• 2103 lượt xem
  • 04:23 03/02/2022
  • Văn hóa

Phim tài liệu: Tết kháng chiến đầu tiên của Bác Hồ

Cách đây tròn 75 năm, Bác đã viết thư cho các chiến sĩ Quyết tử Quân Thủ đô. Bức thư có đoạn: "Các em ăn tết thế nào, tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên không ai nỡ ăn Tết. 90% đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90% mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến. Các em là đội cảm tử, các em cảm tử để cho tổ quốc quyết sinh".

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập, nhất định thành công

Những lời thơ chúc Tết Đinh Hợi (1947) đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trực tiếp trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền đến đồng bào cả nước ngay trong giờ phút giao thừa. Lúc đó Đài Tiếng nói Việt Nam rời Hà Nội để tiếp tục phát sóng phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp và được chuyển đến địa điểm sơ tán đầu tiên ở Hang Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chúng tôi có dịp gặp gỡ TS.Chu Đức Tính người cán bộ đã dành phần lớn cuộc đời mình để tìm hiểu về Bác. Trong những ngày cuối năm được cùng ông đến di tích lịch sử này, đứng tại vị trí mà cách đây 75 năm Bác đọc bài thơ Chúc Tết đồng bào năm ấy để nghe ông kể về những ngày tháng cũ.

TS.CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh:Rất may mắn tôi đã nhiều lần được về đây cùng đồng chí Vũ Kỳ là thủ trưởng trực tiếp của tôi và là thư ký của Bác Hồ, đồng chí Vũ Kỳ rất ấn tượng về đêm giao thừa đưa Bác đến Đài Phát thanh để đọc bài thơ chúc Tết năm ấy.  Sau khi họp Hội đồng Chính phủ xong, khoảng hơn 10h đêm, đường mưa trơn, lầy lội nhưng rất may là xe an toàn, đến nơi sắp đến giờ khắc giao thừa, Bác đến ngay đây và vào ngay phòng thu âm để đọc lời chúc đầu xuân năm mới tới đồng bào, chiến sĩ cả nước, bài thơ chúc Tết mà đến bây giờ đồng bào cả nước nhiều người rất nhớ và đọc bài thơ này, Bác ân cần chúc Tết cán bộ Đài, sau khi thăm hỏi đồng bào xong rồi sau đó đồng chí Trần Lâm dâng lên Bác hai tờ giấy hồng điều để Bác viết lên đó 2 câu: Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành. Sau đó sư cụ nhà chùa và  chú tiểu dâng quà, bác vui vẻ nhận và trao lại cho các đồng chí. Và cũng Bác không để người ta buồn vì không nhận quà nhưng nhận xong Bác lại chia cho các cán bộ ở Đài cùng thụ lộc.

Cách giao thừa Đinh Hợi (Đêm 21/1/1947) 1 tháng trước, đêm 19/12/1946 cũng tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sáng hôm sau, lời kêu gọi của Người được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Và từ đây cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bắt đầu, bài thơ là sự tiếp nối “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Người. Như một lời kêu gọi bằng thơ, lời kêu gọi ấy đã cho thấy cả đường lối của cuộc kháng chiến đó là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. 

GS.TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng:Đây là bài thơ rất hay, mang tính kêu gọi, hiệu triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy hăng hái xông lên, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bài thơ để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, có giá trị trường tồn. Toàn bộ bài thơ chỉ có tám câu, câu nào cũng sắc như gươm giáo. Cùng với cờ là tiếng kèn xung trận vang vọng khắp non sông. Kèn kêu gọi nhân dân ta vào cuộc chiến đấu, thúc giục bộ đội xông ra chiến trường, kèn kêu gọi binh lính địch hãy quay súng về với nhân dân, cùng nhân dân chiến đấu chống kẻ thù chung. Mặc dù cuộc kháng chiến có gian khổ đến đâu. Chí đã quyết, lòng đã đồng, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Sức mạnh ấy có thể dời non, lấp biển, không một thành lũy nào của chủ nghĩa thực dân mà người Việt Nam không hạ nổi. hai câu kết, nói về kết quả sẽ đến với dân tộc ta, với non sông đất nước ta. Toàn bộ bài thơ toát lên hừng hực khí thế cách mạng tiến công của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.”

