Phim Tài liệu: Chuyện chưa kể đằng sau những quyết định "nóng" mà không "vội" ở nghị trường

Nhanh, gấp, cấp bách chưa có tiền lệ... là những từ được nói nhiều trong hoạt động của Quốc hội khoá XV trong năm đầu tiên nhiệm kỳ đầy khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19. Truyền hình Quốc hội đã ghi được những hình ảnh từ "hậu trường" hoạt động Quốc hội cho thấy tinh thần đổi mới của Quốc hội khóa XV.

Đợt dịch Covid -19 lần thứ 4 với sự xuất hiện của biến chủng Delta đã đưa nước ta bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn. Đó là cuộc chiến với kẻ thù vô hình nguy hiểm luôn biến hình, biến dạng chống lại nỗ lực của loài người. Đó cũng là khoảng thời gian Quốc hội Việt Nam khoá XV bước những bước đầu tiên trong một nhiệm kỳ với rất nhiều kỳ vọng.

Đó cũng là khoảng thời gian Quốc hội Việt Nam khoá XV bước những bước đầu tiên trong một nhiệm kỳ với rất nhiều kỳ vọng. Chia sẻ với những khó khăn của đất nước, ngay từ những bước đầu tiên ấy, Quốc hội Việt Nam đã luôn tìm tòi, trăn trở để đổi mới, đáp ứng những yêu cầu đặt ra của thực tiễn đầy biến động. Mới chỉ được nửa năm nhưng hoạt động của Quốc hội đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên hành trình bắt đầu của 5 năm phụng sự quốc gia, dân tộc, phục vụ nhân dân. 

Đổi mới mạnh mẽ; chưa có trong tiền lệ; những quyết sách mang tính lịch sử… Đó là những từ được dùng thường xuyên khi đánh giá về những quyết sách của Quốc hội trong 3 kỳ họp vừa qua. Và những từ đó cũng đặc biệt đúng để mô tả cách thức tiến hành, phương pháp làm việc của những người đã góp phần tạo nên những quyết sách ấy. Một chặng đường mới đã bắt đầu một cách sôi động từ "hậu trường" hoạt động Quốc hội đến những quyết sách được đưa ra trên nghị trường.

Những hình ảnh này chúng tôi đã ghi được tại cuộc họp rà soát Luật sửa đổi 9 luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức diễn ra vào đêm ngày 10/01 vừa qua, chưa đầy 1 ngày trước khi bấm nút thông qua Dự án Luật này. Lúc đó các bên vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, còn nhiều băn khoăn. Một cuộc họp mà lúc bắt đầu các thành viên tham dự đều không dự đoán được đến lúc nào sẽ kết thúc.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Thật là không thể kể về thời gian, vì đây là luật quá phức tạp, mà công việc tổng hợp, phân tích, tiếp thu các ý kiến thì quá nhiều, thật sự là khối lượng công việc khổng lồ mà người ngoài nhìn vào không thể hình dung nổi”.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:Chúng tôi chỉ có 4 luật, 5 luật khác là của 4 ủy ban khác và phải phối hợp với 9 bộ ngành của Chính phủ, từ quá trình thẩm tra sơ bộ đến thẩm tra chính thức đến khi ra Quốc hội để xin ý kiến tổng hợp, báo cáo tiếp thu giải trình để được sự đồng thuận và biểu quyết rất cao như thế là sự phối hợp tích cực và nhịp nhàng. Đây cũng đi vào lịch sử bếp núc của Quốc hội, chưa bao giờ trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký luật này phải trình tới 17 chữ ký để trước khi Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực”.

Cũng buổi tối ngày 10/01, ở một phòng họp khác, các Ủy viên Thường vụ Quốc hội đang họp bàn với các cơ quan hữu quan để rà soát thêm về các vấn đề liên quan đến 4 nghị quyết quan trọng khác cũng sẽ được thông qua trong phiên họp chiều hôm sau, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khoá XV.

