Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Hội đồng Dân tộc để triển khai các nội dung phục vụ cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã rất quan tâm và có ý kiến liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo báo cáo tại hội nghị thì tăng trưởng kinh tế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi thấp, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Tiến độ triển khai 03 chương trình mục tiêu Quốc gia còn chậm; công tác ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và phân bổ vốn cho 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia chưa kịp thời; việc áp dụng chính sách đối với các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 còn nhiều bất cập; điều kiện sống và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức, người lao động công tác tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chế độ đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, người có uy tín còn thấp.
Bà CAO THỊ XUÂN, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội: “Các chính sách dân tộc như chúng ta đều biết kết thúc từ năm 2020 rồi và chỉ còn một số ít chính sách dân tộc chúng ta đang chuyển tiếp, hiện nay chúng ta đang thực hiện thôi. Như vậy tạo một khoảng trống rất xa, năm 2021, năm 2022 rồi cho đến bây giờ chưa thực hiện. Thực sự bây giờ chúng ta cảm thấy có lỗi, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ.”
Cũng tại hội nghị, đại biểu Nàng Xô Vi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum mong muốn các chính sách dân tộc cần được quan tâm đến các vấn đề có quy mô nhỏ để đầu tư có hiệu quả hơn.
Bà NÀNG XÔ VI, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: “Tôi thấy là như phương án liên quan đến giáo dục, y tế, hoặc dân cư chúng ta nên chia ra quy nhỏ rồi chúng ta sẽ thấy rõ hơn. Mỗi lần đi giám sát tôi thấy tập trung rất nhiều các vấn đề liên quan khác nhau như thế chúng ta khó đi hết cụ thể hơn nữa. Thứ 2 là ngoài cái vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc thì chúng ta nên quan tâm tới bảo tồn dân tộc. Bởi vì chúng tôi thấy một số dân tộc khác họ quên luôn tiếng dân tộc của mình. Như dân tộc tôi thì một số văn hóa đã quên đi và làm cho tôi thấy rất là đáng buồn.”
Những tồn tại hạn chế nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan do bối cảnh thế giới và trong nước còn có nguyên nhân chủ quan là do một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức tại trung ương và địa phương chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của một số cán bộ, công chức còn hạn chế trong việc tham mưu xây dựng văn bản hướng dẫn và giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và triển khai thực hiện các chính sách dân tộc; Một số bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng đúng mức vị trí, vai trò của công tác dân tộc trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội; Quy định về công tác, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn chưa phát huy tính chủ động, thiếu chặt chẽ.