Phải có lực lượng bảo vệ an toàn cho cán bộ y tế

Qua đợt chống dịch vừa rồi đã cho thấy những sự hy sinh rất lớn của đội ngũ cán bộ y tế; Không chỉ là đối diện với những nguy hiểm của dịch bệnh mà họ còn đối mặt với nhiều nguy cơ xâm hại khác trong quá trình công tác.

Vì thế cần thiết phải có cơ chế bảo vệ cán bộ y tế bằng luật và phải có biện pháp thực hiện cụ thể. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều thành viên UBTVQH khi cho ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 sáng 21/9.

Điều 109 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp để đảm bảo ANTT, an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng việc bổ sung này là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tế có những người gây mất trật tự, thậm chí là đánh, gây thương tích đối với cán bộ, nhân viên y tế và gây mất an toàn đối với người bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên cần tiếp tục rà soát quy định về biện pháp xử lý để đảm bảo đồng bộ.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Biện pháp tịch thu phương tiện, công cụ, vật dụng và biện pháp tạm giữ người thì vấn đề này liên quan đến pháp lý, biện pháp này phải làm rõ. Đây là biện pháp xử lý hành chính hay là biện pháp gì, nếu là biện pháp xử lý hành chính thì phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cần thì rất cần nhưng chúng ta phải xử lý thế nào cho đồng bộ với các luật."

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, rất nên có thêm những quy định để bảo vệ các nhân viên y tế, trong đó phải có lực lượng làm việc này.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: "Phải có lực lượng làm việc này. Cần thiết thì có ngân sách như thế nào, viết như thế nào đấy để có lực lượng chuyên trách, lực lượng bảo vệ hoặc lực lượng an ninh hay công cụ, máy móc để khi có chuyện xảy ra thì báo động để lực lượng chuyên môn vào can thiệp. Nếu viết như trong luật là tạm giữ thì ai tạm giữ? Cơ sở khám, chữa bệnh thì không được quyền tạm giữ người, phải là cơ quan chức năng."

Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: "Về cơ chế bảo vệ cán bộ y tế. Chúng tôi đồng ý với ý kiến của Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định và đề nghị chúng ta gia công để quy định cụ thể thêm, có thể phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp để quy định cụ thể thêm để chúng ta bảo vệ được cán bộ y tế, tránh những tình trạng như thời gian vừa qua."

Các ý kiến cũng cho rằng, đây là Luật rất được ngành y tế và nhân dân mong ngóng do đó cần sớm hoàn thiện, trình và ban hành. Đồng thời vẫn đảm bảo nghiên cứu các quy định tránh xung đột với các luật khác.

Quang Sỹ