Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Tiết kiệm của ngành giao thông chính là tiết kiệm “máu” cho nền kinh tế

Chiều 19/8, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” làm việc với Bộ Giao thông Vận tải. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Về phía cơ quan chịu sự giám sát, có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát cho rằng, là bộ chuyên ngành sử dụng vốn ngân sách Nhà nước lớn trong đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các công trình trọng điểm, các dự án cấp bách. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều trong tình trạng  chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, làm giảm hiệu quả dự án, lãng phí nguồn lực.

Ông LÊ SỸ BẢY, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: “Căn nguyên chính và lớn nhất là mặt cơ chế. Ví dụ cơ chế về giải phóng mặt bằng. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến các dự án nhất là các dự án giao thông vận tải."

Ông NGUYỄN VĂN THỂ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Chúng tôi đã nhận diện ra nguyên nhân, để ngay từ khâu lập dự án, từ khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng....Trong những năm gần đây thực hiện rất tốt nhưng cũng rất cực, thực hiện dự án đầu tư công đầu năm bố trí tiền, cuối năm giải ngân mà phải triển khai toàn bộ các thủ tục trong đó có những dự án đầu tư mới thì phải thực hiện lập dự án, thiết kế, đấu thầu…”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan tham mưu Chính phủ liên quan đến nhiều nhiệm vụ, nhiều vấn đề là xương sống của nền kinh tế. Giao thông là mạch máu của đất nước, và việc thực hiện tiết kiệm chống lãng khí của ngành giao thông chính là tiết kiệm “máu” cho nền kinh tế.  Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải khắc phục hạn chế, tạo chuyển biến ngay về mọi mặt trong quá trình giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Những gì đã rõ thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ có những nội dung Bộ đã làm thì tiếp tục chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát. Những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền thì đề nghị có danh mục các vướng mắc trong chỉ đạo thực hiện kiến nghị cụ thể vướng gì, vướng chỗ nào, thuộc trách nhiệm của ai".

Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Tổ công tác của đoàn giám sát nhanh chóng hoàn thiện sớm báo cáo trước ngày 25/8, trong đó báo cáo phải được lượng hoá, định lượng đầy đủ từng lĩnh vực. Bổ sung cách làm hiệu quả, đánh giá đúng các tồn tại hạn chế, nêu rõ ưu khuyết điểm của từng lĩnh vực của ngành theo đúng phạm vi của  Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Văn Thắng