ông NGUYỄN VĂN PHƯƠNG - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La: “Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với Cục bảo vệ thực vật Bộ NN và PTNT tiếp tục rà soát, bổ sung thêm 1 số diện tích đủ điều kiện ở những vùng có quy trình sản xuất và điều kiện đảm bảo về mã số vùng trồng để đẩy mạnh hơn nữa công tác cấp mã vùng trồng, để phục vụ sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn.”

Sơn La được coi là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với khoảng 83.000ha, sản lượng hàng năm trên 4.500 tấn quả với các sản phẩm trái cây phong phú. Hiện toàn tỉnh có 241 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.800 ha các loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. 

Ông NGUYỄN THÀNH CÔNG - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: “Chắc chắn là mỗi thị trường nhập khẩu đều có yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, sản phẩm hàng hóa khác nhau. Để đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu thì tỉnh Sơn La đã phải tập trung 1 là đẩy mạnh khâu sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu đó là sản xuất sạch, các quy trình sản xuất VietGAP, rồi thực hiện cấp mã số vùng trồng, rất quan trọng. Nếu không cấp mã số vùng trồng thì chúng ta không thể khẳng định được thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm để chúng ta thực hiện việc xuất khẩu nông sản.”

Bằng các chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, cùng với việc cấp mã số vùng trồng, sản phẩm nông sản của Sơn La ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của địa phương này trong năm vừa qua đạt trên 161 triệu USD, trong đó có trên 150 triệu USD là từ hàng hóa nông sản.

TRIỂN KHAI HỆ THỐNG THÔNG TIN MÃ SỐ VÙNG TRỒNG

Mã số vùng trồng là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu và cũng là xu thế tất yếu của một nền nông nghiệp cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ, cần đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn. Để triển khai hiệu quả hoạt động này, điều quan trọng là cần tạo động lực cho người dân tự nguyện, tự giác đăng ký xây dựng và bảo vệ vùng trồng đã được cấp mã số định danh, đồng thời phối hợp và thực hiện đồng bộ chuyển đổi số trong cấp, quản lý mã số vùng trồng.

Trong quá trình thực hiện Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành, như: Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; Hệ thống cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng… nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Khi chúng ta tác động chuyển đổi số vào ngành nông nghiệp thì thứ nhất quản lý được sản xuất, quản lý được chất lượng, truy xuất được nguồn gốc trên tất cả các dữ liệu.”

Hiện nhiều địa phương đã và đang hình thành vùng sản xuất với sự liên kết chặt chẽ, được cấp mã số định danh đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đẩy nhanh ứng dụng số đòi hỏi sự trợ lực từ các Bộ, ngành và doanh nghiệp số. 

Ông TÔ DŨNG THÁI - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT: “Chúng tôi sẽ tạo ra những công cụ tốt nhất và an toàn nhất để đảm bảo quá trình vận hành của Bộ. Về phía quản lý nhà nước và bà con nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp để việc quản lý và sản xuất, truy xuất vùng trồng đều thuận lợi và minh bạch.”

Trước đòi hỏi từ thị trường về truy xuất nguồn gốc nông sản, ngành nông nghiệp cùng nông dân, doanh nghiêp cần kịp thời đổi mới trong tư duy và hành động để thực hiện tốt việc xây dựng và quản lý mã số vùng trồng cho cây ăn trái và các loại cây trồng nói chung, góp phần ổn định và tạo thuận lợi đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, người dân cũng thuận lợi hơn trong tiếp cận và quản lý diện tích canh tác của mình.

Anh PHẠM MINH ĐỨC - Nhân viên trang trại Hồng Hiếu, tỉnh Bình Thuận: “Chúng tôi dễ dàng thao tác, cập nhật thông tin, quản lý canh tác được dễ hơn qua phần mềm.”

Việc cấp mã số vùng trồng cần đi trước một bước trước khi mở cửa thị trường. Mã số vùng trồng giờ không chỉ cho xuất khẩu mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước.

BÌNH THUẬN: TÍCH CỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG ĐĂNG KÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG 

Rõ ràng, khi nông nghiệp đang dần được số hóa và chuyển từ số lượng sang chất lượng sẽ hỗ trợ rất lớn cho phát triển trong tương lai. Việc chuyển đổi số trong cấp và quản lý mã số vùng trồng được đang người dân triển khai ra sao, mời quý vị theo dõi ghi nhận tại tỉnh Bình Thuận.

Đây là một trong những doanh nghiệp trồng thanh long có quy mô lớn của tỉnh Bình Thuận với khoảng 900 ha. Diện tích cho thu hoạch khoảng 200 ha với sản lượng dự kiến 14.000 tấn. Khi thực hiện đăng ký mã số vùng trồng qua hệ thống website đã cho thấysự tiện lợi hơn và đáp ứng yêu cầu kinh doanh.

