Quốc hội trong tuần: Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục trích nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Trong tuần từ 21-26/3, tiếp tục phiên làm việc thứ 9 đợt 2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về các dự án luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Cùng với đó là các hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về công tác quy hoạch, Hội nghị tổng kết công tác của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

BỘ TÀI CHÍNH ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC TRÍCH NỘP QUỸ BẢO VỆ NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM

Với mục đích sửa đổi luật kinh doanh bảo hiểm đảm bảo quyền lợi của mọi đối tượng tham gia trong giao dịch bảo hiểm, tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích một số quy định chưa thật hợp lý, gây bất lợi cho người mua bảo hiểm như trong quy định cung cấp, bảo mật thông tin của người mua bảo hiểm hay quyền được hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng; Đồng thời đề nghị ủy ban kinh tế rà soát lại các vấn đề liên quan đến các loại hình bảo hiểm, Nguyên tắc của bên mua bảo hiểm, Kiểm soát nội bộ, tỷ lệ an toàn vốn, an toàn tài chính; Quy định với đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần lưu ý về tính đồng bộ của luật này với các luật chuyên ngành khác.  Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan thẩm tra và ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện báo cáo để đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và xin ý kiến các tổ chức hội nghề nghiệp trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

VẪN CÒN BĂN KHOĂN VỀ QUY ĐỊNH QUỸ HỖ TRỢ ĐIỆN ẢNH

Báo cáo một số vấn đề dự kiến tiếp thu, chỉnh lý, liên quan đến quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị không quy định Quỹ này. Vì, Quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu nên rà soát lại xem kinh nghiệm thế giới làm thế nào, và ở Việt Nam vì sao có quy định rồi mà không làm được thì Quốc hội mới có cơ sở để quyết định. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự thảo Luật đã đạt được sự đồng thuận cao giữa cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các ý kiến của thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với dự thảo luật và dự thảo báo cáo. Tuy nhiên, đây là một luật rất khó, do đó cần phải tiếp tục rà soát lại mục tiêu, quan điểm, yêu cầu khi xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đồng thời đề nghị lưu ý về giải thích từ ngữ trong luật, phân loại phim, hành vi nghiêm cấm, cụ thể cấm vấn đề gì, làm rõ về việc xử lý vi phạm, cũng như các giải pháp ngăn chặn, tránh tình trạng nêu chung chung. Đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục chủ trì, xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, hoàn thiện gửi hồ sơ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

MIỄN THUẾ THU NHẬP KHI  DOANH NGHIỆP PHỐI HỢP TỔ CHỨC LAO ĐỘNG NGOÀI TRẠI GIAM

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Các thành viên UBTVQH cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, đồng thời nâng cao hiệu quả giáo dục, cải tạo phạm nhân. 

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng ủng hộ quan điểm, nên có chính sách miễn thuế thu nhập đối với tổ chức, doanh nghiệp hợp tác với Trại giam để thu hút các đầu tư, nhất là khi các Trại giam thường đóng ở các địa bàn xa xôi.

Đồng tình về nội hàm trong thời gian thực hiện thí điểm tổ chức hợp tác với trại giam, doanh nghiệp được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng,  không nên dẫn chiếu như dự thảo.

MIỄN THUẾ THU NHẬP KHI  DOANH NGHIỆP PHỐI HỢP TỔ CHỨC LAO ĐỘNG NGOÀI TRẠI GIAM

Tiếp tục phiên họp thứ 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; Cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động  

Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Với các mức giảm cụ thể:

+ Xăng: Giảm 2.000 đồng/lít, 
+ Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: Giảm 1.000 đồng/lít
+ Mỡ nhờn: Giảm 1.000 đồng/kg
+ Dầu hỏa: Giảm 700 đồng/lít
+ Nhiên liệu bay: Giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít  

Việc giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần chia sẻ một phần lợi ích của nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp; góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.

QUY ĐỊNH RÕ VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TẠI DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây chỉ là bước khởi đầu, cần phải tiếp tục nghiên cứu đánh giá thật kỹ và thấu đáo để chất lượng của Luật dân chủ ở cơ sở đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Luật cũng cần phải nghiên cứu, kế thừa và nâng cấp các quy định đã có để thể chế hóa chủ trương quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Đối với quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, cần phải quy định chặt chẽ để đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao. 

PHẠM VI THỰC HIỆN DÂN CHỦ  CƠ SỞ  BAO GỒM CẢ THÔN, TỔ DÂN PHỐ

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc đổi tên gọi của dự thảo luật là “Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở”; thống nhất bổ sung thiết kế để làm rõ 3 loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở là: xã, phường, thị trấn; cơ quan đơn vị và doanh nghiệp, đồng thời nhất trí việc xác định phạm vi “cơ sở” thực hiện dân chủ, bao gồm cả thôn, tổ dân phố; Đề nghị ban soạn thảo bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đối với chế định thanh tra nhân dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung chế định này trong dự thảo luật, tuy nhiên cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để xem xét kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục kịp thời những bất cập hạn chế. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã phối hợp chuẩn bị hồ sơ một cách khẩn trương, công phu, nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này.

