Phòng tránh trục lợi chính sách ưu đãi cho hợp tác xã

Sáng 30/5, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam tổ chức hội thảo công bố nghiên cứu một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Nhóm nghiên cứu chỉ rõ, HTX là mô hình có thể vận hành hiệu quả khi các thành viên đạt tới sự dân chủ cao, quy chế công khai, minh bạch… Thực tế cho thấy, tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 30 nghìn HTX, doanh thu tăng bình quân 5,6% so với năm 2021, cho thấy hoạt động của các HTX dần khẳng định vai trò trong nền kinh tế. Dù vậy, việc huy động vốn góp, tiếp cận tư liệu và nguồn lực sản xuất… của HTX còn nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều HTX hoạt động không hiệu quả dẫn tới giải thể. Những vấn đề này đang được gõ khó trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét.

Các chuyên gia cho rằng, lần sửa Luật này cơ bản tăng tính linh hoạt của khu vực HTX nhằm gia nhập thị trường thuận tiện hơn; được ưu đãi rõ ràng hơn, nhất là về chính sách thuế, tiếp cận vốn vay, cơ chế tổ chức. Mục tiêu của HTX là có những HTX lớn mạnh dựa trên mở rộng thị trường và ảnh hưởng của HTX với cộng đồng. Tuy nhiên, cần phòng tránh, ngăn chặn khuynh hướng lợi dụng chính sách ưu đãi cho khu vực KTX để trục lợi (như việc chuyển nhượng vốn góp cho thành viên bên ngoài cần quy định rõ); khuynh hướng phân phối theo vốn (tư bản) lấn át phân phối theo lao động, làm lu mờ bản chất của HTX. Bên cạnh đó, điểm mới của dự Luật là việc kiểm toán định kỳ, thực hành dân chủ trong các tổ chức thuộc khu vực kinh tế tập thể cần được tôn trọng và phát huy.

Hà Lan - Đức Minh