Phát triển hợp tác xã dựa trên bảo tồn bản sắc

Hợp tác xã tuy có thể chỉ có trên dưới 10 hộ nông dân nhưng lại có hàng chục nghìn hợp tác xã, len lỏi khắp các bản làng ở Việt Nam. Với đặc thù địa hình đa dạng, dân số phân bố không tập trung, với cách sản xuất manh mún và nhỏ lẻ, hợp tác xã là mô hình không thể thiếu trong phát triển kinh tế nông thôn, để giúp người dân tự đứng trên đôi chân của mình.

Hình tượng “chim sẻ và đại bàng” được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp dùng để nói về vấn đề Hợp tác xã và các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp thời gian vừa qua. Con chim sẻ dù nhỏ hơn đại bàng nhưng số lượng loài chim sẻ chiếm đến 50% trong tổng số hơn 900 loài chim ở nước ta. Hợp tác xã tuy có thể chỉ có trên dưới 10 hộ nông dân nhưng lại có hàng chục nghìn hợp tác xã, len lỏi khắp các bản làng ở Việt Nam. Với đặc thù địa hình đa dạng, dân số phân bố không tập trung, với cách sản xuất manh mún và nhỏ lẻ, hợp tác xã là mô hình không thể thiếu trong phát triển kinh tế nông thôn, để giúp người dân tự đứng trên đôi chân của mình. 

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: "Tôi hay nói là chúng ta săn đón "đại bàng" những tập đoàn lớn nhưng chúng ta đừng quên con chim sẻ, chim sẻ nhiều lắm, hợp tác xã nhiều lắm, nông dân mới là nhiều, không thể sản xuất riêng lẻ, bản chất manh mún rồi nhưng để đối phó với thị trường không đủ sức liên kết với doanh nghiệp lớn. Muốn liên kết thì nội tại phải mạnh lên, phải hiểu liên kết để dần đứng trên đôi chân của mình". 

Và sẽ còn đặc biệt hơn khi những hợp tác xã ấy phát triển dựa trên bảo tồn, không chỉ là bảo tồn bản sắc văn hoá đa dạng của các dân tộc thiểu số Việt Nam, mà ấy là bảo tồn các nguồn lợi, phát triển dựa trên sinh thái, phát triển và có trách nhiệm với môi trường. Bắt đầu từ mỗi một người dân ở những vùng xa xôi miền núi, nông thôn họ từng ngày góp sức mình vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Những sản phẩm được chị em phụ nữ Dao tỉ mỉ thêu tay như thế này sẽ trở thành những sản phẩm đầy màu sắc, rực rỡ được đưa đến khắp các địa phương tên cả nước.  Trong những chiếc gối đó là các túi đựng dược liệu có tác dụng tốt cho xương, khớp, vai, gáy theo các bài thuốc truyền thống của đồng bào Dao, có thể giúp giấc ngủ được ngon hơn - Sản phẩm của Hợp tác xã Thiên An. Hợp tác xã có 15 thành viên nữ chính thức và 30 thành viên liên kết tại các thôn trong xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Với việc tham gia vào hợp tác xã, những người phụ nữ dân tộc Dao vừa gìn giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc mình vừa có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Niềm vui rộn ràng trong công việc mà mỗi ngày họ đang làm.

Chị Bùi Màn Shếnh - Xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: "Tôi làm thích như thế này, tôi muốn con cháu của tôi cũng thích làm như thế này, làm công việc thế này dễ hơn, có nhiều tiền hơn, không phải lên đồi đào khoai, đào sắn, sau này con cháu cũng có việc làm nhiều hơn. Vào hợp tác xã có công việc ổn định, tôi muốn giữ lại bản sắc và phong tục  của người Dao vì bị mai một nhiều rồi 

Thành lập từ năm 2016, bắt đầu từ mục tiêu giữ gìn phát huy thế mạnh của dân tộc mình, từ những bài thuốc dân gian truyền thống lâu đời của người Dao trước đây được đun nấu rất mất thời gian, hợp tác xã đã nghiên cứu và đầu tư về công nghệ để chuyển thành những sản phẩm gọn và tiện lợi như dược liệu như thuốc tắm, thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh, thuốc ngâm chân, thuốc xoa bóp ... rất tiện dụng và dễ sử dụng. Hợp tác xã phát triển thêm các sản phẩm dệt thổ cẩm để nhằm giữ gìn nét văn hoá đặc sắc của dân tộc đang bị mai một dần. 