Bài thơ Chúc Năm mới của Bác Hồ có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hai câu cuối của bài thơ "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/Thống nhất độc lập nhất định thành công" đã trở thành khẩu hiệu trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Lời tiên đoán ấy của Bác cũng đã trở thành hiện thực cùng với chiến thắng vĩ đại Điện Biên phủ. Trải qua những năm dài chiến đấu gian khổ và hy sinh, cả dân tộc đã đoàn kết một lòng cùng Đảng và Chính phủ viết nên lịch sử vẻ vang cho đất nước".

GS.TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng:Bài thơ biến thành hành động cách mạng, thể hiện ở lòng quyết tâm và ý chí quật cường của một dân tộc với hào khí Đông A, thể hiện ở những việc làm cụ thể của người công nhân trong xưởng máy, người nông dân trên đồng ruộng, người chiến sĩ trên chiến trường, phản ánh ở những chiến công qua từng trận đánh”. 

Tết năm Đinh Hợi, lời thơ đầy khí thế và niềm tin tất thắng ấy vang vọng cả non sông. Nhưng Tết năm ấy là Tết đầu tiên của kháng chiến, công việc bộn bề, Bác làm việc ngay đến giờ khắc cuối cùng của năm cũ và Bác đã đón Tết mà không có Tết. Trang nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ có viết: “Tết ở đâu chứ chỗ mình 30 Tết vẫn chưa thấy Tết, vẫn ngày hai bữa cơm độn sắn. Chiều nay mấy anh em tiếp tục đào hầm tránh máy bay rồi ra sông Tích tắm”. 

Đây là Tết. Chiều 30 Tết Bác đi dự họp Hội đồng Chính phủ rồi đến Đài Phát thanh để chúc năm mới Đinh Hợi đúng vào lúc giao thừa.

TS.CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh:Chính tại phủ đường này đồng chí Vũ Kỳ đã kể chuyện rất hay về đêm họp Chính phủ mở rộng vào đêm giao thừa, khoảng 9h tối Bác Hồ mới đến đây vì trên đường đến thì xe ô tô chở Bác đường trơn lầy nên sa xuống ruộng, các anh em vào làng nhờ dân khiêng xe cho Bác và Bác nói luôn là ngay cả việc đến đây mà dân không khiêng xe cho thì cũng không đến được cho nên chúng ta thiếu dân thì không làm được gì cả”. 

Ông NGUYỄN VŨ HÁN - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội:Tôi cũng có 12 năm công tác tại phòng văn hoá, tiếp cận với tư liệu quý thì thấy rằng người dân Quốc Oai rất tự hào được đón Bác về đây. Tết năm Đinh Hợi 1947 Bác đã chủ trì trước khi có chỉ đạo lên Việt Bắc kháng chiến lâu dài. Tại phủ đường cũ, trước lúc lên Hang Trầm đọc thơ Chúc Tết, đến nay lịch sử Quốc Oai còn ghi lại để đưa vào trong lịch sử địa phương để con em Quốc Oai học và biết để tự hào về điều này”.

TS CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh:Khi cuộc họp bắt đầu thì Bác đi bắt tay cụ Bùi Bằng Đoàn và Linh mục Phạm Bá Trực, Bác vui vẻ nói trời mưa rét thế này mà hai cụ đến được đây là cuộc họp thành công rồi. Sau khi chúc Tết các thành viên Hội đồng Chính phủ và hai cụ đại diện cho Ban Thường trực Quốc hội, Bác tóm tắt tình hình chiến sự đã diễn ra ác liệt ở HN khi mà nhân dân ta và Trung đoàn thủ đô đang kiên quyết giành giật từng góc nhà, từng góc phố với quân viễn chinh Pháp. Sau đó Bác gợi ý với Chính phủ những công việc hết sức cấp bách nhất lúc này, một là tổ chức tốt vấn đề tản cư cho nhân dân, thứ hai là tổ chức tốt việc động viên nhân dân, thứ 3 là phải tổ chức việc tăng gia sản xuất để phục vụ kháng chiến lâu dài. Chúng ta bình thường lúc này đang sum họp gia đình rồi, Bác 60 tuổi vẫn lặn lội đi lo việc nước, những hình ảnh đó ghi đậm trong lòng mỗi thành viên Chính phủ càng thêm tin yêu, càng thêm mến phục vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta”.

