Phát triển KT-XH 4 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, nhưng để đạt mục tiêu 6-6,5% là không dễ

Bên lề hành lang Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội đánh giá, tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm đã có những kết quả tích cực. Có thể kể đến tốc độ tăng trưởng GDP cao trong khu vực và thế giới, hay như việc Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy đà phục hồi.

80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022, tăng 26,9% so với cùng kỳ. 

49,6 triệu lượt người lao động, 728,4 nghìn lượt người sử dụng lao động được Chính phủ hỗ trợ trong cả năm 2021 và 4 tháng đầu năm, với tổng kinh phí trên 81,6 nghìn tỷ đồng. 

Đây là những điểm sáng trong báo cáo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các Đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó có cả yếu tố chủ quan và khách quan, cả trong nước lẫn ngoài nước. Do đó cần chủ động trong công tác chỉ đạo và điều hành.

Ông TRẦN VĂN TUẤN - Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Giang: “Nghị quyết số 43 của Quốc hội cũng đề ra nhiều biện pháp trong đó có vấn đề phân cấp, phân quyền. Tôi hy vọng thời gian tới, Chính phủ sẽ đánh giá, nghiên cứu thật kỹ và mạnh dạn phân cấp phân quyền cho các địa phương trên nhiều lĩnh vực, đồng thời gắn với trách nhiệm của các địa phương để phát huy nhanh nhất, hiệu quả nhất.”

Bà RƠ CHÂM H′PHIK - Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: “Ở địa phương của chúng tôi, nền nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất cao, tôi mong Chính phủ thực hiện nhanh giải ngân nguồn vốn mục tiêu quốc gia, đó là giảm nghèo bền vững và phát triển KTXH ở đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Khi có được nguồn vốn này, địa phương của chúng tôi sẽ có điều kiện phát triển nông nghiệp, hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo.”

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều áp lực, như căng thẳng địa chính trị tác động đến chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao, thì tác động đối với Việt Nam là không thể tránh khỏi. Chính vì thế, phải có những đánh giá thật toàn diện và sâu sắc.

Ông TRẦN VĂN TUẤN - Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Giang: Cuộc xung đột Nga-Ukraine, rồi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương tây đối với Nga, rồi giá dầu, lạm phát tăng cao, điều đó đã và đang ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế của chúng ta, để chúng ta có các biện pháp kịp thời. Tôi tin, tôi kỳ vọng trong những tháng cuối năm, chúng ta sẽ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội của năm 2022 như Quốc hội đã đề ra.”

Trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ đã đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp để quyết tâm hoàn thành trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Và để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% trong năm nay sẽ cần sự nỗ lực rất lớn.

Khánh Hoàng