Chị  Lý Thị Quyên - Giám đốc Hợp tác xã Thiên An, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi tập hợp chị em cũng gặp khó khăn, chúng tôi không biết làm thương mại, chúng tôi không biết làm thế nào để khách hàng biết được những giá trị văn hoá có trong sản phẩm của chúng tôi, chuyển đổi số các chị em chưa theo kịp nữa. Nhưng chúng tôi mong muốn phát triển theo hướng không chỉ trong nước mà các sản phẩm xuất khẩu, vì chúng tôi có cộng đồng người Dao rộng rãi, cần được lan toả tạo tiếng nói cho người chị em dân tộc phụ nữ có thể làm chủ cuộc sống của mình, làm giàu trên chính mảnh đất của mình, để làm thương hiệu cho Người Dao và chúng tôi cần đồng hành của các cấp chính quyền”.

Bà Đỗ Thị Hiền - Bí thư Huyện uỷ Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: ""Trong khi đó xu hướng hiện nay là rất quan tâm đến sức khoẻ và sắc đẹp nên hướng đi của Thiên An một trong những hướng đi rất tốt vừa bảo tồn được truyền thống người Dao đỏ vừa phát triển phù hợp với thị trường, mặc dù mới đi vào hoạt động và chưa có thời gian dài để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh nhưng tôi cho rằng với hướng đi đúng thì các bạn sẽ từng bước mở rộng thị trường khai thác tốt tiềm năng lợi thế, phục vụ cho HTX và quan trọng hơn là tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương. Bảo tồn giá trị văn hoá của dân tộc bản địa, HTX làm tốt người ta vận dụng thêm để sản xuất các mặt hàng truyền thống".

Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Thiên An cho biết: "Hợp tác xã khá điển hình về bảo tồn và phát huy giá trị,  sản xuất các bài thuốc của người Dao. Ở hợp tác xã, chúng tôi đánh giá cao sự sáng tạo, chỉ cần tỉnh có 1 cơ chế chính sách, tạo ra sân chơi, đã tạo ra các bài thuốc của người Dao, từ hình thức đến sự tiện lợi, thuốc được nghiền thành bột, đóng gói hút chân không, người sử dụng thuận lợi hơn nhiều, đây là sáng tạo và cũng đã phát triển được các sản phẩm thuốc gối đầu chăn, các sản phẩm khác. Đây là sản phẩm mới, chúng tôi đang định hướng cho hợp tác xã này kết hợp trải nghiệm nữa và phát triển cả sản phẩm cộng động".

Thác Vằng Áng ở ngay bản Dao, nơi hầu hết là đồng bào Dao sinh sống cũng dự kiến là một trong các địa điểm du lịch trải nghiệm trong hành trình nhiều điểm của xã Vi Hương và của huyện Bạch Thông, của tỉnh Bắc Kạn. Việc gìn giữ những bản sắc văn hoá thông qua các sản phẩm thổ cẩm của Người Dao dự kiến là một trong những điểm trải nghiệm thú vị trong hành trình du lịch của địa phương và cũng là hướng phát triển của huyện Bạch Thông. Hiện nay trong toàn huyện có 36 hợp tác xã hầu hết là sản xuất nông nghiệp và phát triển dựa trên thế mạnh của địa phương. Bạch Thông cũng xác định phát triển kinh tế hợp tác xã dựa trên bảo tồn là hướng đi đúng, Huyện sẽ tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, theo đó sẽ hỗ trợ các hợp tác xã trong xây dựng các lộ trình bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử.