Ông NGUYỄN VŨ HÁN - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội:Trong những ngày kỷ niệm, huyện tổ chức mít tinh lớn tại sân vận động huyện truyền thanh trực tiếp cho nhân dân nghe, và cũng tổ chức rước đuốc từ Phủ đường Quốc Oai, mỗi lần như thế ôn lại truyền thống và là hội nghị quan trọng để góp phần quan trọng cho cuộc kháng chiến, mỗi lần như vậy là để nhắc nhở thế hệ mai sau biết lịch sử, tri ân công đức Bác Hồ đối với cách mạng Việt Nam”.

Kế hoạch về cuộc họp Chính phủ mở rộng và bài thơ chúc Tết năm Đinh Hợi đều được Bác Hồ chuẩn bị ở ngôi nhà mà Bác đã sống trọn vẹn trong những ngày Tết Đinh Hợi tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Những ký ức này được ghi khá cẩn thận trong cuốn nhật ký của thư ký của Bác là đồng chí Vũ Kỳ và sau này được nhiều người ghi nhớ. 

Ông KIỀU CAO CHÍ - Nguyên Trưởng ban Tuyên huấn huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội:Bác Hồ đã ở từ ngày 13/1/1947 đến ngày 2/2/1947. Trong đoàn Bác với danh nghĩa là đoàn Sơ tán từ Hà Nội về, trong đoàn có 10 người, 8 người là nam, 2 người nữ, trong 8 người ấy sau này được biết là có bác Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, bác Trường Chinh là cùng với Bác về ở tại ngôi nhà này. Bên ngoài dân cũng chỉ biết là dân Hà Nội sơ tán về đây”.

TS.CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Tại ngôi nhà của cụ Nguyễn Đình Khuê Bác đã sống ở đây trọn Tết Năm Đinh Hợi, tính ngày âm là từ ngày 22 chạp năm Bính Tuất đến ngày 2 tháng Giêng năm Đinh Hợi. Bác đã dặn các đồng chí phục vụ tổ chức tốt phiên họp tất niên của Hội đồng Chính phủ. Trong nhà trưng bày này đang lưu lại thư Bác viết cho đồng chí Hoàng Hữu Nam, anh là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, lo toàn bộ việc cho Chính phủ. Bác viết như thế này, trước ngày 29 Bác tổ chức cuộc họp khuếch đại, tức là mở rộng đấy, phải có cụ Bùi Bằng Đoàn, chú Phan Anh, Cha Phạm Bá Trực.  Chương trình nghị sự thì Bác viết là ý chú thế nào cho biết, nhưng ý Bác là khai trương phải sau 6h chiều để tránh máy bay ném bom. Thứ 2 là tại Phủ Quốc Oai, phải giữ bí mật. Chú nhớ tìm xe chở các cụ dự họp. Canh gác cẩn thận, Sắp xếp chương trình nghị sự, nếu có thể thì sắm lấy mấy con gà quay hoặc luộc, một ít xôi và ấm nước chè gọi là Tết của Chính phủ. Một cái Tết hết sức giản dị của cơ quan đầu não của đất nước ta. Bác chỉ nói là nếu có thể chuẩn bị vài con gà luộc, đĩa xôi, nước chè. Tết Chính phủ đạm bạc như thế đấy.”

Chị NGUYỄN THỊ LUỸ (Chắt cụ Nguyễn Đình Khuê) - Hướng dẫn viên Nhà lưu niệm Bác Hồ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội:Bút tích chỉ đạo cuộc kháng chiến của Bác còn lưu ở đây, Bác nói về động viên dân chúng, nên thêm câu này cho có phần dễ hiểu, vì địch muốn đánh mau như lửa, ta phải kéo dài như nước, dùng nước chống với lửa thì ta chắc thắng. Những người danh vọng trong mỗi giới phải đứng ra kêu gọi giới mình và các cụ khác ....cần phải nói rõ hạng người nào nên giúp kháng chiến thế nào...phụ nữ thì có thể giặt áo, vá áo...Về tản cư thì phải nói ...Tuy chỉ một trang giấy nhưng Bác tổng hợp rất đầy đủ các vấn đề".

