Sáng 30/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương đã thống nhất “thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng; tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ và Trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Hội nghị, đại biểu đánh giá, trong tháng 9 và từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp; nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những tồn đọng kéo dài.
Lãnh đạo một số địa phương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành một số vấn đề và được các Bộ trưởng giải đáp cụ thể về: điều chỉnh một số quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khoáng sản; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng; tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp; điều chỉnh giới hạn tốc độ, bổ sung các nút giao, thêm làn đường tại các tuyến các cao tốc mới; hướng dẫn cụ thể để địa phương thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công tư...
Cơ bản nhất trí với ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, khó lường trên các lĩnh vực. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; chú trọng an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ gìn môi trường hoà bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Nêu bật các quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế -xã hội tháng 10 và những tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, phải điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hoà giữa các chính sách, nhất là các chính sách tài khoá, tiền tệ; thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!