Bà Đỗ Thị Hiền - Bí thư Huyện uỷ Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn bày tỏ: “Hợp tác xã thì phù hợp với trình độ sản xuất nhỏ mà trình độ sản xuất nhỏ rất nhỏ thì phù hợp với tập quán và khả năng của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Nên là hướng thời gian tới thì chúng tôi cũng sẽ đủ lực để nỗ lực phát triển hợp tác xã thúc đẩy sản xuất và thay đổi tập quán sản xuất bà con doanh nghiệp không vào được nhưng hợp tác xã đi từ cái nhỏ lên đi từ cái lợi thế, bản sắc thì sẽ khai thác những cách riêng mà vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà vừa phù hợp với phát triển kinh tế của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Cũng sản xuất dựa trên bảo tồn nhưng Hợp tác xã Yến Dương, xã Yến Dương, huyện Ba Bể lại chọn cho mình hướng đi khác là phục tráng lại các giống cây bản địa, xây dựng vùng nguyên liệu hoạt động theo hướng hữu cơ để cùng bà con xã viên phát triển kinh tế. Hợp tác xã hiện nay có 30 thành viên, liên kết sản xuất với khoảng gần 200 hộ với vùng nguyên liệu rộng khoảng 200ha. Từ nguồn chi khoa học công nghệ của tỉnh, hợp tác xã đầu tư phục tráng lại giống bí thơm Ba Bể và gạo Nếp Tài, ngoài ra còn có sản phẩm miến truyền thống tráng tay, các sản phẩm đan lát truyền thống, các sản phẩm bản địa như măng khô, móc mật ... Hiện nay sản phẩm Nếp tài và Bí thơm được phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao và chứng nhận hữu cơ PGS.

Chị Triệu Thị Tám - Thôn Nà Pài, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Tham gia hợp tác xã làm hữu cơ thì được phổ biến phân hữu cơ để bây giờ không tổn hại sk bảo vệ mình và người khác. Nhà tôi có sản xuất Nếp tài, bí thơm, dong riềng, có làm nhiều có năm làm ít hơn, tôi rất thích hướng bảo tồn, gia đình muốn bảo tồn nếp tài để con cháu sau này có nếp tài của ngày xưa cũng như bây giờ”.

Bà Ma Thị Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương cho hay: “Hợp tác xã Yến Dương dựa vào truyền thống muốn gửi gắm khi bán ra thị trường không chỉ nâng cao doanh thu mà tái hiện văn hoá cộng đồng trong câu chuyện sản phẩm. Khi áp dụng quy trình hữu cơ và áp dụng khoa học kỹ thuật rất khó, ruộng manh mún, áp dụng công nghệ tuyển chọn đó, áp dụng khoa học công nghệ đưa ra sản phẩm được sản phẩm. Khi lúc đầu bà con không muốn làm đâu, chỉ năm nay làm được nhưng mà bây giờ bà con được hiểu được tính bền vững, sự công bằng của người sx và khách hàng”.

Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Hợp tác xã Yến Dương, đang khai thác và bảo tồn nguồn gen của giống lúa nếp là Nếp Tài, cũng là giống lúa nếp vùng cao, hợp tác xã định hướng tốt nhưng khả năng phát triển chưa nhiều, chúng tôi đang hỗ trợ bằng nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh để thực hiện bảo tồn gen như bí xanh thơn, nếp tài và gắn với phát triển sản phẩm và phát triển du lịch cộng đồng.

Hợp tác xã Yến Dương là chỉ là 1 trong 32 hợp tác xã với 269 thành viên đang hoạt động trên địa bàn huyện Ba Bể. Trong đó có nhiều 25 hợp tác xã nông lâm nghiệp đều đi theo hướng phát triển văn hoá bản địa và thế mạnh của địa phương. Xác định việc phát triển hợp tác xã là hướng đi đúng của huyện, trong những năm qua, thực hiện chính sách của tỉnh và Trung ương, Huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các hợp tác xã để khắc phục những khó khăn hiện tại. Trong đó có hỗ trợ về bồi dưỡng nhân lực, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận vốn , tham gia các chương trình mục tiêu, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách đất đai, ưu đãi về tín dụng ngoài ra có thêm các chính sách hỗ trợ trong chế biến sản phẩm, hỗ trợ các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị. 

