Quảng Nam: Giữ văn hoá làng trong tái sắp xếp dân cư miền núi

Trong những năm qua, Quảng Nam thực hiện đề án tái bố trí sắp xếp dân cư nhằm đưa người dân miền núi về nơi ở mới an toàn hơn trước thiên tai, bão lũ. Nhưng đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam vẫn có phong tục sống quây quần thành từng cụm với những nét văn hoá riêng. Có hiểu và tôn trọng văn hoá làng thì mới tranh thủ được sự đồng thuận của bà con để thực hiện chủ trương lớn của tỉnh.

Ông Hồ Văn Đề đã mất đi 8 người thân trong vụ sạt lở kinh hoàng cuối năm 2020 tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nhưng cũng chính người già làng này đã nén đau thương, cùng với chính quyền địa phương vận động bà con chuyển về làng mới, bỏ bớt những hủ tục lạc hậu. 

Ông LÊ ĐẠI LƯƠNG, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam: "Hồi xưa Trà Leng người ta cúng bái rất nhiều. Phong tục tập quán lạc hậu lắm. Từ hồi có bố Đề, đau ốm không còn cúng, giết mổ trâu bò như xưa nữa. Đau đầu hay sốt thì biết chạy ra trạm y tế xin thuốc uống.”

Văn hóa chung của đồng bào các dân tộc ở miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam là văn hóa cộng đồng, sống quây quần thành cụm. Muốn người dân chuyển về nơi ở mới, điều tiên quyết là phải giữ được “nếp làng”.

Ông LÊ HOÀNG LINH, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam: “Thường thì mặt bằng sắp xếp dân cư của Tây Giang thì người dân ở xung quanh mặt bằng, vị trí trung tâm là cái Gươl, là một trong những thiết chế văn hóa mang tính truyền thống. Đây cũng là nơi sinh hoạt cũng như triển khai các chính sách của Đảng đến với nhân dân.”

Nếu người Xê Đăng có nhà sàn, thì người Cơ Tu có nhà Gươl. Ngoài việc tôn trọng nếp sinh hoạt của đồng bào, tranh thủ uy tín của già làng để người dân từ bỏ những hủ tục lạc hậu, Quảng Nam còn giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của đồng bào như dệt vải, may vá, múa cồng chiêng.. bằng hình thức trao truyền cho thế hệ sau, thông qua những lễ hội truyền thống, qua các sản phẩm du lịch văn hóa

Chị TRẦN THỊ NUA, Xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam: “Lúc chuẩn bị tham gia các lễ hội của huyện Nam Trà My tổ chức thì xã sẽ triệu tập lại các nghệ nhân và truyền lại cho lớp trẻ chúng em học để tham gia tại lễ hội.” 

Ông NGUYỄN THANH HỒNG, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam: “Chúng tôi cũng đã phối hợp với các địa phương để định hướng cho các địa phương làm sao xây dựng các mô hình để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm sao để phát huy các giá trị các sản phẩm kinh tế nhưng vẫn có giá trị yếu tố văn hóa gắn kết trong đó.” 

Văn hoá là sự tiếp biến và phát triển. Có những hủ tục phải bỏ, cũng có những nét văn hóa gắn với đời sống mới của người dân được sinh ra. Tôn trọng giá trị truyền thống và tạo cơ hội để phát triển văn hoá mới, đó là cách Quảng Nam thuyết phục đồng bào các dân tộc miền núi phía Tây tái bố trí, sắp xếp dân cư một cách an toàn và hiệu quả. 

Mỹ Phượng - Lê Quang