TS.CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: Tại đây Bác cũng chuẩn bị bài thơ chúc Tết, Bài thơ đó Bác đã đọc cho Chính phủ nghe trước lúc về đọc ở Chùa Trầm. Khi Bác về chùa Trầm bác đọc chúc Tết xong thì trên đường về xe Bác lại sa xuống ruộng. Và như vậy là mấy lần xe sa xuống ruộng, đến lần cuối sau khi từ chùa Trầm về, nửa đêm qua giao thừa rồi, lúc đó anh lái xe phải ngủ lại, Bác lội bộ khoảng 2km nữa mới về đến đây, khi về đến nơi đã hơn 3 giờ sáng rồi, nhưng Bác chưa đi ngủ ngay, Bác còn ngồi làm việc, còn nghe anh Vũ Kỳ đọc hai bài của nhà báo Bút Biên, sau đó Bác làm việc đến 5 giờ mới đi nghỉ và 7h sáng Bác lại dậy làm việc như thông lệ, sáng 1 Tết, Bác phân công các đồng chí ở cùng Bác cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đi sang chúc Tết cụ chủ nhà, và Bác tự tay lấy giấy hồng điều và Bác tự tay nắn nót viết 4 chữ Cung chúc Tân xuân để cho các anh ấy mang đi chúc Tết cho gia đình cụ Nguyễn Đình Khuê. Bác phân công cho đồng chí đi chúc Tết, Bác phân công mọi người đi ăn Tết còn Bác và đồng chí Vũ Kỳ ở nhà. Bữa trưa của Bác là vẫn là cơm độn sắn, bát canh rau cải, miếng thịt lợn rim chúng ta hay làm, mùng 1 Tết của một lãnh tụ giản dị như thế đấy các Bác ạ!”.

Chị NGUYỄN THỊ LUỸ (Chắt cụ Nguyễn Đình Khuê), Hướng dẫn viên Nhà lưu niệm Bác Hồ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội:Là người trông coi và hướng dẫn ở đây thì cũng rất xúc động khi đọc cuốn nhật ký 19 ngày đêm làm việc của Bác. Trong những ngày Tết thì gia đình cụ chủ nhà có mời Bác sang ăn Tết nhưng Bác cũng từ chối khéo và cử một số anh em sang chúc Tết gia đình, chị Tính sang cũng nói cụ già bị mệt, cụ cử chúng con sang chúc Tết gia đình”.

TS CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Ông Vũ Kỳ gọi là Tết khênh xe, vì 9 giờ tối ông Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Võ Nguyên Giáp đến làm việc với Bác bên bếp lửa cho đến 1h sáng, còn ông Vũ Kỳ và các đồng chí phục vụ lại làm nhiệm vụ đi khênh xe cho các đồng chí bị sa xuống ruộng. Còn trong đêm đông giá lạnh đó đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Võ Nguyên Giáp đang trao đổi những công việc hết sức quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước, đến 1h sáng thì các đồng chí mới chào Bác ra về. Sáng hôm sau mùng 2 Tết BH đã viết thư cho giám mục Lê Hữu Từ. Những ngày Tết của Bác diễn ra như thế, sau đó thì Bác làm việc như bình thường viết sách, đọc tài liệu, trực tiếp trả lời các yêu cầu từ các nơi báo cáo về, đến 12 tháng giêng mới rời đây đi”.

Chị NGUYỄN THỊ LUỸ (Chắt cụ Nguyễn Đình Khuê) - Hướng dẫn viên Nhà lưu niệm Bác Hồ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội:Trong những ngày ở Cần Kiệm, máy bay bắn phá nhiều, nghe các cụ kể lại và bác Nguyên Thuỷ ghi lại. Sau 24 năm, Bác về Cần Kiệm là lúc đó máy bay bắn phá nhiều, gia đình cụ Khuê cùng một số bác về cùng tản cư có đào hầm kiên cố và ăn sâu vào tận trong nhà, thì ông cụ chính là Bác mỗi lần tránh máy bay cứ ngồi xổm, người vợ của cụ Khuê cảm động. Lúc về thì chỉ có cụ Khuê và con trai cả của cụ biết đó là Bác Hồ, …guốc mộc, áo nâu quần vải, già rồi mà vì đất nước mà đi tản cư như thế thì thương và mang cho Bác 1 chiếc ghế để mỗi lần tránh máy bay cho Bác ngồi thì Bác cảm động và nói là dưới hầm mà để như vậy thì mối hỏng hết nên Bác lại cắp nách mang lên.”