Ông Lưu Quốc Trung - Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Vai trò hợp tác xã rất quan trọng, trước đây bà con tự phát, có hợp tác xã có kế hoạch kinh doanh cụ thể, phát huy bản sắc, có sự thay đổi, về quy mô, cũng như thay đổi về nhận thức của nhân dân, tính cộng đồng cao hơn, các sản phẩm được thị trường chấp nhận hơn và tiếng vang của các hợp tác xã bảo tồn các giá trị về văn hoá danh tiếng được đi xa hơn, nhiều người biết đến, các thành viên hợp tác xã tự tin hơn và ngày càng phát triển. Huyện luôn có chủ trương, định hướng để thúc đẩy các hợp tác xã phát triển”.

Gia đình anh Đinh Văn Tô chọn tham gia vào chuỗi liên kết của hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành đã gần 5 năm nay vì thấy có nhiều lợi ích trong đó có việc phát triển cây bản địa đặc sản của địa phương. Khi ký hợp đồng về sản xuất nghệ, gia đình anh cũng như các thành viên liên kết khác đã tham gia vào chuỗi liên kết sản phẩm hữu cơ và được hợp tác xã cung ứng giống, được hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Anh Đinh Văn Tô - Xã Lâm Thượng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Vụ mùa thu hoạch được khoảng hơn 1 tấn, gần nhà để có nơi thu mua dễ dàng hơn, giá cả hợp lý, phục vụ bà con tốt, trong đợt cấy thì hợp tác xã cử người giúp đỡ canh tác tốt hơn để đạt năng suất cao”.

Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành hiện có khoảng 200ha vùng nguyên liệu để sản xuất nghệ hữu cơ. Sản phẩm là tinh bột nghệ nếp đỏ, đen hoặc thái lát, ... tuỳ theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra có các sản phẩm nông nghiệp của địa phương khác gừng ta, riềng, trà bí xanh thơm và các mặt hàng nông sản.

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành, xã Lâm Thượng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Sản phẩm OCOP 4 sao chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng và mẫu sản phẩm nên được nhận 2 sp 4 sao, Ở BK vùng núi, địa hình hiểm trở, đồi núi dốc, bà con dân tộc thiểu số, bà con quen canh tác trên đất dốc rồi, ban đầu rất vất vả bà con phải thấy lợi ích thì mới làm, qua 2 năm triển khai bắt đầu thu mua và thấy tăng so với thu nhập khác nên bà con phấn khởi và triển khai dần.

Thời gian qua Nghị trường Quốc hội, trong các phiên thảo luận về tái cơ nền kinh tế, về kinh tế xã hội và trong các phiên chất vấn các đại biểu đều thống nhất cho rằng phát triển kinh tế hợp tác xã là mô hình phù hợp và tất yếu trong nền kinh tế Việt Nam, cho rằng hiện nay việc phát triền kinh tế hợp tác xã đang đứng trước những thách thức như nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn, xúc tiến thương mại. Tỉnh Bắc Kạn cũng không ngoại lệ, các hợp tác xã Thiên An, Tân Thành, Yến Dương cũng không ngoại lệ và cũng như nhiều hợp tác xã phát triển dựa trên bảo tồn khác họ có nhiều khó khăn để khách hàng có thể biết đến mình, càng khó hơn để biết thêm được nhưng giá trị văn hoá, giá trị về môi trường có trong từng sản phẩm. Với đồng bào vùng sâu vùng xa, ít có điều kiện để tiếp cận với chuyển đổi số, nhận thức còn hạn chế, việc thay đổi tâm lý và thói quen sản xuất, tập quán canh tác từ nhiều đời nay quả là không dễ dàng gì. Họ đã kiên trì, nhẫn nại đồng hành trong từng suy nghĩ, trăn trở của người dân để từng bước khắc phục khó khăn, giúp người dân nhận ra những giá trị không chỉ về kinh tế mà còn mang những giá trị về văn hoá, môi trường khác. Bên cạnh đó, do nắm được những thế mạnh của tỉnh về bản sắc văn hoá, môi trường nên tỉnh đã tập trung phát triển các mô hình hợp tác xã theo hướng này, có các chính sách khuyến khích phù hợp và đồng hành cùng với các hợp tác xã. 