Và rất nhiều cuộc họp, rất nhiều công việc khác của các bộ phận liên quan cũng diễn ra ngay trong đêm ấy. Để Quốc hội thông qua Dự án Luật sửa đổi 9 luật và 4 Nghị quyết quan trọng với sự đồng thuận rất cao vào chiều ngày 11/01 là sự nỗ lực của một vài cá nhân mà là của cả tập thể cùng góp công, góp sức.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:Ngày 11/01 bấm nút thông qua, các cơ quan làm việc ngày đêm, đến 3 giờ sáng mới nhận được hồ sơ của các cơ quan gửi lên xin ý kiến, UBTVQH cũng làm việc cả đêm thì hôm sau mới có sản phẩm để thông qua”.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Vượt quá mong đợi để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Làm việc cả ngày lẫn đêm. Có những ngày 8 giớ tối là 1 thông tin, 11h đêm là 1 thông tin 2h30 1 thông tin và đến 5h sáng lại một thông tin yêu cầu góp ý để góp ý để trước 7 giờ sáng có thông tin cho buổi hôm sau. Có thể nói mọi người đã rất tích cực.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Những gì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần làm mà làm được thì đã làm hết mình để có kỳ họp này. Có gì mà chúng ta không làm, cái gì cần làm, cái gì đáng làm thì chúng ta đã làm hết mình rồi, không chỉ chuyên viên mà lãnh đạo Quốc hội cũng trực cả đêm, văn bản đến lúc nào là xử lý lúc đó, 1h thì là 1h, 2h thì là 2h, sáng thì vẫn cứ làm, thứ 7, CN vẫn làm suốt ngày. Ngày 11 có thời gian ăn trưa đâu, 10h30 mới, duyệt hết các nghị quyết rồi duyệt bài phát biểu bế mạc, sau các lãnh đạo lên khoảng 1h30 rồi, 2h đã họp bấm nút rồi, các chuyên viên làm cả đêm. Những gì Chính phủ cần làm cũng đã làm hết mình. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đến phút chót còn sang đây. Bàn từng việc một. Những gì các cơ quan hữu quan cần làm đã làm.”

Việc gì cần làm, đáng làm và làm được thì Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội đã làm rồi. Điều đó không chỉ nhìn thấy từ những quyết sách trên nghị trường, không chỉ nhìn thấy qua các công trình được đầu tư từ quyết định mà còn nhìn thấy qua công việc mỗi ngày của những người công tác ở Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. 

Và cũng ít ai biết được rằng sau khi cân nhắc và tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Quốc hội đã không đồng ý với việc sửa đổi điều 23 của Luật Nhà ở tương ứng với Điều 75 của Luật đầu tư, do nhiều đại biểu vẫn còn lo ngại sẽ có chuyện thu gom đất nông nghiệp, thất thoát ngân sách nếu cho nhà đầu tư chuyển đổi đất làm nhà ở thương mại không qua đấu giá. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Đến phút chót chúng ta cương quyết không thông qua. Mặc dù trước đó đã tạo được sự đồng thuận rồi, nhưng qua phát biểu của ĐBQH và qua đánh giá chúng ta chưa biết đánh giá tác động đầy đủ của nó thế nào, nên chỉ sử dụng hình thức sử dụng đất, nội hàm đất khác dứt khoát chúng ta không đồng thuận. Đến chuẩn bị bấm nút thông qua rồi mà còn đề nghị xem lại việc sửa đổi Luật Đầu tư liên quan đến di sản. Tôi cương quyết, dứt khoát chứ không nhượng bộ chút nào cả. Không thể nào lấy chuyện sửa đổi thẩm quyền mà sửa đổi nội dung được. Làm luật phức tạp như vậy. Nóng nhưng không vội, rất gấp gáp, rất áp lực nhưng bền bỉ và sáng suốt".

Nóng nhưng không vội, gấp nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, linh hoạt nhưng luôn quyết đoán. Có được những điều đó là bởi vì Quốc hội đã phát luôn huy tính dân chủ, chuẩn bị từ sớm từ xa một cách rất kỹ lưỡng. Đơn cử, chính sách về tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi knh tế xã hội là vấn đề rất phức tạp, trước đó còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Và với việc thông qua Nghị quyết, Quốc hội đồng ý việc tăng bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 - 2023 để thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ quy mô lớn chưa từng có và có thể lên tới trên 320.000 tỉ đồng từ các nguồn trong và ngoài nước. Đây là một quyết sách lịch sử, quan trọng và có ý nghĩa. 

