Quảng Trị: Dạy nghề cho người dân tộc để cải thiện đời sống

Với phương châm cầm tay chỉ việc, những năm qua tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã có những thành quả nhất định trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn. Nhiều ngành nghề truyền thống được hồi sinh đem lại nhiều giá trị về văn hóa lẫn kinh tế.

Đây là lớp dạy nghề truyền thống dệt thổ cẩm của UBND xã A Bung, huyện Đakrông cho phụ nữ người Vân Kiều và Pa Cô. Trung bình mỗi lớp học nghề này có 20 đến 25 học viên tham gia. Giáo viên đứng lớp là nghệ nhân có tay nghề về dệt thổ cẩm được UBND xã giao trách nhiệm thực hiện công tác đào tạo này. Sau chưa đầy một tháng cầm tay chỉ việc, mỗi học viên có thể tự tay dệt được những sản phẩm độc đáo.

Chị HỒ THỊ CHƯA, Xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị: “Được xã cho tham gia học nghề dệt vãi thổ cẩm nên mình rất vui. Thời gian học cũng thoải mái, sắp xếp được lúc nhàn rỗi. Vừa biết nghề truyền thống vừa làm ra sản phẩm bán có tiền cho con cái đến trường nên rất hạnh phúc.”

Nghệ nhân ĐOÀN THỊ NGA, Xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị: “Nghề dệt vải thổ cẩm của dân bản có từ lâu đời rồi. Tuy nhiên, những năm vừa qua, nghề này ít được phát triển nên bị mai một dần. Nay xã giao cho mình dạy lại nghề cho chị em dân bản nên mình rất vui. Vừa bảo tồn được nghề. Vừa giúp được chị em phát triển cải thiện kinh tế...”.

Huyện Đakrông hiện có 3 xã dạy nghề dệt thổ cẩm, trong đó hai xã chuyên dệt trang phục truyền thống người Pa Cô và một xã dệt trang phục truyền thống người Vân Kiều. A Bung là xã có nhiều lớp dạy nghề dệt thổ cẩm nhất hiện nay.

Ông HỒ VĂN HIÊN, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị: “Mong cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí mở lớp tập huấn, mở thêm các lớp học để chị em nâng cao tay nghề  và có thêm điểm quảng bá sản phẩm đầu ra giúp cho chị em.”

Từ năm 2010 cho đến nay, huyện Đakrông đã dạy nhiều nghề cho trên 6 ngàn người. Phần lớn học viên qua đào tạo đều có công ăn, việc làm ổn định. Nhiều lao động đã được đưa đi xuất khẩu lao động.

Ông NGUYỄN XUÂN QUANG, Phó Trưởng phòng Lao động, UBND huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị: “Qua tổng kết 10 năm công tác đào tạo nghề cũng có đưa ra những mặt hạn chế nhất định. Trong đó, đào tạo nghề theo 1956, về mặt thời gian đào tạo sơ cấp cho đối tượng trên địa bàn thời gian ngắn hạn quá. Cho nên việc học nghề chủ yếu là nông nghiệp. Còn nghề phi nông nghiệp đào tạo trong 3 tháng thì còn nhiều hạn chế. Ví dụ như sửa xe máy. Chính sách đưa ra là như vậy, nhưng học thì gặp nhiều khó khăn trong áp dụng thực tiễn. Do đó, cần có sửa đổi.”

Tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo nghề, là giải pháp hiệu quả giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được xem là chìa khóa để các địa phương miền núi tỉnh Quảng Trị mở những nút thắt lâu nay trong việc thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Võ Linh