KHÔNG ÁP DỤNG LÀM THÊM GIỜ ĐỐI VỚI NHÓM LAO ĐỘNG ĐẶC BIỆT NỚI TRẦN GIỜ LÀM THÊM KHÔNG QUÁ 60 GIỜ/THÁNG

Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất chỉnh lý tên gọi của dự thảo là “Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 01năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Về việc mở rộng đối tượng làm thêm giờ trong 01 năm, thống nhất chỉnh lý theo hướng bổ sung các trường hợp không thực hiện thời giờ làm thêm đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7, lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. 
Về mức trần thời gian làm thêm trong 01 tháng, được thể hiện theo hướng “Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng”.

KHÔNG ÁP DỤNG LÀM THÊM GIỜ ĐỐI VỚI NHÓM LAO ĐỘNG ĐẶC BIỆT 

Trong tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, với tỷ lệ 100% tán thành. 
Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên Môi trường là đúng và trúng, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tuần cũng đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.  

Theo kế hoạch triển khai, dự kiến Đoàn giám sát sẽ tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, 13 Bộ gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an, Giao thông vận tải, Công thương, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; 6 địa phương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lâm Đồng, Long An. Đoàn giám sát sẽ tổ chức làm việc với Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung Báo cáo kết quả giám sát.

BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 9 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Sau 6,5 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, được chia làm 2 đợt, phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra. Đặc biệt, tại Phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một ngày làm việc để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường. Tại các phiên chất vấn đã có 48 đại biểu tham gia chất vấn và 10 đại biểu tranh luận. Ngoài hai Bộ trưởng trả lời chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và nhiều Bộ trưởng cũng đã tham gia trả lời chất vấn, làm rõ nhiều vấn đề về thực trạng, đi đến cùng các sự việc và đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp bảo đảm tính khả thi và thiết thực.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Kết thúc hoạt động chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, trong đó đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành và thành viên Chính phủ cần quyết liệt triển khai ngay những nội dung đã cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cử tri cả nước. Đồng thời, đề nghị các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được quyết nghị trong Nghị quyết; chủ động tổ chức các phiên giải trình về lĩnh vực phụ trách nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào cử tri và Nhân dân cả nước.”

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần khẩn trương ban hành các thông báo, kết luận, tiếp thu hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để ký ban hành và tích cực chuẩn bị cho Phiên họp thứ Mười vào tháng tới.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ CHỨC NĂNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành khu vực phía Nam năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã phát biểu tham luận về kết quả nổi bật cũng như kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện công tác Hội đồng nhân dân trong năm 2021 đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong năm 2022.

NHÂN LÊN KHÁT VỌNG, HOÀI BÃO, CỐNG HIẾN CỦA NGƯỜI ĐẠI BIỂU HĐND

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương những đóng góp quan trọng của HĐND đối với sự phát triển chung của đất nước đồng thời khẳng định: Hoạt động của HĐND và từng đại biểu Hội đồng nhân dân trong năm qua là đã tiếp tục kế thừa, nuôi dưỡng hoài bão, khát khao cống hiến và dường như đã có một luồng giớ mới trong đổi mới phương thức hoạt động, giám sát, bám sát hơi thở thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu cấp bách của cơ quan dân cử địa phương, góp phần quan trọng triển khai NQ Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ các tỉnh, thành phố.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm năm 2022, Chủ tịch Quốc hội lưu ý HĐND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.. đồng thời yêu cầu HĐND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, chú trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đối với mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÀM VIỆC VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY TP. HỒ CHÍ MINH

Trong tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội và đảm bảo Quốc phòng An ninh.  

Tại cuộc làm việc với  Ban Thường vụ Thành ủy Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Quốc hội, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và Lãnh đạo các Bộ, ngành đã trao đổi, làm rõ thêm một số định hướng phát triển kinh tế, xã hội,  mang tính chiến lược của thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, đề nghị thành phố Hồ Chí Minh cần tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được trong thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội, chuẩn bị báo cáo Quốc hội vào cuối năm nay. Về những định hướng phát triển trong thời gian tới của thành phố HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản đồng ý các nhiệm vụ đã đề ra, nhấn mạnh thành phố HCM cần tập trung xây dựng thể chế, bám sát Nghị quyết của Đảng, rà soát các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ để điều chỉnh, bổ sung bảo đảm phù hợp, khả thi. Cần tiếp tục tập trung giám sát, kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai các chính sách phục hồi kinh tế, nhất là các chính sách về tài khóa, tiền tệ vừa được Quốc hội thông qua; Đề nghị tổng kết kỹ kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về một số cơ chế đặc thù cho thành phố vào cuối năm nay, từ đó Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết mới.

