Phòng, chống bạo lực cho người cao tuổi - bổ sung "tốt" trong bảo vệ người yếu thế

Theo thống kê, mới nhất chỉ có khoảng 43,6% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Như vậy, phần lớn người cao tuổi tại Việt Nam chưa có nguồn an sinh ổn định. Các cơ sở dữ liệu về thực trạng ngược đãi người cao tuổi và các chương trình, dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi còn rất hạn chế.

Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, có 15,7% người từ 60 tuổi trở lên đã phải chịu ngược đãi dưới một hình thức nào đó, tương đương cứ khoảng 5 người cao tuổi (NCT) lại có 1 người bị ngược đãi. Các bằng chứng còn cho thấy tình trạng ngược đãi và bỏ mặc NCT có xu hướng gia tăng trong thời gian đại dịch Covid-19. Tuy vậy, chỉ có khoảng 4% các vụ việc được báo cáo và ghi nhận.

Luật sư BÙI ĐÌNH ỨNG - Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng:Chính sách đặc thù cho NCT đã có luật NCT còn hành vi bạo lực gia đình với NCT lại được điều chỉnh bởi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trên thực tế, các chính sách về người cao tuổi, thậm chí người khuyết tật chưa thiết thực thì khi sửa Luật phòng, chống bạo lực gia đình nên đưa chính sách vào để rõ ràng".

Sau 13 năm thi hành, việc sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là hết sức cần thiết. Nhiều đại biểu cho rằng, cần quy định rõ hơn về các vụ bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực với người yếu thế, người lớn tuổi. 

Ông ĐỖ HUY KHÁNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Hiện nay, bạọ lực gia đình không chỉ với phụ nữ, đàn ông, trẻ em mà còn 1 đối tượng yếu thế nữa trong xã hội nữa là người già. Chúng ta thường thấy, các phương tiện thông tin đại chúng có đưa hình ảnh, thông tin về người lớn tuổi, bậc cha mẹ bị con cái bạo hành trong gia đình. Nên tôi thấy trong Dự thảo Luật lần này đưa nội dung về chống bạo lực cho người cao tuổi sẽ là điều rất tốt”.

Bà HOÀNG THỊ THANH THÚY - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Trước hết phải quan tâm đến chính sách việc làm cho người già. Phải tính đến việc làm cho người già để họ không phụ thuộc vào con cháu và có thể tự lực trong giai đoạn bước qua tuổi 60 trở đi. Ngoài ra, để ngăn chặn bạo lực gia đình, đặc biệt của con cháu với người cao tuổi, phải có sự can thiệp, giúp đỡ kịp thời tại địa phương. Đấy là những giải pháp góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi".

Phòng chống bạo lực gia đình nói chung và ngược đãi người cao tuổi nói riêng đòi hỏi phải có sự lên tiếng và chung tay của toàn xã hội. Do vậy việc sửa đổi, bổ sung và thông qua luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần phải có những chính sách đặc thù để bảo vệ nạn nhân yếu thế, nhất là nhóm đối tượng người cao tuổi.

Thanh Hải