Để có được sự chắc chắn và quyết đoán cũng như các thông tin để thuyết phục các đại biểu Quốc hội bấm nút, Quốc hội đã không chỉ bàn thảo rong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phiên họp của Các cơ quan của Quốc hội mà còn lắng nghe từ ý kiến của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Tại sao gói Chính sách tài khoá tiền tệ phức tạp như vậy, khó như vậy mà đưa ra sự đồng thuận cao như vậy. Chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có bao nhiêu cuộc toạ đàm với doanh nghiệp, các cơ quan, các hiệp hội nước ngoài. Họp trực tuyến với Hội đồng kinh doanh thương mại Hoa Kỳ, 3 ông đại sứ các thời kỳ, hàng trăm tập đoàn lớn của Hội đồng kinh doanh thương mại Hoa kỳ Asean, Diễn đàn kinh tế chúng ta làm 1 ngày, tất cả tư tưởng, kinh nghiệm khu vực, quốc tế nói hết rồi. Tại sao gói phức tạp như vậy nhưng đạt được đồng thuận cao, tôi không nhận được băn khoăn gì của đơn vị nào. Dư luận xã hội chấp nhận, Chính phủ cùng với Quốc hội làm đi làm lại rất nhiều lần, làm lên làm xuống, làm tới làm lui, có những cái không giống nhau sau đó thống nhất được, chuẩn bị kỹ lưỡng, bàn bạc kỹ lưỡng, rà soát kỹ lưỡng và cân nhắc một cách rất kỹ lưỡng, suy nghĩ chín chắn và quyết định rất là quyết đoán”.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Công tác chuẩn bị và sự tiếp thu, chính sách tài khoá và tiền tệ như chủ tịch chỉ đạo và các cơ quan của QH chuẩn bị rất sớm, chủ tịch trực tiếp các cơ quan của QH và các cơ quan của Chính phủ, 1 số Bộ của CP, sau đó tổ chức toạ đàm các chuyên gia, sau đó tổ chức diễn đàn và những chính sách trong gói tiền tệ phục hồi kinh tế phục hồi phát triển kinh tế cơ bản”.

Các anh em ở các Uỷ ban làm việc xuyên đêm vài ngày trước lúc thông qua. Sau khi đã bấm nút rồi đồng chí Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng vẫn phải sang để trao đổi thống nhất thảo luận để rõ phương án trong xử lý để đảm bảo tính khả thi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: "Chuẩn bị kỹ lưỡng, họp bàn liên tục, thấu đáo, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn ít nhất 3 lần, có cái 4 lần các nội dung này để quyết định, khi CP chưa có văn bản bên đây lãnh đạo Quốc hội đã bàn rồi, nếu vấn đề này Chính phủ trình thì như thế nào, bàn tới, bàn lui. Và xin ý kiến Bộ Chính trị rất kỹ về 4 nội dung, khi Bộ Chính trị đồng ý rồi mà khi vào họp vẫn phải chỉ đạo có văn bản vừa báo cáo vừa xin ý kiến Bộ Chính trị

Chính từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, từ sự nỗ lực ngày đêm của cả tập thể từ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, và các cơ quan hữu quan như vậy, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khoá XV chỉ diễn ra trong 4,5 ngày đã thông qua 1 dự án Luật sửa đổi 9 luật và 4 Nghị quyết quan trọng gồm Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khoá XV. 

Và không chỉ có kỳ họp bất thường, mà trước đó, Ngay từ kỳ họp đầu tiên khoá XV, Quốc hội đã rút rút ngắn thời gian 3 ngày làm việc so với chương trình được thông qua, 8 ngày làm việc so với dự kiến ban đầu nhưng khối lượng công việc không những không giảm mà còn tăng lên. Quốc hội đã quyết định khung pháp lý cho 5 năm hoạt động, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính công, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn, hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, chương trình giám sát năm 2022, thành lập các đoàn giám sát chuyên đề.  Đặc biệt Quốc hội thông qua nội dung nghị quyết chung của kỳ họp trong đó bổ sung nội dung tăng cường phòng chống dịch Covid -19. Đây được xem là quyết sách chưa có trong tiền lệ và cũng triển khai một cách nhanh chóng đến bất ngờ.

Lúc chương trình kỳ họp thứ nhất được thông qua chưa có bóng dáng về việc thảo luận tăng cường các biện pháp chống dịch. Nhưng trước diễn biến phức tạp của đại dịch, trên cơ sở ý kiến thảo luận tại tổ ngày 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường để nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình dịch bệnh và thống nhất trình Quốc hội xem xét đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tập trung xử lý các vướng mắc về mặt pháp lý trong phòng, chống dịch Covid 19, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong điều hành, kể cả dự phòng các tình huống phát sinh có thể phức tạp hơn. Có những việc được giải quyết theo quy trình đặc biệt, thậm chí có việc chưa được quy định trong Luật cũng cho phép Chính phủ chủ động xử lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Quốc hội lần đầu tiên vừa có sáng kiến lập pháp tức thời, vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết trong 3 ngày, với sự đồng thuận rất cao”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: “Có lẽ là chưa có bao giờ, Phó chủ tịch Quốc hội trực tiếp ngồi soạn báo cáo xong trực tiếp cầm cho Chủ tịch Quốc hội sửa, sửa xong tôi trực tiếp ký và đưa trình anh Mẫn, anh Mẫn ký xong trực tiếp cầm sang Văn phòng Trung ương.”

