Quảng Bình: Phấn đấu tạo việc làm cho 18.000 lao động trong năm 2022

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục nghìn lao động Quảng Bình trở về quê. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều lao động muốn làm việc tại địa phương. Quảng Bình đã có nhiều biện pháp, cách làm để thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy thông qua các phiên giao dịch việc làm. Địa phương này cũng phấn đấu trong năm 2022 sẽ tạo việc làm cho khoảng hơn 18.000 lao động.

Cũng như mọi năm, sau Tết, Trung tâm giới thiệu việc làm Quảng Bình lại tổ chức phiên giao dịch đầu năm. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài nên số lượng lao động mất việc làm rất lớn. Do đó, phiên giao dịch việc làm đầu năm đã thu hút hàng nghìn lao động tham gia.

Anh NGUYỄN ANH QUÂN - Phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình: “Em đang tìm kiếm việc làm trên mạng thông qua sàn giao dịch việc làm. Đây là lần thứ 2 em đến đây. Em cũng mong muốn tìm được việc làm phù hợp với mình. Em cũng đang chờ phỏng vấn để tìm được công việc phù hợp với mình. Hy vọng phiên giao dịch sáng nay em sẽ thành công.”

Theo thống kê, do dịch bệnh kéo dài đã có gần 15.000 lao động Quảng Bình trở về quê tránh dịch. Sau tết, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các nhà máy, xí nghiệp cũng đã dần hoạt động trở lại nên nhu cầu tuyển dụng cao. Trong vòng 1 tháng trước và sau Tết Nguyên Đán đã có hơn 40 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với gần 4.000 chỉ tiêu việc làm. 

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG YẾN - Nhà tuyển dụng: “Thời gian vừa rồi tôi nhận được rất nhiều phiếu đăng ký tuyển dụng vào công ty. Tôi thấy ở Quảng Bình đang có nhu cầu tuyển dụng lớn. Tôi mong muốn trong phiên giao dịch hôm nay sẽ tuyển dụng được nhiều lao động đạt được các tiêu chí mà công ty đề ra.”

Bà NGUYỄN THỊ KIM THÚY  - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình: “Để thực hiện công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, Trung tâm giới thiệu việc làm đã tổ chức thực hiện phiên giao dịch việc làm và các hoạt động tư vấn việc làm hằng ngày bằng nhiều hình thức, trực tiếp và gián tiếp để đáp ưng nhu cầu của người lao động cũng như doanh nghiệp tuyển dụng để phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.”

Để người lao động gắn bó với quê hương, các địa phương cần xây dựng chiến lược lâu dài, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chuyển đổi nghề gắn với nhu cầu thị trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để người lao động thích ứng với mọi môi trường việc làm./.

Thực hiện : Võ Linh Đào Bảo