Phát triển năng lượng tái tạo đang chững lại - Giải pháp hiệu quả?

Trong những năm qua nước ta đã có các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ, hạn chế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Nhưng sau một thời gian tăng trưởng “bùng nổ”, các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đã và đang có dấu hiệu chững lại, do vướng về chính sách, nghẽn về cơ chế.

Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo với hơn 20 GW năng lượng tái tạo và huy động 17 tỷ USD đầu tư tư nhân trong vòng 2 năm. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận và là bước đi nghiêm túc hướng tới đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng sạch và loại bỏ carbon khỏi nền kinh tế. Bởi chúng ta đã biết, năng lượng là lĩnh vực phát thải carbon nhiều nhất, chiếm đến 60% tổng lượng phát thải toàn quốc. Việc chuyển đổi năng lượng là giải pháp quan trọng góp phần hiện thực hóa cam kết quốc tế của Việt Nam.

Với nhiều tiềm năng phát triển, những năm qua, công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu vào năm 2030, công suất lắp đặt điện gió đã vượt mục tiêu vào năm 2025. Nhưng sự phát triển này đang có dấu hiệu chững lại. Hiện tại, thị trường năng lượng tái tạo cho giai đoạn mới chưa có chính sách gối đầu thay cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn, khiến cho hơn 3.400 MW công suất nguồn điện gió đã xây dựng xong nhưng vẫn chưa được đưa vào vận hành. Hơn 1 năm qua vẫn nằm chờ giá bán điện mới. Các dự án điện mặt trời còn có hơn 452 MW công suất lắp đặt cũng đang chờ xác định giá bán điện mới.

Đến thời điểm hiện tại các chính sách liên quan như Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc triển khai chiến lược cũng như các bước tiếp theo.

Việc mất đồng bộ giữa phát triển nguồn năng lượng tái tạo cũng đã gây ra các điểm "nghẽn" về truyền tải, phải giảm phát tới 30 - 40%, thậm chí có dự án phải giảm hơn 60% công suất.

Chính sách chưa rõ, lưới điện truyền tải đang "bội thực”, giá điện thấp… đang là những thách thức phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ thực hiện song song nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Vì vậy, cần hoàn thiện khung pháp lý để thu hút đầu tư, phát triển bền vững thị trường điện năng lượng tái tạo. 

Hiện nay trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục xây dựng chính sách, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Vì vậy cần sớm tháo gỡ điểm nghẽn, giúp năng lượng tái tạo phát triển một cách tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, việc hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này là yếu tố tiên quyết. Theo các chuyên gia, chúng ta cần cân nhắc xây dựng 1 luật riêng về năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Chuyển đổi năng lượng được xác định là yếu tố quyết định thành công của chống biến đổi khí hậu. Việc chúng ta cần làm ngay lúc này là sớm có cơ chế mới cho các dự án chuyển tiếp để huy động nguồn công suất năng lượng tái tạo đã đầu tư, đồng thời cũng cần có cơ chế ổn định cho việc đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư phát triển các nguồn điện mới trong tương lai. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết trong video!  

Truyền hình Quốc hội Việt Nam