Phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch: Cần quyết tâm đặc biệt để giải quyết dứt điểm những tồn đọng

1/6, Quốc hội đã dành toàn bộ ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Trong năm 2021 đã có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Trong những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Tăng trưởng kinh tế GDP quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ; đây cũng là năm thứ 8 chúng ta kiểm soát được lạm phát dưới 4%; các lĩnh vực  khác như dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Đại biểu nhận định, các kết quả đạt được chính là sự khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân.

Ông HUỲNH THANH PHƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Tăng trưởng kinh tế, một chỉ tiêu mang tính tổng hợp, phản ánh tình hình kinh tế vĩ mô đ ạt mức khá cao trên 5% là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Đây là chỉ số quan trọng đánh giá niềm tin thực tế của các đối tác nước ngoài đối với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Cùng với đó, chúng ta có điều kiện để lựa chọn đối tác, công nghệ đầu tư, nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài xét cả ở diện quy mô về vốn và trình độ công nghệ.”

Bà ĐINH THỊ NGỌC DUNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Có thể nói, chưa bao giờ niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Chính phủ lại lớn lao như bây giờ, mặc dù trong những năm qua do đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng, Chính phủ và Nhân dân luôn sát cánh cùng nhau, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.”

Bà NGUYỄN THỊ YẾN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: “Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, nhiều chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tiếp lãnh đạo cấp cao của các nước chu đáo, thành công đã nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là kết quả rất trân trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.”

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát. Giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng cao, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh. Bong bóng ở một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc chậm trễ trong giải ngân đầu tư công, chậm phân bổ vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chậm triển khai các gói phục hồi kinh tế… đang là nguy cơ khiến đất nước lỡ nhịp tăng trưởng, mất đi nhiều cơ hội.

Ông TRỊNH XUÂN AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Nước ta như cơ thể mới hết ốm đang phục hồi sau tác động nặng nề của đại dịch, vừa phải căng mình để xử lý những vấn đề tồn đọng lại vừa phải triển khai một khối lượng đồ sộ các nhiệm vụ mới, cấp bách và khẩn trương, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi nhiều hơn là thời cơ và thuận lợi. Hướng phát triển là chủ đạo nhưng nền tảng có nhiều nội dung, nhiều yếu tố chưa thực sự vững chắc. Do đó, mọi diễn biến cần được theo dõi chặt chẽ, có phương án, kịch bản, giải pháp chủ động linh hoạt, kịp thời thì mới bảo đảm hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra.”

Ông TẠ MINH TÂM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Nghị quyết số 43 của Quốc hội được ban hành với khí thế thần tốc, ngày 11/1/2022, tại kỳ họp bất thường nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường chưa từng có tiền lệ. Sau đó 19 ngày, ngày 30/1/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 với 5 nhóm giải pháp trọng tâm và bố trí nguồn lực cụ thể. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 4 tháng, việc triển khai nghị quyết có cái đã đi vào cuộc sống nhưng cũng không ít nội dung còn đang trong quá trình tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan chức năng.”

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: “Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất chứng tỏ Quốc hội luôn đồng hành cùng với Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đất nước đặt ra, trong đó đáng chú ý là việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thông qua Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay Nghị quyết 43 chưa thực sự đi vào cuộc sống. đề nghị Chính phủ đánh giá, xem xét kỹ vấn đề này, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể.”

Theo các đại biểu, một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là không được lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực, cần một quyết tâm đặc biệt để xử lý hết các tồn đọng và triển khai các nhiệm vụ mới.