Anh PHAN NGỌC SANG - Công ty Cổ phần Bang Bình, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: “Khách hàng nước ngoài cũng yêu cầu kỹ về chất lượng nguồn gốc nên nếu có đăng ký mã số vùng trồng thì công ty cung cấp đầy đủ để khách hàng cũng yên tâm hơn về cái chất lượng của trái thanh long của mình.”

Bình Thuận hiện có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với hơn 30.000 ha, đã cấp 574 mã số vùng trồng xuất khẩu thanh long qua các thị trường các nước. Việc người dân chủ động thực hiện trên nền tảng số góp phần tạo sự liên kết thông tin 02 chiều giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

Anh ĐÀO TRỌNG HIẾU - Xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: “Nếu bà con chúng tôi được hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng qua website thì sản phẩm bán sẽ dễ dàng hơn, cố gắng làm sản phẩm chất lượng hơn.”

Ông ĐỖ VĂN BẢO - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận: “Bước đầu thuận lợi vì người dân nhận biết được ứng dụng hữu ích để cấp mã số vùng trồng. Do ứng dụng mới nên sắp tới Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền hướng dẫn người dân tham gia vào quá trình cấp mã số vùng trồng.”

Việc ứng dụng số trong cấp, quản lý mã số vùng trồng thể hiện sự nỗ lực của ngành nông nghiệp trong thay đổi cách thức tư duy, quản lý, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

ĐẨY MẠNH SỐ HOÁ QUẢN LÝ VÙNG TRỒNG

Để đẩy mạnh giám sát, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tăng cường áp dụng công nghệ thông tin quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ xây dựng. Ở góc độ của Cục Bảo vệ thực vật – đơn vị được Bộ giao ban hành các quy chuẩn thiết lập và giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp nông sản Việt đáp ứng hàng rào kỹ thuật của nước ngoài. Mời quý vị tiếp tục theo dõi qua chia sẻ sau.

ĐỨC KẾT HỢP TRỒNG CÂY VÀ SẢN XUẤT NĂNG LƯỢNG XANH

Những mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh luôn thu hút sự quan tâm và đầu tư, nhất là trong bối cảnh thế giới đối mặt với tác động từ biến đổi khí hậu và nhiều tác nhân khác. Ở nhiều quốc gia, sản xuất nông nghiệp ngày càng hướng tới xu thế an toàn, bền vững. Đơn cử như tại Đức, các nhà nghiên cứu tại quốc gia này đang xây dựng hệ thống nông nghiệp kết hợp 2 trong 1, vừa có thể trồng cây hữu cơ, lại vừa có thể sản xuất năng lượng xanh. Dự án này hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Phần cuối chương trình, mời quý vị cùng theo dõi mô hình thú vị này.

Trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt cùng lúc với cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, ý tưởng về hệ thống quang điện nông nghiệp đã ra đời, nhằm đẩy mạnh sản xuất năng lượng xanh, đồng thời bảo vệ mùa màng. Hệ thống này sử dụng các tấm pin mặt trời để bảo vệ cây trồng khỏi những đợt mưa lớn, mưa đá hoặc những đợt nắng quá gay gắt. Kể từ năm 2020, một cơ sở nghiên cứu tại Gelsdorf ở miền nam nước Đức, đã ứng dụng hệ thống này. 

Anh CHRISTIAN NACHTWEY - Nông dân trồng cây hữu cơ: “Hệ thống quang điện nông nghiệp bao gồm hai loại mô-đun khác nhau, mỗi mô-đun sẽ truyền đi 50% lượng ánh sáng chiếu xuống bề mặt. Do vậy, tổng công suất của cả hệ thống có thể lên tới khoảng 250 kilowatt. Số năng lượng này sẽ hỗ trợ chúng tôi trong việc quản lý cây trồng, hoặc để sử dụng cho các máy cày chạy bằng điện.”

Ưu điểm của hệ thống quang điện nông nghiệp này là không chiếm diện tích đất canh tác như các hệ thống gắn trên mặt đất thông thường. Các mô-đun năng lượng mặt trời được cấu tạo theo cách cho phép đủ ánh sáng mặt trời đi qua để táo có thể phát triển. Ngoài ra, năng lượng mặt trời tạo ra có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho máy kéo.

Ông JUERGEN ZIMMER - Đại diện cơ quan nông nghiệp Rhineland-Palatinate: "Đây chính là một mũi tên trúng hai đích, chúng tôi vừa có thể sản xuất trái cây chất lượng cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lại vừa có thể tạo ra năng lượng điện bền vững. Không chỉ vậy, hệ thống PV còn giúp tiết kiệm phần lớn diện tích đất nông nghiệp chứ không như các hệ thống pin mặt trời thông thường."

Các chuyên gia nhận định rằng, hệ thống nông nghiệp quang điện nông nghiệp nếu thành công đi vào hoạt động sẽ không chỉ hỗ trợ nước Đức ứng phó tạm thời với cuộc khủng khoảng năng lượng và lương thực, mà còn giúp nước này tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.
 


 

Hà Lan