Phân bổ hơn 20 tỉ đồng cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong 2021-2022

Chiều 28/7, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với Bộ Tài Chính nhằm làm rõ hơn về nguồn lực bố trí và các chính sách pháp luật cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, giá, phí, chất lượng sản phẩm hàng hóa luôn được người tiêu dùng quan tâm, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có sự quản lý chặt chẽ về giá để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt vấn đề bình ổn giá cần thực chất. Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm quản lý của Bộ Tài chính về lĩnh vực giá, giao dịch trên nền tảng số; bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch mua bán hàng hóa, thanh toán trên các nền tảng công nghệ... Cùng với đó, cần làm rõ nguồn lực cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Bộ Tài Chính, những năm gần đây, nhiều vấn đề mới phát sinh có ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng hiện đang chưa được điều chỉnh phù hợp, gây lúng túng cho cơ quan chức năng trong việc xác định chế tài quản lý. 

Tuy nhiên, trong 2 năm 2021-2022, Bộ Tài chính đã phân bổ hơn 20 tỉ đồng để Bộ Công Thương triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, thống nhất phân bổ kinh phí cho lực lượng quản lý thị trường để hỗ trợ công tác xử phạt vi phạm hành chính, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong 2 năm là hơn 28.800 triệu đồng.

Bích Hạnh