Phiên giải trình về tuyển dụng, sử dụng giáo viên: Bảo đảm về số lượng, đồng bộ về chất lượng, cải thiện về chế độ

Sáng 25/02, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên mầm non, phổ thông”. Đây là vấn đề lớn mà Chính phủ và các địa phương đang tập trung chỉ đạo được các đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm.

Nhiều bất cập trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên

Theo kết quả khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, hiện vẫn còn tình trạng mất cân đối về cơ cấu nhà giáo theo cấp học, môn học và vùng miền; chất lượng của một bộ phận đội ngũ nhà giáo còn nhiều hạn chế so với yêu cầu của thực tiễn. Về biên chế giáo viên, vẫn còn tình trạng thiếu số lượng lớn; thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương, trong từng cấp học, từng môn học. Đặc biệt, các môn mới được triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để giải quyết vấn đề này hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc: Quan điểm của Đảng yêu cầu tinh giản biên chế trong khi mong muốn và nhu cầu của ngành giáo dục và các địa phương đều đề xuất theo hướng tăng thêm; cơ cấu chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương và nhìn chung chưa hợp lý, chưa bảo đảm tỷ lệ chi cho con người tối đa 82%, chi cho hoạt động giảng dạy, học tập tối thiểu 18%. Thiếu chính sách thu hút nên các địa phương vùng dân tộc thiểu số, vùng cao khó tuyển giáo viên một số bộ môn.

Ông NGUYỄN KIM SƠN - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:Mấy năm chúng ta mới có một đợt tuyển, tuyển thì ít mà mỗi năm vẫn cứ phải giảm 10% biên chế thì mức thiếu ngày càng trầm trọng. Trong khi đó nhu cầu ngày càng nhiều, nhu cầu huy động trẻ đến trường. Vấn đề phổ cập chương trình giáo dục phổ thông mới còn vài năm nữa, số môn mới tăng lên; dân số tự nhiên cũng tăng; mất cân đối giữa các vùng cũng tăng; nhu cầu, mong mỏi chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. Để đáp ứng các yêu cầu đó thì tỷ lệ học sinh/giáo viên phải giảm xuống, còn các giải pháp khác chỉ là các giải pháp có tính chất kỹ thuật, tình thế và đi theo."

Chính sách lương của nhà giáo còn chưa phù hợp với vị trí, vai trò nhà giáo, chưa là động lực để thu hút nhà giáo giỏi, góp phần chuẩn hóa và phát triển đội ngũ. 

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ - Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Đối với giáo viên mầm non ở những nơi có điều kiện, tính mặt bằng lương khoảng 7 triệu đồng/tháng; nhưng đối với giáo viên mới ra trường chỉ từ 3,5 triệu - 4 triệu đồng. Với mức lương như vậy thực sự không đáp ứng nổi nhu cầu cuộc sống đối với những giáo viên mới ra trường. Chính vì vậy, trong khi chờ sửa đổi Nghị định 27 cũng cần nghiên cứu thêm để có thể tiếp tục bổ sung phụ cấp đối với giáo viên."

Cơ chế, chính sách đối với nhà giáo còn nhiều bất cập; việc triển khai thực hiện chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, hiệu quả: công tác điều động, luân chuyển giáo viên thực hiện chưa nghiêm; chủ trương lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bảng lương nhiều năm chưa được thực hiện; chính sách đối với giáo viên ngoài biên chế, bảo hiểm xã hội, giáo viên ngoài công lập.

Cần sớm ban hành luật nhà giáo

Trong bối cảnh số học sinh huy động ra lớp ngày càng tăng, yêu cầu về đảm bảo chất lượng giáo dục ngày càng cao, trong khi biên chế giáo viên không tăng đã gây ra áp 
lực không nhỏ đối với ngành giáo dục. Trong phiên giải trình sáng nay, Bộ GD-ĐT đã
thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung số biên
chế trên theo lộ trình đến năm 2025, trước mắt năm học 2021-2022 trình bổ sung 27.850
biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Ông PHAN VIẾT LƯỢNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục:Cần các giải pháp căn cơ, Giải pháp ưu tiên là gì?”

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Tôi đồng tình với đại biểu Lượng là cần giải pháp căn cơ, tổng thể năm học này riêng ngành Giáo dục được bổ sung biên chế.”

Ông NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH: “Vai trò quản lý của 2 bộ đối với các địa phương trong kiện toàn biên chế chưa quyết liệt. Ban hành chính sách mà chưa đánh giá đầy đủ nên nguồn lực chưa đảm bảo. Tôi đề nghị chính sách ta ban hành, cần dự báo nguồn lực, đánh giá cụ thể”

Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Tăng cường hoạt động chuyển đổi số. bộ đang làm. Đánh gia nhu cầu là quan trọng, giữa đặt hàng và tuyển, việc thực hiện 116 cho sư phạm, tới đây sẽ đồng bộ hóa các văn bản quy phạm pháp luật”

Bà NGUYỄN THỊ MAI THOA, Uỷ viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH:Thay nghị định mới về xã hội hóa thì còn vướng mắc liên quan đến các quyết định khác của pháp luật. Xin được hỏi Bộ trưởng Bộ nội vụ lộ trình ban hành luật nhà giáo nên như thế nào?”

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Cần ban hành luật nhà giáo, đồng tình vì đây là cơ sở để có hành lang pháp lý để quản lý đội ngũ nhà giáo căn cơ bài bản đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.”
 
Cần giải pháp tổng thể trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cần thống nhất nhận thức, quan điểm trong việc xác định biên chế nhà giáo; điều chỉnh cách tính định biên phù hợp với địa bàn, vùng miền; phù hợp xu thế tăng, giảm dân số cơ học tại một số địa phương, khu vực. 

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Có giải pháp để thực hiện việc tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục. Hoàn thiện chính sách tiền lương, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương đối với đội ngũ giáo viên công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư”.

Các ý kiến cũng thống nhất cần có cơ chế, chính sách tuyển dụng phù hợp; khuyến khích, thu hút người giỏi vào ngành Giáo dục, thu hút giáo viên về công tác tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; có giải pháp bảo đảm đội ngũ giáo viên triển khai một số bộ môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để bảo đảm đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng. 

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, kết luận của Phiên giải trình sẽ được gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, các bộ, các ngành liên quan nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và vấn đề biên chế giáo viên.
 

Phan Hằng