THANH HÓA CẦN SỚM TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 37 CỦA QUỐC HỘI VỀ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội,  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  đánh giá cao những thành tựu tăng trưởng kinh tế, xã hội cũng như kết quả trong công tác phòng chóng dịch bệnh của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời nhấn mạnh, tỉnh cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần tận dụng thời gian, cụ thể hóa và đẩy nhanh việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Trong thực hiện chủ trương, Nghị quyết, quan trọng nhất là không để xảy ra tình trạng: Tỉnh mở, Sở thắt, Huyện không có thẩm quyền, Xã phường không biết nghe ai, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Về tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả quy hoạch, tỉnh cần đẩy nhanh và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ. Coi trọng phát triển đô thị nhưng gắn với phát triển kinh tế đô thị. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch. Chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, trước mắt phối hợp tháo gỡ khó khăn cho dự án lọc hóa dầu Nghị sơn, đánh giá tác động khó khăn đối với địa phương; Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và phương thức hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

XÉT TẶNG HUY CHƯƠNG TNXP VẺ VANG CHO TNXP THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP, MỸ

Chủ trì phiên họp của Lãnh đạo Quốc hội nghe báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề thi đua là chính sách lớn, khó, đánh giá các căn cứ để luật hoá là chưa rõ, chưa cụ thể do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội.  

Qua thảo luận của các đại biểu và xem xét  một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong cuộc họp chiều 25/3 Bộ Chính trị đã có một số kết luận liên quan đến vấn đề này. Theo đó Bộ chính trị đã đồng ý quy định trong dự thảo luật về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, trong đó có quy định tặng, truy tặng huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, giải quyết đề xuất của Chính phủ, cũng như Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam, để tiếp tục xử lý những tồn đọng về trước. Việc tặng, truy tặng huy chương sẽ chỉ xét đối với thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chưa đặt vấn đề xét tặng huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang đối với thanh niên xung phong trong trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc.  Đối với nội dung thi đua khen thưởng trong khối đại biêu quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vấn đề này đã rõ, có thể thống nhất quy định khen thưởng trong dự thảo luật lần này. Đối với vấn đề thi đua, đây là chính sách lớn, khó, đánh giá các căn cứ để luật hoá là chưa rõ, chưa cụ thể do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, cần phải đảm bảo cơ sở khoa học thực tiễn, hết sức tính toán, cân nhắc, với những vấn đề chưa rõ, chưa chín thì không đưa vào.

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG LẬP QUY HOẠCH TỈNH

Trong tuần, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” đã làm việc với các thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng; các tỉnh Cà Mau, Long An, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Quảng Bình theo hình thức trực tuyến;  cho ý kiến bước đầu về hoàn thiện dự thảo kết quả báo cáo giám sát chuyên đề này.  

Qua báo cáo của các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đoàn giám sát ghi nhận và sẽ nghiên cứu các kiến nghị của các địa phương trong đó sẽ kiến nghị các bộ, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tránh tình trạng mâu thuẫn, không phù hợp dẫn đến việc quy hoạch tỉnh phải điều chỉnh sau khi quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng quốc gia được phê duyệt. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các địa phương tập hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể giải pháp để tháo gỡ; Lưu ý các kiến nghị để hoàn thiện các Luật, các văn bản hướng dẫn; các kiến nghị để thực hiện được việc tích hợp quy hoạch; các quy định liên quan đến lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế; phối hợp tốt với các Bộ, các cơ quan hữu quan để tham gia ý kiến cho các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy hoạch quốc gia và quy hoạch của chính các tỉnh, Thành phố. 

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN BÁO CÁO GIÁM SÁT VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH
LẬP QUY HOẠCH  - KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO CÁC ĐƠN VỊ TƯ VẤN

Tại buổi làm việc cho ý kiến bước đầu về hoàn thiện dự thảo kết quả báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nội dung giám sát là nội dung khó và đồ sộ, phương pháp tích hợp mới. Hiện nay việc thực hiện dự án Luật đã chậm so với tiến độ 2 năm do vậy qua giám sát phải đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai, thực hiện Luật Quy hoạch của bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan;  xác định rõ vấn đề nào thuộc về luật, quá trình xây dựng và ban hành luật, vấn đề nào do tổ chức thực hiện. 

Khi đi vào thực tiễn giám sát cũng cho thấy nhiều vấn đề khó khăn như về tư vấn, phương pháp tiếp cận, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Qua đó đề xuất những giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy quá trình triển khai xây dựng hệ thống các quy hoạch, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và pháp luật liên quan./.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam