Quốc hội đổi mới quyết liệt, đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước

Năm 2022 được xác định là năm bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội. Quốc hội đã tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, quyết liệt, mạnh mẽ về nội dung và phương thức hoạt động, bám sát thực tiễn cuộc sống để có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vương mắc.

Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá 15 được tổ chức để giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách liên quan tới quốc kế dân sinh. 1 Luật và 4 Nghị quyết được thông qua, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội cũng đang tích cực chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ 2 với 5 nội dung, trong đó quan trọng nhất là xem xét thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư trên 390.000 tỷ đồng.

4 chuyên đề giám sát trong năm 2022 của Quốc hội đã tạo sức lan toả mạnh mẽ, được cử tri cả nước rất quan tâm; đặc biệt là chuyên đề giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Lần đầu tiên UBTVQH đã ban hành Nghị quyết riêng, Nghị quyết 560 về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhằm phát hiện những nội dung trái với Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên không còn phù hợp.

Lần đầu tiên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố tại khu vực Bắc, Trung, Nam, thông qua đó tăng cường giám sát, hướng dẫn đối với HĐND các cấp.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai kế hoạch số 81 về định hướng công tác lập pháp toàn nhiệm kỳ. Do đó Quốc hội đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch này.

Có thể thấy, công tác lập pháp của Quốc hội đã tăng tính chủ động, có sự phân công phân nhiệm hợp lý, rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong quy trình xây dựng luật.

Lần đầu tiên phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã được tổ chức để cho ý kiến về các luật sẽ trình tại kỳ họp thứ 4. Đổi mới này thể hiện sự chuyên nghiệp, chuyên sâu của Quốc hội trong việc ngày càng hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng công tác lập pháp.

Quốc hội khóa XV tiếp tục mang sứ mệnh phụng sự lợi ích của quốc gia dân tộc, vì lợi ích của cử tri, nhân dân, quyết tâm xây dựng một Quốc hội đổi mới - một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân- là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần Quốc hội làm hết việc chứ không làm hết giờ mà chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề ra đã được cụ thể hóa và sửa đổi trong Nội quy kỳ họp với 31 nhóm vấn đề mới, nội quy kỳ họp mà Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

 

Dương Dung