Bà Đỗ THị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Đối với hợp tác xã phát triển dựa trên bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống ngoài thực hiện chính sách chung hỗ trợ hợp tác xã như hỗ trợ cơ sở hạ tầng,  tiếp cận tín dụng, những hợp tác xã này chúng tôi rất quan tâm đào tạo hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực thậm chí là những hợp tác xã này chúng tôi hỗ trợ mỗi hợp tác xã được chọn một nhân lực trong vòng 36 tháng và tỉnh sẽ chi trả lương cơ bản. Phần hỗ trợ về nhân lực chúng tôi rất quan tâm vì ở hợp tác xã các anh các chị phải hiểu và nâng cao kỹ năng quản trị hợp tác xã là rất cần thiết để xây dựng và định hướng hoạt động của hợp tác xã. Việc thứ 2 là chúng tôi đang hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá cho các sản phẩm này vì nó vốn dĩ là sản phẩm bản địa của địa phương thôi và tất nhiên là không phải chỉ mang nguyên bản địa ấy để đi bán được mà phải có sự vào cuộc, tác động vaò để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tiện lợi hơn trong sử dụng, thế nhưng để các sản phẩm ấy đến được với người tiêu dùng biết đến ở 1 quy mô sản phẩm chưa phải lớn thì chủ thể chỉ là hợp tác xã rất nhỏ bé như vậy, nếu không quan tâm đến hỗ trợ quảng bá sản phẩm thì sẽ rất khó để những HTX này giới thiệu đến người tiêu dùng của mình”.

Hội nghị văn hoá toàn quốc vừa diễn ra một lần nữa khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta là phát triển nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc trong đó nhấn mạnh việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số. Bởi chính đây là yếu tố đặc biệt tạo nên sự phong phú và đa dạng, đậm đà bản sắc của Việt Nam. 

Cop 26 - Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn ra cũng cho thấy để đạt được các thoả thuận mà Việt Nam đã cam kết, nước ta phải phát triển theo định hướng kinh tế xanh và tuần hoàn. 

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng đặt ra vấn đề cần phải xem nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, và phát triển kinh tế hợp tác xã vừa nhằm giải quyết lao động ở vùng nông thôn vừa là sự phát triển ít rủi ro hơn trong thực tiễn.

Xu hướng tiêu dùng xanh đang là xu thế toàn cầu khi mà môi trường trở thành mối quan tâm lớn nhất của nhiều quốc gia trên thế giới đồng thời cũng là mối quan tâm của mỗi một người tiêu dùng.

Vì vậy nếu việc phát triển hợp tác xã là một tất yếu như Đảng và Nhà nước ta khẳng định thì việc phát triển các hợp tác xã dựa trên việc bảo tồn các giá trị văn hoá và môi trường càng là một xu thế tất yếu. Bởi chỉ khi đi theo hướng phát triển như vậy thì nền kinh tế mới thực sự bền vững, đặc biệt đối với những vùng dân tộc thiểu số vùng núi cao. Việc phát triển theo hướng bảo tồn sẽ dần dần giúp nâng cao ý thức và nhận thức của người dân, có thể sẽ tiếp nối trong nhiều thế hệ. Chỉ khi đó đồng bào mới có thể làm chủ trên mảnh đất của mình, làm giàu trên mảnh đất của mình, từng bước hội nhập với miền xuôi và hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc và làm giàu thêm tài nguyên của dân tộc, của địa phương và góp phần xây dựng Việt Nam giàu mạnh.