Phó Thủ tướng khảo sát mỏ cát phục vụ san lấp cao tốc Bắc - Nam

Cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau thiếu nguồn cát đắp nền đường, công tác giải phóng mặt bằng hiện cũng thực hiện rất chậm và khó khăn… Cần cấp bách bổ sung nguồn cát cho cao tốc Bắc - Nam qua miền Tây.

Đây là nội dung trọng tâm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Chính phủ tại buổi làm việc các tỉnh ĐBSCL về nguồn vật liệu phục vụ các dự án hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm. 

Bộ GTVT cho biết hiện nay trên địa bàn khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư 8 dự án cao tốc và 5 dự án nâng cấp, mở rộng, xây mới các quốc lộ và cầu trên quốc lộ, với tổng mức đầu tư khoảng 112.600 tỷ đồng. Đến nay cơ bản đảm bảo nhu cầu nguồn cát để triển khai. Riêng 2 dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau tổng nhu cầu 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung. Bộ GTVT đã đề nghị tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp bố trí 7 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3 cho dự án. Đến nay, các địa phương đã có chủ trương bố trí khoảng 3 triệu m3 đạt 16% nhu cầu. 

Tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải xác định nhu cầu cát phục vụ cho việc thi công các tuyến cao tốc dọc, ngang của khu vực ĐBSCL. Trên cơ sở đó, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tính lại toàn bộ khối lượng cát cần sử dụng và phân bổ khai thác. Các bước đánh giá thủ tục phải làm rất nhanh, trong đó phải ưu tiên cung ứng cát cho các công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án cao tốc.

Hiện Bộ GTVT cũng đang chủ động chỉ đạo triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục, sẽ triển khai thi công thí điểm vào ngày 15/3/2023, tiến hành quan trắc đến tháng 11/2023 và có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.  Vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các Dự án chủ yếu vẫn là cát sông.

Xin mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Chí Điển