Phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội trong đại dịch Covid-19

Kiến nghị với Quốc hội sớm Ban hành Nghị quyết chung về công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành nhất là trong tình hình dịch Covid-19... đó là nội dung hội thảo hôm 1/4 tại thành phố Cần Thơ, do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh Covid-19.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, số ca nhiễm HIV năm 2021 trên 242.000 người, tử vong gần 2.000 trường hợp. Như vậy, so với năm 2020, số người nhiễm HIV được phát hiện có xu hướng gia tăng. Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm HIV, vì vậy con số này có thể cao hơn. Theo nhiều đại biểu, vấn đề không để tái nghiện cần được quan tâm đào tạo nghề cho các đối tượng.

Thượng tá NGUYỄN VĂN CÔNG - Phó phòng Cảnh sát hình sự, tỉnh Tiền Giang: Bây giờ các doanh nghiệp trên địa bàn đào tạo theo đơn đặt hàng theo sở trường rồi 12 tháng sau, khi cắt cơn nghiện thì người ta phải có nghề.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đề xuất các vấn đề khó khăn trong thanh toán các chi phí cho điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế và đối với các đối tượng không có bảo hiểm y tế; bên cạnh đó, đề nghị xem xét lại bố trí cho phù hợp các đơn vị quản lý.

Ông NGUYỄN THANH XUÂN - Đại biểu Quốc hội, Khóa XIV: Ta cũng phải tính tới chuyện nhạy cảm là ghép vô phòng chính sách người có công là không phù hợp vì vậy Ủy ban chúng ta nên tính toán lại với Bộ LĐTB-XH về vấn đề này nếu không gỡ được thì phòng chống tệ nạn xã hội là một điểm nghẽn.

Bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao, ghi nhận đầy đủ các ý kiến, tham luận sâu sắc, mang tính chất thực tiễn và những bất cập hiện nay trong việc thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội mà các chuyên gia, các đại biểu dự hội  thảo đã trình bày, trao đổi.

Công Tràng