Phường rối cổ chuyển mình làm mới

Với tuổi đời vài trăm năm, rối nước làng Nguyễn tại Đông Hưng, Thái Bình được coi là cái nôi của nghệ thuật múa rối ở Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, múa rối làng Nguyễn vẫn đang được các thế hệ nghệ nhân truyền đời gìn giữ bằng cả tình yêu và tâm huyết của mình.

Điều đáng mừng, dù phần lớn các thành viên của phường rối là trung tuổi và cao tuổi, nhưng các nghệ nhân nơi đây luôn nỗ lực làm mới nghề rối, để phường rối cổ nơi đây có thể vận động cùng xã hội hiện đại. 

Gần 80 tuổi, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Bá Thắng là nghệ nhân cao tuổi nhất của xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Thế nhưng, ông vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Hàng ngày, ông vẫn cần mẫn sửa chữa hoặc làm mới những con rối bằng chất liệu phi truyền thống, để giúp nghề rối của làng bớt vất hơn, và giúp những nghệ nhân trong phường dễ sáng tạo hơn. Như câu chuyện của nhân vật lịch sử Phạm Ngũ Lão, sẽ được đưa vào chương trình biểu diễn của phường rối làng Nguyễn thời gian tới.

Trải qua hàng trăm năm, múa rối làng Nguyễn có tích còn, có tích mất, thế nhưng thành tựu chung nhất được thể hiện qua các tích trò của phường rối này là sự vận động không ngừng. Từ cái cũ phát triển lên cái mới, mỗi người nghệ nhân của làng sẽ đóng góp vào một phần công việc cụ thể, từ khâu kịch bản, thiết kế, sáng tạo đến trình diễn, biểu diễn. Nhờ vậy, mà phường rối làng Nguyễn dù qua bao thăng trầm vẫn luôn được nối dài sức sống.

Sân khấu múa rối Nguyên Xá những ngày không biểu diễn, dù khung cảnh có vắng lặng nhưng tinh thần nơi đây chưa bao giờ vắng lặng. Những thành viên dù trẻ hay già, vẫn đều đặn có mặt tại sân khấu này, thực hiện những công việc thường ngày của mình bằng trách nhiệm, tình yêu, nhiệt huyết và cả sự hi sinh; góp phần gìn giữ truyền thống trăm năm của phường rối được mệnh danh "cái nôi múa rối Việt Nam".

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết trong video!

Văn Thắng