Phát triển cảng biển và logistics - Đòn bẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông thủy sản vùng ĐBSCL

Tại cuộc tọa đàm Phát triển cảng biển và logistics ĐBSCL do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ tổ chức tại tỉnh Long An, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp phát triển ngành dịch vụ logistics, hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của toàn vùng ĐBSCL, nhằm đáp ứng sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước. Dù có nhiều tiềm năng, song vùng ĐBSCL có hệ thống giao thông kết nối yếu kém; các nhà cung cấp dịch vụ logistics trọn gói ít và còn hạn chế; các trung tâm logistics có quy mô khá nhỏ, dưới 10ha; chiều cao tĩnh không của các cây cầu rất hạn chế,…

Ông NGUYỄN DUY MINH - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Dịch vụ Logistic Việt Nam: “Thứ nhất, cần phải phát triển các trung tâm logistics vùng, trung tâm này cần phải lưu ý tới tính chuyên ngành; Thứ hai, phát triển thuỷ nội địa, vận tải đa phương thức, đề xuất vận tải thuỷ mới kết nối với Cái Mép - Thị Vải; Thứ ba là phát triển hạ tầng logistics phục vụ cho vận tải hàng không trực tiếp từ sân bay Cần Thơ.”

Để đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất khẩu, PGS. TS Hồ Thị Thu Hoà – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam nhấn mạnh, ngoài việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải của vùng thì cần chú trọng đến phát triển hạ tầng các trung tâm kho bãi, các dịch vụ, nguồn nhân lực logistics,…. Đồng thời, bà cũng đề xuất một số giải pháp phát triển logistics trong 5-10 năm tới.

PGS. TS HỒ THỊ THU HOÀ - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam: “Khuyến nghị của chúng tôi dành cho vùng, thứ nhất là nhóm giải pháp liên kết vùng và quản trị vùng; thứ hai là hoàn thiện và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường.”

Bên cạnh đó, PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà cũng khuyến nghị đơn vị xuất khẩu nông, thuỷ sản cần quan tâm các phương án dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ logistics thì cần liên kết với các đơn vị để tạo chuỗi dịch vụ tại ĐBSCL. Đối với cơ quan quản lý cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics và đầu tư hạ tầng cho khu vực, đặc biệt hạ tầng vận tải thuỷ nội địa – hạ tầng trung tâm logistics.

Mỹ Tho