• 1089 lượt xem
  • 04:59 27/01/2022
  • Xã hội

Phát triển nhà ở công nhân còn nhiều rào cản

Giai đoạn 2021-2025 nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân Khu công nghiệp cần khoảng 295.000 căn hộ, với tổng mức đầu tư khoảng 220 nghìn tỷ đồng. Để có thể đạt kế hoạch mục tiêu đề ra, việc đầu tư nhà ở xã hội đang cần thêm nguồn lực mới với những chính sách vượt bậc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của những giai đoạn trước.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới làn sóng người lao động về quê trong đại dịch Covid-19 vừa qua đó là hạ tầng xã hội không đảm bảo được điều kiện để thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) cho công nhân. Trong khi đó, tỷ lệ lao động nhập cư chiếm tới 70% tại các khu công nghiệp. 

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Lao động cần dịch vụ gì thì lao động di cư cần nhiều các dịch vụ hỗ trợ hơn. Vì lao động di cư thì đi 1 mình, hoặc gia đình… do vậy cần thiết hơn các dịch vụ công để hỗ trợ họ như trường học, y tế, giáo dục….”

Chính sách nhà ở cho công nhân đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội trong Luật nhà ở 2014, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng. Tuy nhiên những bất cập từ thực tế, đặc biệt là bài học sau đại dịch cho thấy cần có những quy định cụ thể hơn để đảm bảo an cư cho người lao động.

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: “Trong nhà xã hội có nhà ở cho công nhân nhưng chúng ta chưa làm rõ nội hàm này. Nên các dự án nhà ở xã hội ra đời thì đối tượng phục vụ không phù hợ và thỏa đáng đối với đối tượng là công nhân; mà lại dễ cho đối tượng khác mua nhà. Thời gian tới, làm rõ thành phần theo thứ tự ưu tiên được mua nhà ở xã hội, không thể dàn hàng ngang như hiện nay. Trong đó có nhà ở công nhân, chính sách sau này, đúng đối tượng, giá thành nhà ở xã hội nói chung nhà ở công nhân vừa phải đáp ứng với thực tế so với thu nhập công nhân, đối tượng quan tâm đó mới hoàn thành được mục tiêu.”

Để có thể thu hút được công nhân lao động tiếp cận với nhà ở xã hội, cần bổ sung, sửa đổi nghị định 82 về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế theo hướng bố trí nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp thuê. Trong đó cần thiết phải rà soát quy hoạch đô thị chi tiết, gắn quy hoạch nhà ở cho người lao động khu công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị. 

Ông Võ Mạnh Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: “Chúng ta phải có quy hoạch tổng thể quốc gia về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở công nhân nói riêng. Hiện vẫn chưa có quy hoạch này, đây là cái đang bất cập hiện nay. Do đó, Chính phủ phải có quy hoạch sớm, phục vụ cho nhu cầu của công nhân lao động trong giai đoạn hiện nay.”

Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là giải pháp cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế. Do đó, để sử dụng hiệu quả quỹ đất khu công nghiệp, thu hút đầu tư xã hội hóa, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần có những chính sách đồng bộ để triển khai, đáp ứng yêu cầu phát triển khu công nghiệp mới./.

Ngọc Thiện