Gói 350 nghìn tỷ đồng phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế

Đây là ý kiến của Tiến sĩ kinh tế Vũ Tiến Lộc - đại biểu Quốc hội khóa XV - về gói phục hồi kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua hôm 11/1.

Những nội dung được đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp bất thường lần này đều là những vấn đề cấp bách, cần sớm được tháo gỡ để nhằm hỗ trợ tốt nhất cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng cùng nhiều kỳ vọng.

Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực: Y tế, phòng, chống dịch COVID-19; An sinh xã hội, lao động và việc làm; Hỗ trợ doanh nghiệp; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số...

Nghị quyết quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. 

Về chính sách tiền tệ, Nghị quyết nêu rõ việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên;

Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình, cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng), trong đó: năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Chúng tôi cũng rất là mong muốn chính sách tài khoá tiền tệ sẽ hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các doanh nghiệp trong việc phục hồi chuỗi sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với chính sách bảo đảm an sinh xã hội thì chúng tôi rất mong muốn nâng cao năng lực cho y tế dự phòng, y tế cơ sở để ứng phó tốt hơn với diễn biến phức tạp của dịch bệnh”.

Mời Quý khán giả theo dõi trao đổi của Truyền hình Quốc hội Việt Nam với TS Vũ Tiến Lộc !