Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Giám sát không phải “bới lông tìm vết”

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 6/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn giám sát “ việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, đã làm việc với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, giám sát không phải “bới lông tìm vết” mà để xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở đó phát hiện những vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; các quy định trong một số lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo. Đây là mục tiêu cao nhất của Đoàn giám sát.

Báo cáo của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí minh cho thấy, giai đoạn từ 2016-2021, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn ra nhiều và phức tạp hơn so với giai đoạn trước. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai với tỷ lệ khoảng 65%, liên quan tới công tác quy hoạch, thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Về kết quả tiếp công dân, toàn thành phố đã tiếp 220.491 lượt/212.820 vụ việc. Toàn Thành phố đã tiếp nhận 183.677 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, trong đó đơn đủ điều kiện xử lý là 148.226 đơn. Đã giải quyết 5.053/5.343 đơn khiếu nại đủ điều kiện thụ lý (đạt 95%); 718/746 đơn tố cáo đủ điều kiện thụ lý (đạt 96%).

Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của Thành phố, tuy nhiên nhận thấy, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của riêng UBND Thành phố thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn Thành phố. Vì vậy, đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân của tình hình này, biện pháp, giải pháp khắc phục. Vấn đề tiếp công dân của người đứng đầu cũng là vấn đề rất đáng “báo động”.

Các ý kiến cũng chỉ ra, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị được nêu trong Báo cáo chủ yếu liên quan đến quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, về tố tụng mà chưa chỉ ra được nhiều bất cập của pháp luật về nội dung, như về đất đai, thi hành án dân sự… đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo. Do đó, đề nghị tiếp tục bổ sung làm rõ để Đoàn Giám sát có cơ sở kiến nghị việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật.

Dương Dung