Quảng Bình: Vụ án hình sự vướng bởi bản kết luận giám định tư pháp dựa trên số liệu giả định

Liên quan đến những sai phạm trong việc thực hiện hai gói thầu rà phá bom mìn DH3.1 và DH/NC1, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành cáo trạng số 20 ngày 26/3/2022 để thay thế cáo trạng trước đó, truy tố 4 vị cán bộ nguyên là cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Bốn bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, các bị can Nguyễn Văn Thuận, Lê Anh Tuân, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Linh đã vi phạm các quy định về xây dựng trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động thi công của nhà thầu,  dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 7.493.000.000 đồng. Số liệu thiệt hại được căn cứ theo các kết luận giám định tư pháp do giám định viên Nguyễn Phước Khoa - Phó Chánh thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình thực hiện. Tuy nhiên, các bị can đã có nhiều đơn khiếu nại, kiến nghị, cho rằng kết luận giám định không khách quan.

Bị cáo NGUYỄN VĂN THUẬN: “Truy tố chúng tôi là oan sai, bởi họ dựa vào giám định tư pháp, nhưng tôi khẳng định, giám định tư pháp này vi phạm pháp luật nghiêm trọng.”

Bị cáo LÊ ANH TUÂN: “Ủy ban nhân dân tỉnh không thể cử một đại diện của Sở Kế hoạch, là bên bị hại, ra để thực hiện giám định tư pháp, như vậy mâu thuẫn về quyền lợi. Thứ hai, giám định tư pháp đưa ra số liệu hoàn toàn là “giả định” và “tham khảo”, và số liệu đó, pháp luật nghiêm cấm sử dụng số liệu “tham khảo, giả định” làm chứng cứ, bởi “chứng cứ là những gì có thật.”

Kết luận giải quyết khiếu nại số 01 ngày 17/3/2022 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình nhận định, “Ông Nguyễn Phước Khoa phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật”. 

Trước câu hỏi “Đối với những thiếu sót, sai phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện hai gói thầu nêu trên, chủ đầu tư có bị thiệt hại gì không?”, Đại diện Ban Quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới cho biết, chưa xác định được và đang mong chờ kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ông LÊ THANH TỊNH, Giám đốc Ban Quản lý Dự án môi Trường và Biến đổi khí hậu thành Phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình: “Tôi nghĩ rằng các cơ quan tiến hành tố tụng, người ta cũng phải tuân thủ các quy định của luật pháp, để đảm bảo không làm oan sai người vô tội và cũng không để lọt tội phạm, bảo vệ tài sản của nhà nước, các quan hệ do pháp luật hình sự quy định.”

Liên quan đến các kết luận giám định tư pháp nêu trên, tại một vụ án hình sự khác, Tòa án Quân sự quân khu 4 đã một lần tuyên trả hồ sơ để thực hiện giám định lại thiệt hại. Các đơn vị có liên quan đến việc thực hiện hai gói thầu DH3.1 và DH/NC1 cũng cho rằng kết luận giám định không khách quan.

Thiếu tá NGUYỄN THÀNH CƯỜNG, Phó Giám đốc Xí nghiệp rà phá bom mìn, Tổng Công ty Hợp tác kinh tế: “Để giám định bảo đảm tính khách quan, chính xác, thứ nhất, đơn vị đó phải đứng ngoài so với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, không phụ thuộc về mặt tổ chức. Thứ hai đơn vị thực hiện giám định phải có chuyên môn thực hiện rà phá bom mìn, thì việc thực hiện giám định rà phá bom mìn ấy mới đảm bảo tính chính xác được. Còn đối với anh Nguyễn Phước Khoa, một kỹ sư xây dựng lại đi giám định một công trình rà phá bom mìn, theo tôi nó không đảm bảo tính khách quan.”

Yếu tố “thiệt hại” trong tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” được sử dụng để xác định khung hình phạt. Với việc xác định “thiệt hại” lên đến hơn 7 tỷ đồng, các bị can đã bị truy tố vào khoản 3, có khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.

Quang Anh