BÀ TẠ THỊ LẠM - Cháu dâu ông Tạ Đình Khuê:Tôi về làm dâu thì cũng không rõ cho lắm, cụ tôi thuật lại là Bác về đây bí mật, hàng xóm không ai biết, chỉ cụ nhà tôi và ông chồng tôi biết. Cụ tôi bảo là cụ tôi kể là có bà Tính về đi chợ với cụ nói đấy là con dâu ở ngoài Hà Nội về nhà quê đi chợ xách làn cho cụ. Nhà tôi ở ngay đây, có lỗ nẻ thì ngó chỉ biết có cụ quần nâu áo vá tập thể dục tưới rau rửa mặt chứ không biết Bác Hồ, có tặng 4 chữ nho kia, lúc đi thì cụ bảo là chúc mẹ ở nhà mạnh khoẻ và vận động con cháu cố gắng gìn giữ hoà bình.

Ông KIỀU CAO CHÍ - Nguyên Trưởng ban Tuyên huấn huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, cháu vợ ông Nguyễn Đình Khuê: Thực hiện lời hiệu triệu của Bác, xã Cần Kiệm lúc đó 2500 dân thì đã có tới hàng trăm người tham gia vào bộ đội, du kích, chiến đấu của địa phương và kết quả trong kháng chiến chống Pháp là đã có 32 liệt sĩ, ngay ngôi nhà này gia đình cụ Nguyễn Đình Khuê, có bác Kỳ là Bí thư Chi bộ lúc bấy giờ sau đó đến tháng 10 năm 47, một đợt càn quét của giặc Bác Kỳ đã hy sinh, con trai của 3 bác là bác Kỳ, bác Quỳnh bác Thành đều tham gia kháng chiến chống Pháp và sau đây vào tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ bác Quỳnh, bác Kỳ đều vào miền Nam chiến đấu, ngay gia đình cụ Khuê đã có cống hiến và thực hiện lời kêu gọi của Bác. Cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhân dân Cần Kiệm cũng đã thực hiện lời kêu gọi của Chính Phủ tới hơn 600 bộ đội đi tham gia xẻ dọc trường sơn ra mặt trận, 110 liệt sĩ chống Mỹ cứu nước, 35 thương binh, 51 bệnh binh, 65 người bị nhiễm chất độc da cam, 18 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện nay phong trào của cần kiệm kế tiếp truyền thống ấy cũng có nhiều bước phát triển mạnh mẽ”. 

TS.CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh:Tại ngôi nhà này tôi đã ít nhất 3 lần về cùng đồng chí Vũ Kỳ về ngôi nhà này rồi. Ông Vũ Kỳ nhớ nhiều việc lắm, khi về lại chỗ cũ ông nhớ lại nhiều việc và ông ấy còn mang lại bản Nhật ký đọc cho chúng tôi nghe từng ngày 1, phải nói là ông Vũ Kỳ chúng tôi vẫn nói vui là một người làm nghề bảo tàng, khi làm thư ký Bác Hồ ông cẩn thận ghi từng ngày cho nên chúng ta mới có từng ngày từng giờ như bây giờ, chứ nếu không chúng ta nhớ thế nào được”. 

Khi khôi phục lại nhà lưu niệm này chúng tôi đã tìm lại được cái ang đựng nước của gia đình, cái thau mà gia đình cho đưa cho Bác dùng trong những ngày Bác ở đây, còn Bác đi kháng chiến Bác chỉ có 1 balo gọn gàng thôi, quan trọng nhất là máy chữ và một vài bộ quần áo còn đến nơi thì Bác mượn đồ của gia đình, đây là những đồ mà gia đình đã cho Bác mượn và chúng tôi đã sưu tầm lại được

Tại Cần Kiệm, trong những ngày Tết, Bác cũng đã viết thư cho các chiến sĩ Quyết tử Quân Thủ đô. Bức thư có đoạn: Các em ăn tết thế nào, tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên không ai nỡ ăn Tết. 90% đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90% mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến. Các em là đội cảm tử, các em cảm tử để cho tổ quốc quyết sinh. 

