• 1353 lượt xem
  • 05:13 19/03/2022
  • Kinh tế

Ổn định giá cả hàng hoá cho người tiêu dùng

Giá nhiên liệu cùng nhiều chi phí đầu vào đồng loạt tăng cao, đang tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp. Để bình ổn thị trường và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, các doanh nghiệp và các chuỗi phân phối đang cố gắng đưa ra nhiều giải pháp để ổn định giá cả hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Doanh nghiệp này sản xuất đến gần 120 tấn lương khô mỗi tháng. Mặc dù giá một số nguyên liệu đầu vào đã tăng đến 25%, nhưng họ vẫn cố gắng duy trì không tăng giá thành sản phẩm bằng nhiều giải pháp. 

Ông NGUYỄN TRUNG DŨNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần 22: “Chúng tôi ứng dụng các công nghệ để hạn chế tối đa việc phải sử dụng các chất phụ liệu, nguyên liệu làm tăng giá thành bên cạnh đó là làm việc với các đối tác để cùng chia sẻ trong khoảng thời gian khó khăn này.”

Còn các nhà bán lẻ cũng cam kết sẽ không tăng giá sản phẩm theo biến động thị trường. Bộ phận thu mua luôn có kế hoạch mua hàng theo quý/năm nên luôn chủ động được nguồn hàng cũng như giá bán ổn định. Nếu do yếu tố vĩ mô ảnh hưởng lớn đến giá sản phẩm thì phía siêu thị sẽ thỏa thuận với nhà cung cấp để điều chỉnh giá, đồng thời đưa ra các chương trình khuyến mãi theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng.

Ông LÊ MẠNH PHONG, Giám đốc Điều hành chuỗi siêu thị Big C và GO! khu vực miền Bắc: “Hiện tại với những mặt hàng có khả năng tăng giá, chúng tôi đang làm việc với bên nhà cung cấp. Bước đầu tiên chúng tôi sẽ làm việc với nhà cung cấp, để làm thế nào giữ giá rẻ nhất cho khách hàng. Thứ hai là khi có biến động về thị trường, thì chúng tôi sẽ có những chương trình khuyến mãi cho khách hàng để có mức giá tốt nhất”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cùng kỳ vọng vào các chính sách điều hành giá của Chính phủ cũng như giảm thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường trong thời gian tới sẽ giảm bớt chi phí sản xuất để hồi phục tốt hơn sau khoảng thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Hoài Linh