Phát ngôn ấn tượng 11/11: Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc "thực sao thì số vậy"

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 11/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2023, Nghị quyết phân bổ NSTW năm 2023 và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự án Luật Giá (sửa đổi). Cùng nhìn lại những phát biểu ấn tượng tại hội trường.

Ông TRẦN CHÍ CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng: “Dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất, bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử.”

Ông PHẠM ĐỨC ẤN, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Trong dự thảo lần này rất nhiều chỗ chúng ta vẫn coi giao dịch điện tử như là phái sinh của giao dịch giấy và văn bản giấy. Theo tôi dự thảo lần này cần phải thể hiện trực tiếp về tính pháp lý của giao dịch điện tử về dữ liệu điện tử, chúng ta không nói là tương đương nữa, chúng ta nói thẳng trực tiếp. Chính điều này dẫn đến điều vướng mắc liên quan đến vấn đề công chứng.”

Ông ĐỒNG NGỌC BA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: “Dịch vụ tin cậy này nội hàm của nó là cần phải được cụ thể ra khi chúng ta đưa vào danh mục của Luật Đầu tư, không nên để là dịch vụ tin cậy một cách chung chung như vậy mà phải xác định rõ là dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, dịch vụ chữ ký số công cộng. Nếu như vậy cần phải rà soát để rõ ràng, minh bạch, không xung đột với các dịch vụ như là kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số hay là kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử, chúng ta đã quy định ở trong Luật Đầu tư hiện hành”

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Trong giao dịch điện tử một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác, bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ lọt, bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. Một số giấy tờ như đăng ký kết hôn hoặc là quyết định ly hôn cần thể hiện ý chí của các cá nhân liên quan khi tham gia giao dịch. Vậy có hợp lý không khi chúng ta đưa hết tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào.”

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông: “Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc thực sao thì số vậy và số phải phong phú hơn thực, trong đời thực có những loại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số. Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch trên môi trường số, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn. Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng, tính đồng bộ với các luật khác, tính thống nhất, xuyên suốt trong luật này.”

Ông ĐỖ NGỌC THỊNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà: Không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu ở đâu? Liệu có nên duy trì quỹ này nữa hay không? Có nên chăng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường.”

Bà LÝ TIẾT HẠNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: “Dự thảo luật đang quy định 2 phương pháp định giá, đó là phương pháp định giá chung và phương pháp định giá riêng. Vấn đề đặt ra là 2 phương pháp định giá này có thống nhất với nhau hay không, có được xây dựng trên nguyên tắc chung nào. Khi có quan điểm khác nhau hoặc có xung đột với các luật khác có liên quan thì phương pháp nào sẽ là phương pháp quyết định. Tôi đề nghị cần làm rõ trong Luật Giá.”

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Thực tế nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện thì đều liên quan đến việc là xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc là khi bán tài sản công. Để có được xác định giá cả đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá thì chúng ta phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. Do vậy, tôi cho rằng việc kê khai giá là một công việc vô cùng quan trọng để tạo ra cơ sở dữ liệu đầu vào cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang tham gia trên thị trường. Chính vì vậy, tôi đề nghị hoạt động kê khai giá này không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành mà chúng ta phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá.”