Với quyết định này Quốc hội khoá mới đã thể hiện sự quyết đoán, linh hoạt, chung tay đồng hành với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo, bảo vệ nhân dân, khắc hoạ đậm nét hơn sự đổi mới mạnh mẽ ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế: Rất cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã có yêu cầu này để giúp Chính phủ, ngành y tế có điều kiện hơn trong phòng chống dịch trong bối cảnh nguy cấp như hiện nay, khi nhận được yêu cầu từ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ Bộ Y tế họp ngay trong đêm và xây dựng báo cáo trình Quốc hội.”

Bà Mai Thị Thu Vân - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ:Quốc hội yêu cầu các cơ quan thẩm tra làm rất khẩn trương, Chính phủ rất cảm kích trước sự hỗ trợ của Quốc hội, Góp ý của Đảng đoàn Quốc hội khi các đề án của Chính phủ thống nhất và đưa các nội dung để tiếp thu và khi ra Bộ Chính trị quyết rất nhanh. Có những trường hợp gấp chờ xin ý kiến các bên chưa kịp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gọi điện trực tiếp để trao đổi nhằm gửi các tài liệu để nghiên cứu trước, đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian.”

Nhanh, gấp, cấp bách chưa có tiền lệ là những từ được nói nhiều trong hoạt động của Quốc hội khoá XV nhưng nhanh, gấp, và cấp bách vẫn phải bảo đảm chất lượng hoạt động, phải có sự chuẩn bị chu đáo, dựa trên cơ sở khoa học và sự nỗ lực của mỗi một thành viên của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và sự phối hợp của các bên liên quan. Còn nhớ ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, khi phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội cũng đã bày tỏ sự quyết tâm đổi mới nhưng ông cũng cho rằng Quốc hội trong 75 năm qua đã luôn luôn đổi mới và có nhiều thành tựu, đó cũng chính là áp lực cho Quốc hội khoá mới phải hoạt động như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới liên tục của cử tri. Nhưng thực tế chỉ nửa năm hoạt động của Quốc hội khoá XV vừa qua đã cho thấy quyết tâm để tìm tòi, trăn trở để từng bước đổi mới. Dấu ấn ấy có thể thấy được ở từng đại biểu Quốc hội, ở từng chuyên viên Văn phòng Quốc hội, mỗi cá nhân và tập thể của các cơ quan của Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: “Tại sao kết quả lại tốt như vậy bởi vì chúng ta luôn có sự chuẩn bị rất kỹ, yêu cầu rất cao, có thể nói là rất khó tính, yêu cầu cao, đã kỹ rồi làm trước rồi nhưng trong kỳ họp khi cần lại triệu tập lãnh đạo họp, cơ quan họp, rà từng chữ 1, bản thân chủ tịch lại sửa, có cuộc là tôi chủ trì họp các cơ quan rồi nhưng Chủ tịch lại chủ trì họp tiếp để tạo đồng thuận cao để đảm bảo tính khả thi”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: “Không ai chờ ai cả, tự tìm đến nhau, tự chủ động, chuẩn bị từ sớm từ xa, vì vậy có bộ ngành tìm đến các cơ quan Quốc hội trước để nhận được, chủ động dự báo, chủ động phối hợp”.

Và vì những việc chưa có tiền lệ, vì nhiều đổi mới nên để ứng phó với các tình huống phát sinh, các chuyên viên phục vụ, các đại biểu Quốc hội tham gia vào quá trình chuẩn bị đã phải rất nhanh nhạy mới bắt kịp với những chuyển biến đó. Thậm chí trong nhiều trường hợp lãnh đạo Quốc hội trực tiếp xử lý các công việc cụ thể để đáp ứng yêu cầu về thời gian. Đơn cử khi thấy bất cập khi để thời gian biểu quyết trực tuyến là 1 phút, nhiều đại biểu do lỗi mạng nên chưa kịp bấm nút, ngay lập tức lãnh đạo Quốc hội bàn bạc và quyết định tăng thời gian lên 2 phút

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: “Lúc đầu đó anh em chúng tôi thảo luận, quyết định và Phó Chủ tịch Quốc hôi Trần Quang Phương phải chạy xuống nhanh phòng kỹ thuật để chỉ đạo, ngay từ nghị quyết thứ hai đã chuyển thành 2 phút và kết quả khác hẳn”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:Bản thân chúng tôi cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng và vì đã có tiếp cận rồi nên tôi còn phải làm thư ký cho anh Hải, Anh Thanh, thậm chí làm chuyên viên. Nhưng phải nói rằng Ủy ban Kinh tế cũng rất trách nhiệm, từng ngày, từng giờ, từng câu từng chữ một. Quyết sai một ly, đi một dặm, dục tốc bất đạt”.

