Quảng Trị: Dự án năng lượng sạch làm “bẩn” đất sản xuất của người dân

Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 30 dự án điện gió, trong đó có 20 dự án đã đi vào hoạt động. Ở một số dự án, tình trạng đất đá ở các bãi thải liên tục sạt lở, vùi lấp ruộng lúa, hoa màu khiến người dân bức xúc. Dù đã nhiều lần yêu cầu các chủ dự án khắc phục hậu quả nhưng dường như chính quyền đang “bất lực” trước sự chây ì, thoái thác trách nhiệm của những đơn vị này.

Phóng viên VÕ LINH: “Ngay sau lưng tôi đây là một bãi thải các dự án trên địa bàn huyện Hướng Hóa thải ra. Qua hình ảnh này quý vị có thể thấy, sau một trận mưa thôi đất đá từ các bãi thải này chảy xuống khe suối vùi lấp ruộng của bà con. Câu hỏi đặt ra, sự việc xảy ra kéo dài chính quyền chức năng tại địa phương chưa có biện pháp giúp người dân khắc phục hậu quả này”.

 Đây là những tua-bin tại dự án điện gió Khe Sanh – Amacao Quảng Trị. Nhà máy đã đi vào hoạt động một thời gian nhưng vẫn để lại nhiều hệ luỵ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân huyện Hướng Hoá. 
Đất đá thải thường xuyên sạt lở dọc sườn đồi, khe suối…khiến nhiều diện tích trồng lúa của người dân bị vùi lấp. 

Ông HỒ VĂN MƠN Xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: Từ khi điện gió hoàn thành. Hễ mưa lũ đi qua, ruộng  của gia đình tôi cũng như bà con ở đây bị đất đá từ bãi thải, từ khu vực cột điện gió sạt lở trôi chảy về lấp hết ruộng như thế này. Gia đình được khoảng 3 sào. Hiện một sào bị vùi lấp không canh tác được. 2 sào kia gia đình tự thuê máy múc cải tạo tốn mấy chục triệu giờ trồng lúa xuống lúa cũng chết. Số còn lại không trổ bông. Ruộng chỉ có cát và đá thôi. Khổ lắm!”-

Trong thời gian qua, các dự án điện gió được tỉnh Quảng Trị quan tâm triển khai, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên trong quá trình thi công, một số chủ đầu tư đã phớt lờ những quy định của pháp luật. Việc lấy đất của người dân không thực hiện thoả thuận đền bù; Nhiều hạng mục, chủ đầu tư và đơn vị thi công chỉ lu lèn, gia cố qua loa, thậm chí nhiều điểm không lu lèn, gia cố khiến xảy ra tình trạng sạt lở nặng. Hậu quả là nhiều khe, suối, ruộng đồng nằm dưới chân các bãi thải và vùng hạ du bị bồi lấp bởi khối lượng lớn đất, đá, rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Ông NGUYỄN TÂN Chủ tịch UBND xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: Qua quá trình chúng tôi cũng đã đề xuất nhiều lần, có văn bản gửi công ty sớm giải quyết. Nhưng đến nay vẫn không được giải quyết. Cụ thể trên địa bàn có 11 hộ ảnh hưởng với diện tích khoảng gần 1 ha. Để đảm quyền lợi cho người dân sản xuất về sau này cũng như đảm bảo sản lượng chúng tôi tiếp tục đề nghị công ty sớm có phương án khắc phục.”

Ông HỒ VĂN VINH Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: Thời tiết khí hậu bất thường, một số ruộng lúa của bà con tiếp tục bị bồi lấp. Thường trực hội đồng cũng đã họp và bàn, yêu cầu UBND huyện, các cấp ủy chính quyền địa phương rà soát thống kê lại để yêu cầu các tập đoàn doanh nghiệp dứt điểm đất bồi lấp ruộng lúa của bà để bà con vùng dự án có đất sản xuất lúa ”

Việc một dự án năng lượng sạch gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân huyện Hướng Hoá là điều khó chấp nhận. Đặc biệt, địa phương này là vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét mỗi khi mùa mưa đến. Nếu các bãi thải điện gió không được gia cố, sinh kế của người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lượng đất đá thải tiếp tục vùi lấp ruộng đồng khi mùa mưa bão đang đến gần.
 

Võ Linh - Đào Bảo