• 1451 lượt xem
  • 17:41 05/02/2023
  • Văn hóa

Nước mắm Nam Ô Đà Nẵng, mặn mòi vị biển miền Trung

Trong mâm cơm truyền thống của người Việt thường không thể thiếu nước mắm. Và nhắc đến loại mắm nổi tiếng miền Trung, phải kể đến mắm Nam Ô ở Đà Nẵng. Ngày nay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng chính sự nhiệt tình, yêu nghề của các hộ trong làng đã giúp cho hồn nước mắm Nam Ô giữ mãi không phai.

Làng nghề nước mắm Nam Ô hiện còn gần 100 hộ hoạt động, cách đèo Hải Vân khoảng 3km. Những “quy chuẩn” của nghề làm nước mắm là công thức truyền miệng, “cầm tay chỉ việc” từ đời này sang đời khác. Mắm Nam Ô được làm hoàn toàn từ cá và muối nguyên chất, không có bất cứ thành phần hương liệu phụ gia, chất bảo quản nào.

Để ra được chai nước mắm ngon phải là loại cá cơm than ở vùng biển Nam Ô và vào đúng tháng 3, tháng 7. Những mẻ cá được ủ 6 tháng đến 1 năm. Muối ủ phải từ Đề Gi, Sa Huỳnh hay Cà Ná hạt to, chắc. Sau khi đủ thời gian mới đánh nhuyễn, rồi lọc lấy nước mắm.

Bữa cơm của Gia đình Chị Dung không thể thiếu nước mắm. Và do vị mặn đặc trưng của mắm Nam Ô,chị luôn nêm nếm trong khi nấu và pha nước chấm theo tỷ lệ nhất định. Khi đã đúng tỷ lệ, thật khó tìm được hương vị nào thơm ngon và ấn tượng như mắm Nam Ô.

Cách dùng nước mắm của người Việt cũng đa dạng và phong phú, ở mỗi vùng miền, mỗi món ăn lại có một loại nước chấm phù hợp. Miền Bắc thì thường thích dùng nước mắm nguyên chất, nếu có pha thì rất ít ngọt, còn miền Nam thì thích kiểu chua ngọt. với người miền Trung, vị mắm phải thật đậm đà.

Quây quần bên mâm cơm, thưởng thức các món ăn tự nấu, kể cho nhau những câu chuyện công việc, cuộc sống, thật sự là khung cảnh đầm đấm, yên bình. Có thể nói, vị mặn mòi đậm đà của nước mắm, cũng góp phần giữ hồn cho bữa cơm của hầu hết gia đình Việt.

Nguyễn Hùng