Quảng Nam: Tính sinh kế bền vững cho hàng vạn người dân lòng hồ thủy điện

Lâu nay bài toán sinh kế cho người dân tại lòng hồ thủy điện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, bởi mỗi nhà máy thủy điện đều "mạnh ai nấy làm". Để xây dựng một chương trình ổn định lâu dài, giúp hàng vạn đồng bào thiểu số có cuộc sống tốt hơn, tỉnh Quảng Nam đã và đang thí điểm một chương trình sinh kế mang tính bền vững ở 22 nhà máy thủy điện đang tham gia phát điện.

Là một trong hơn 1800 hộ dân nhường đất làm công trình thủy điện Sông Tranh 2. Gần 10 năm nay, ông Trần Thanh Tuân được ưu tiên hỗ trợ kinh phí ban đầu để nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy điện. Với gần 50 lồng cá các loại như: diêu hồng, lăng, chình. Đầu ra nội địa và xuất đi các địa phương trong nước ổn định, cuộc sống của gia đình ông Tuân giờ đã tốt hơn so với nơi ở cũ.

Ông TRẦN THANH TUÂN, Thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam: “Nhà nuôi nhiều cá như vậy, thì từ đầu năm mình lấy bột khoảng 1,6-1,7 tỷ đồng; cuối năm mình bán cá tầm 2 tỷ, thì lời từ từ 200-250 triệu đến 300 triệu, nuôi cá cũng lãi nhiều.”

Tại khu vực miền núi Quảng Nam có đến 22 nhà máy thủy điện đang tham gia phát điện. Diện tích lòng hồ thủy điện lên đến hơn 20.000 ha mặt nước. Và có đến 10.000 ha đất nương rẫy hiệu quả canh tác kém, hoặc không thể sản xuất được. Do đó, ngoài việc cung cấp giống cá để nuôi trồng thủy sản như cách làm của công ty thủy điện Sông Tranh, tỉnh Quảng Nam có chủ trương trồng dược diệu, phát triển du lịch.

Ông VŨ ĐỨC TOÀN, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, tỉnh Quảng Nam: “Những chủ trương trồng cây dược liệu, xen canh cây rừng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, vì đây là cách tốt nhất mang lại nguồn nước cho lòng hồ, lợi ích chung của cộng đồng."

Ông HỒ QUANG BỬU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Chúng tôi cũng mời gọi những doanh nghiệp làm du lịch sinh thái, cùng phối hợp với thủy điện để du lịch trên lòng hồ nhằm chuyển lao động trên miền núi, tăng thu nhập cho người dân."

Để đảm bảo cho 22 nhà máy thủy điện tham gia đóng góp hơn 1,5 triệu MW vào nguồn điện năng quốc gia. Đã có hàng vạn hộ đồng bào thiểu số Quảng Nam tự nguyện di dời đến nơi ở mới. Nuôi trồng thủy sản, trồng dược liệu, du lịch trên lòng hồ thủy điện, kỳ vọng sẽ là hướng phát triển sinh kế bền vững. Giúp cho đồng bào thiểu số ở lưu vực lòng hồ thủy điện không chỉ thoát nghèo, mà còn làm giàu trên vùng đất mới.
 

Thực hiện : Thành Nam Việt Hà