Tại phiên trình phiên giải trình về Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì tổ chức sáng 21/02, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em.
Về giải pháp tổng thể, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hôi Đào Ngọc Dung khẳng định ngành sẽ tập trung thực hiện một cách nghiêm minh, cụ thể hóa tốt nhất Nghị quyết 121, quy định rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp và của Ủy ban chăm sóc trẻ em.
Trước câu hỏi của các đại biểu về giải pháp nhằm hạn chế các vụ bạo lực trẻ trong gia đình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, không có gì bằng sự chăm sóc của gia đình.
Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội: “Về nguyên tắc, đã đến lúc chúng ta phải học của các nước. Còn học bằng cách nào, có thể là giám hộ hay đưa và các cơ sở của nhà nước bảo trợ, nuôi dưỡng thì đấy là vấn đề cần phải bàn. Chúng ta cần phải nói thẳng với nhau, đối với trẻ em không gì bằng sự chăm sóc của gia đình. Bởi vì gia đình là cái trên hết, trước hết đối với trẻ em. Chỉ khi nào gia đình không đảm bảo mới thực hiện các phương án khác”
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp để rà soát các quy định, văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, từ đó làm cơ sở để tham mưu hoàn thiện các khung khổ pháp lý liên quan.
Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội: “Bộ có trách nhiệm triển khai những công việc được quy định trong Luật Bảo vệ trẻ em và các luật liên quan; tạo ra khung khổ pháp lý để thực thi, trên cơ sở đảm bảo quyền của trẻ em, cũng như các cam kết quốc tế. Đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em bao gồm trong Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội lồng ghép các nguồn lực bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực trẻ em."
Bế mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, với không khí sôi nổi, các ý kiến chất vấn sâu sắc và tâm huyết, báo cáo giải trình cụ thể và trọng tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Đề nghị thời gian tới chú trọng việc hoàn thiện các quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn giải quyết các vụ việc ly hôn khi quyết định quyền nuôi con phải xem xét quyền lợi mọi mặt của con, trong đó chú trọng khả năng bảo vệ trẻ khỏi bị nguy cơ xâm hại, bạo lực. Đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong các nhà trường sau đại dịch Covid-19”.
Sau phiên giải trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan xây dựng báo cáo tổng thuật toàn bộ kết quả của phiên giải trình, gửi tới các cơ quan hữu quan và các cơ quan của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội vào Kỳ họp thứ 3. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực trẻ em, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực trẻ em./.
Thực hiện : Phan Hằng Diệu Linh Như Huỳnh