Phát ngôn ấn tượng ngày 31/10: 63 chiếc áo đồng phục thể chế làm cho các địa phương phải xin cơ chế

Cùng nhìn lại những phát ngôn ấn tượng tại nghị trường trong phiên thảo luận về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 31/10.

Ông TRẦN QUANG MINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: "Trong thực thi chính sách, tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" thường dẫn đến sự lãng phí và không chỉ thế còn đem lại sự khó khăn, khó xử cho rất nhiều người đáng ra phải là đối tượng được hưởng lợi từ chính sách. …"

Ông PHẠM TRỌNG NHÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: "Với cơ chế chưa phù hợp thì Thành phố hay các địa phương phát triển bị nêu trong báo cáo phải làm thế nào để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí? Phải chăng 63 chiếc áo đồng phục thể chế đã làm cho các địa phương đặc thù phải xin cơ chế để thay chiếc áo cũ đã bung rách vì quá chật chội."

Ông TRẦN HỮU HẬU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: "Chúng ta đều biết một quy luật của sự phát triển, đó là khi tiêu cực, yếu kém, trì trệ trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra tiêu cực, yếu kém, trì trệ mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy ấy.."

Ông PHẠM VĂN HÒA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Tôi muốn đề xuất với Chính phủ đáng chi là phải chi, chi mang lại hiệu quả để kích thích cho lao động sản xuất, chi để tái năng suất lao động, chi tăng lương cho công chức, viên chức, người lao động để ổn định cuộc sống, chi cho hoạt động hợp lý để tạo điều kiện cho hoạt động ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà chi không đảm bảo quy định, chưa hết năm đã hết tiền hoạt động; tiết kiệm là đúng nhưng tiết kiệm quá mức chưa hẳn đã hiệu quả."

Ông PHẠM TRỌNG NGHĨA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: "Những lo toan của cuộc sống hằng ngày đã đè nặng lên vai, ngăn cản các thầy, các cô tiếp tục theo đuổi giấc mơ trồng người sau bao năm miệt mài đèn sách, đây là sự lãng phí lớn cả về khía cạnh kinh tế, cả về khía cạnh xã hội, có nhiều tác động tiêu cực, trong đó có cả tác động về niềm tin yêu, sự tự hào với nghề cao quý này."

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Khẳng định chủ trương tinh giản là đúng, nhưng kết quả thu lại chúng ta đang giảm nhưng chưa đảm bảo được độ tinh, vì đối tượng tinh giảm chủ yếu là đối tượng tập trung ở người nghỉ hưu, chuyển công tác và chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy đó là bộ phận sáng cắp ô đi tối cắp ô về, có vị trí nhưng khó bố trí việc làm"

Ông TRỊNH XUÂN AN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: "Lãng phí xảy ra thời gian dài, đây là thuốc kháng sinh thật mạnh, khi các hoạt động …lâu nay chúng ta yêu cầu"

Ông BẾ TRUNG ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: "Nếu mà nhận định sai nguyên nhân cũng là một lãng phí, lãng phí này là lãng phí cơ hội, lãng phí đầu tư, trong báo cáo giám sát ấn tượng nhất ở câu đầu tiên dẫn chiếu nguyên nhân cho toàn bộ hạn chế rất đáng chú ý tóm lại bằng 1 cụm từ rất gọn “ việc chấp hành luật pháp còn chưa nghiêm”, với kết luận như trên cần phải 2 công đoạn nữa, đó là chỉ rõ ai, tổ chức nào chưa nghiêm? Và đúng thế rồi thì theo luật phải làm thế nào, nếu chưa thực hiện được 2 công đoạn này thì có nghĩa chúng ta có luật nhưng chưa làm theo hoặc chưa dúng đến tức là lãng phí luật"

Bà HỒ THỊ MINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: "Sợi dây rút kinh nghiệm vẫn kéo dài, hạn chế báo cáo vẫn được nhắc là theo các báo cáo hàng năm, vì lãng phí không phải bây giờ mới có mà nó xảy ra từ rất lâu và trách nhiệm thuộc về ai thì đến nay vẫn chưa chỉ rõ"

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Đầu tư công của chúng ta quy định quả trứng, con gà, quả trứng có trước hay con gà có trước điều này cũng tác động tại sao chúng ta giải ngân chậm hay điều chỉnh vốn đầu tư nhiều lần. Trong Luật Đầu tư quy định dự án đầu tư phải được phê duyệt trước 31/10 thì mới đc bố trí vốn thế nhưng Luật cũng quy định phải bố trí vốn thì mới lập được dự án và thiết kế

Hoàng Hương