Quảng Ninh: Buông lỏng quản lý, nhiều xưởng dăm gỗ ngang nhiên hoạt động trái phép

Sản xuất dăm gỗ và bột giấy là loại hình đầu tư có điều kiện. Để đảm bảo quy hoạch cho các đơn vị đã đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tạm ngừng cấp phép mới hoạt động này từ năm 2017. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc nở rộ các cơ sở chế biến dăm gỗ hoạt động không phép trên địa bàn huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã khiến cho dư luận bức xúc.

Tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, xưởng chế biến đá Granit của Công ty TNHH Đức Dương nhiều năm nay đã biến tướng thành xưởng sản xuất dăm gỗ.

Trên đường tìm đến xưởng gỗ này, chúng tôi gặp một xe tải có dấu hiệu cơi nới thành thùng, quá tải trọng, dù đường đã cắm biển chỉ cho phép phương tiện dưới 10 tấn. Người dân cho biết, mỗi ngày có 4 - 5 chuyến xe tải ra vào xưởng gỗ. Gỗ keo được tách vỏ và băm thành gỗ dăm rồi chất lên xe.

Người dân thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh: “Nhiều nhà ở đây còn đứt dây điện rồi, nát hết cả đường. Chúng tôi đã kiến nghị với UBND xã, huyện nhiều lần rồi mà không được giải quyết.”

Người dân thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh: “Cũng nguy hiểm đấy, có con cháu phải trông kỹ càng thôi.”

Qua tìm hiểu, Công ty TNHH Đức Dương (Chi nhánh là xí nghiệp công nghiệp xây dựng số 1) được tỉnh Quảng Ninh cho chủ trương đầu tư xưởng chế biến đá Granit. Tuy nhiên, doanh nghiệp này sau đó đã tự ý cho ông Vũ Văn Xoa thuê khoảng 5000 mét vuông đất xây dựng xưởng băm dăm gỗ trái phép. Tháng 11 năm 2017, tổ liên ngành UBND huyện Hải Hà đã kiểm tra, phát hiện, và yêu cầu chủ đầu tư phải khôi phục như hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, ông Xoa tiếp tục cho người khác thuê lại. Hiện tại theo ghi nhận, xưởng dăm gỗ này vẫn hoạt động công khai.

Ông LÊ QUANG DƯƠNG, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh: “Đối với cấp xã là chưa (kiểm tra), không biết Chủ tịch có giao cho địa chính kiểm tra hay không? Từ năm 2017 mình chưa được giao cho sang lập biên bản hay gì cả.”

Trên địa bàn huyện Hải Hà chỉ có 2 nhà máy được cấp phép và nằm trong quy hoạch chế biến gỗ, rừng trồng làm dăm gỗ và bột giấy xuất khẩu. Tuy nhiên, không chỉ xưởng dăm gỗ trên hoạt động không có phép, mà trên địa bàn huyện này còn không ít trường hợp tương tự. Như xưởng gỗ tại thôn 4, xã Quảng Sơn, một phần lớn diện tích trước đây là xưởng đốt than hoạt tính cũng biến tưởng thành xưởng dăm gỗ, hay tại xã Quảng Thành, khu vực được cho thuê đất làm lò gạch cũng biến tướng thành xưởng dăm gỗ.

Ông CHU QUỐC DÂN, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng UBND huyện Hải Hà, Quảng Ninh: “Trách nhiệm là chính quyền địa bàn các xã vì có phân cấp rồi, chủ tịch UBND các xã chịu trách nhiệm, các phòng ban liên quan cũng chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước. Có văn bản chỉ đạo việc chấm dứt, ngừng hoạt động các cơ sở không phép này, chứ không phải để cho tồn tại đâu.”

Mở xưởng băm dăm gỗ trái phép, hoạt động vận tải rầm rộ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm hộ dân, Chưa kể chất thải, nước thải chưa qua xử lý của cơ sở chế biến gỗ keo bốc mùi hôi thối mỗi khi mưa xuống ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Công tác quản lý của huyện Hải Hà đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, kịp thời trong xử lý vi phạm.

Đức Minh