Và có lẽ vì vậy, Bác đã đón Tết đúng như những lời chia sẻ với các chiến sĩ cảm tử ngày ấy. Bác và các nhân viên của Chính phủ đã có những ngày Tết như thế, không có một giờ nào là Tết cho riêng mình.

Trở về với nhà lưu niệm của Bác Hồ hôm nay, lắng nghe những câu chuyện cũ, đã có biết bao nhiêu cảm xúc đối với những người làm chương trình như chúng tôi. Và chúng tôi, đã không dùng lời bình để để nói những cảm xúc ấy mà chỉ muốn ghi lại chân thực những câu chuyện về Bác, để mỗi người sẽ có được những cảm nhận của riêng mình, giống như những người đã từng được biết, được nghe vậy.

Bà NGUYỄN THỊ TÌNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh:Khi mới về Bảo tàng Hồ Chí Minh được theo các đồng chí phục vụ Bác rất nhiều, đi lại chặng đường kháng chiến của Bác và đặc biệt là cái Tết đầu tiên kháng chiến của Bác, ở ngay tại nhà lưu niệm ở xã Cần Kiệm này. Kể những câu chuyện đó, chi tiết đó để mọi người có cảm xúc như thế nào tôi không biết nhưng với tôi tuy rằng không được chứng kiến những cảnh đó, chỉ nghe kể lại thôi thì thấy cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta vĩ đại, khó khăn vất vả như thế nào, người lãnh đạo đã quyết tâm như thế nào để kháng chiến thành công và trong bối cảnh đó lời thơ của Bác lại vang lên”. 

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng

Những cảnh đó, những câu chuyện đó sẽ đem đến cho người dân chúng ta mỗi niềm tự hào vô hạn đối với Bác Hồ, đối với cuộc kháng chiến của dân tộc và cũng là niềm hạnh phúc của chúng ta được hưởng nhờ có những ngày gian khổ đó của Bác của các đồng chí lãnh đạo, của toàn dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Và có lẽ như trong những trang viết nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ. "Tết lưu luyến ở đâu chứ chẳng phải ở đây nhất là lúc kháng chiến. Bác Hồ đã trải gần 60 mùa xuân nhưng có lẽ chẳng mấy khi được hưởng Tết. 

Kháng chiến quả là vất vả và còn vất vả nhiều, nhưng hàng ngày trông thấy Bác Hồ cặm cụi làm việc, nhớ đến lời thơ chúc Tết Bác đọc ở Đài Phát thanh trong hang chùa Trầm lại thấy dồi dào sức mạnh để vượt qua tất cả mọi khó khăn"

Đất nước đã đi qua 75 mùa xuân kể từ đêm giao thừa Tết Đinh Hợi, Bác Hồ kính yêu cũng đã có thêm rất nhiều ngày Tết, đều là những ngày Tết đạm bạc và giản đơn như vậy. Mỗi năm Bác lại có thêm một bài thơ chúc Tết mà mỗi vần mỗi chữ đều để lại những lời nhắc nhở, kêu gọi hiệu triệu toàn dân, nhưng Tết Năm Đinh Hợi, Tết kháng chiến đầu tiên của Bác vẫn để lại những cảm xúc đẹp trong lòng những người biết và nhớ đến. Và  bài thơ chúc Tết của năm đầu kháng chiến ngày ấy vẫn còn vang vọng mãi.  

Mùa xuân đất nước hôm nay, chúng ta còn phải chiến đấu với đại dịch Covid-19. Khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều nhưng như lời thơ của Bác, nếu chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng thì nhất định sẽ thành công để chiến thắng đại dịch, thành công để đưa đất nước Việt Nam bước vào giai đoạn mới, để xây dựng Việt Nam tươi đẹp hơn, đàng hoàng hơn. 

Phan Xanh