Đại biểu Quốc hội: 1.000 tỷ đồng mua máy tính là cần thiết

Quan tâm đến chính sách hỗ trợ dành cho giáo dục, nhiều đại biểu nhấn mạnh: Việc áp dụng giải pháp sử dụng kinh phí 5.000 tỷ, trong đó bao gồm 4.000 tỷ để phát triển hạ tầng viễn thông, Internet và 1.000 tỷ đồng mua máy tính bảng để thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” là thực sự rất cần thiết.

Nêu lên bất cập trong thực tế là đến gần hết học kỳ nhưng có địa phương vẫn không thể nào giải quyết được tình trạng “có sóng, có tiền, có em nhưng không có máy”, đại biểu Châu Quỳnh Dao đoàn Kiên Giang cho biết nguyên nhân là do cơ chế đấu thầu và do nguồn cung không đáp ứng. Do đó đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể về cơ chế đấu thầu, về kích thích nguồn cung để giải quyết vấn đề này; Cùng với đó phải ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra và hỗ trợ các em học sinh.

Bà Châu Quỳnh Dao - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang: “Chúng ta phải ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra và hỗ trợ các em, điều này phân cấp và giao trách nhiệm cho địa phương, cho nhà trường cụ thể. Bởi vì sợ trường hợp các em khó khăn, gia đình các em đem bán lại chiếc máy đó để giải quyết vấn đề cơm áo gạo tiền trước mắt, như vậy mình sẽ không đạt được mục tiêu lâu dài. Một điểm nữa, chúng ta phải phân công những thày, cô có năng lực về công nghệ thông tin, thường xuyên hỗ trợ để đảm bảo làm sao vận hành xuyên suốt, phát huy được tối ưu của việc dạy học trực tuyến.”

Bên cạnh rà soát đúng đối tượng thì cần chú ý đến tiêu chuẩn và chất lượng của máy tính đảm bảo không ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe, sự an toàn và chất lượng học tập của các em học sinh.

Ông Lưu Bá Mạc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: “ Đặc biệt, xác định cấu hình tối thiểu của máy tính bảng, vừa cân đối đảm bảo chất lượng máy tính bảng đáp ứng nhu cầu dạy và học, vừa cân đối được số lượng máy tính bảng để có thể nhiều em học sinh thực sự gặp khó khăn có thể được thụ hưởng, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số và biên giới. Đồng thời, qua đó cũng xác định được những vùng, địa phương đang thiếu và rất cần phủ sóng Internet theo lộ trình”. 

Tuy nhiên có ý kiến băn khoăn về tính phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công bằng bình đẳng tiếp cận khi triển khai chương trình trong bối cảnh nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.

Ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Đối với chương trình "sóng và máy tính cho em", cần phải xem xét lại có phù hợp hay không khi nước ta đã chấp nhận sống chung với COVID, học sinh đến trường học tập trung, trở lại trạng thái bình thường thì việc hỗ trợ có còn ý nghĩa không hay để hỗ trợ vào mục tiêu khác thì thực tiễn hơn. Đối tượng thì còn rất nhiều mà hỗ trợ có hạn, dễ bị so bì".

Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ không thể nào thực hiện tốt, hiệu quả của chính sách sẽ không có khi không tích hợp đồng bộ giữa xây dựng chương trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với môi trường số. Do đó, cần có giải pháp phối hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông để có phương án triển khai. Đặc biệt là cần phải xây dựng một chiến lược giáo dục trực tuyến và trong đó chú ý đào tạo đội ngũ làm sao đáp ứng được yêu cầu của một nền giáo dục số./.