Không chỉ ở trung ương, không khí đổi mới và yêu cầu chuẩn bị từ sớm từ xa lan rộng xuống khắp các địa phương trên cả nước, các đoàn đại biểu Quốc hội đã tăng cường mời các chuyên gia, sở ngành đến dự họp, đóng góp ý kiến và tham gia ngay các phiên họp trực tuyến ở điểm cầu lẻ. Điểm mới này vốn khó khả thi trong các kỳ họp, nhiệm kỳ Quốc hội trước thì nay xuất hiện thường xuyên tại 63 điểm cầu. Các chuyên gia, sở ngành không chỉ tư vấn trực tiếp cho đại biểu về những bất cập trong quá trình thực thi Luật mà họ còn được lắng nghe tiếng nói của đại biểu Quốc hội một cách toàn diện hơn, được tiếp cận sớm với các chính sách để việc triển khai các chính sách sau này được dễ dàng hơn.  

Bà Trần Thị Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: “Đối với mỗi dự án Luật, chúng tôi lại mời các sở, ngành, liên quan để cùng trao đổi, thảo luận. Thậm chí đôi khi chúng tôi đưa ra một vấn đề để đề nghị sửa đổi, bổ sung thì đã nhận được những phản biện hay góp ý hết sức sâu sắc của các sở ngành. Từ đó, chúng tôi có thể hoàn thiện các ý kiến, thảo luận của mình trên nghị trường Quốc hội một cách tốt nhất.”

Ông Trương Quốc Huy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: “Để các dự án luật đảm bảo chất lượng thì Đoàn Hà Nam đã làm việc ngoài giờ kết thúc họp chúng tôi tiếp tục thảo luận đồng thời chúng tôi cũng mời các chuyên gia các sở ngành liên quan ví dụ dự án luật thống kê, luật bảo hiểm chúng tôi mời các đơn vị… nghe,  lắng nghe trao đổi trao đi đổi lại những tồn tại hạn chế của các luật đó trong g thời gian vừa qua khi áp dụng vào thực tiễn …thành viên trong Đoàn đã thảo luận rất sôi nổi nhiều ý kiến, có những hôm chúng tôi làm việc 7 - 8h tối để tham gia ý kiến dự án luật để khi đóng góp luật này sẽ vào thực tiễn…”

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình:Đây là kinh nghiệm đáng quý, …Tôi cho rằng, càng về sau này, với phương pháp đổi mới này thì  luật sẽ đi vào cuộc sống, sẽ phù hợp với thực tiễn hơn.”

Đổi mới trong những ngày đầu của Quốc hội khoá XV có lẽ còn rất nhiều điều  để nói tới, điểm qua vài nội dung như vậy cũng đã cho chúng ta niềm tin vào kết quả tốt đẹp trong hoạt động của Quốc hội ở chặng đường tiếp theo. Đằng sau những con số hàng trăm nghìn tỷ được quyết định và đưa ra trên nghị trường Quốc hội, đằng sau những công trình thế kỷ của Việt Nam, đằng sau những chính sách không chỉ mang tầm quốc gia mà còn mang tầm quốc tế hoặc cũng có thể chỉ là đằng sau một từ, một chữ trong các văn bản Luật là những đêm không ngủ, là bữa ăn vội vàng, là sự trăn trở trước các tin nhắn của cử tri. 

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đã có những đổi mới mang tính lịch sử và sự đổi mới đó cũng có thể bắt đầu từ những điều nhỏ bé như vậy. Nhưng hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Nếu mỗi một thành viên đều nỗ lực và tận tâm, bắt đầu đổi mới từ cách làm, làm mọi việc bằng quyết tâm lớn thì mỗi cử tri chúng ta có quyền kỳ vọng vào sự đổi mới mạnh mẽ và lớn lao của Quốc hội khoá XV và Quốc hội những khoá tiếp theo trong tương lai.

Phan Xanh