Phòng, chống rửa tiền nhưng lại không đưa tiền ảo, tài sản ảo vào luật?

Việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những yếu tố then chốt, thúc đẩy công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung, đặc biệt trong việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về tham nhũng, rửa tiền.

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành sửa đổi dự án luật. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Cơ quan soạn thảo phân tích kỹ hơn về tính cấp bách, các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo quy trình một kỳ họp.

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, tại Việt Nam hiện nay, hoạt động mua bán tiền ảo, tài sản ảo đang diễn ra hết sức sôi động. Cùng với đánh bạc online, đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn. Dự thảo Luật phòng chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này, vì vậy cơ quan soạn thảo cần lường trước, nghiên cứu không để, tiền ảo, tài sản ảo “lọt lưới”

Ông DƯƠNG VĂN PHƯỚC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: "Tiền ảo tài sản ảo. Rửa tiền đánh bạc quy mô lớn, vẫn lọt lưới. Mà còn đảm bảo an ninh tài chính trong nước không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền."

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TPHCM) cũng cho rằng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) lần này cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, với các quy định trong dự thảo luật, cơ bản kiểm soát dòng tiền giao dịch qua kênh ngân hàng, nhưng thực tế có những giao dịch tiền mặt, đặc biệt liên quan bất động sản thì dựa vào công cụ nào, căn cứ nào, hành lang pháp lý nào có thể ngăn chặn hành vi rửa tiền.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng việc quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị cho các đối tượng báo cáo là không phù hợp mà nên giao cho Chính phủ quy định việc xác định khách hàng nào là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị và phải trên cơ sở tiêu chí được quy định công khai minh bạch.