Quốc hội trong tuần: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Lào

Những nội dung đáng chú ý trong hoạt động Quốc hội là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Lào; Chủ tịch Quốc hội hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Singapore; Chuẩn bị kỹ cho kỳ họp thứ 3; Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến đường Trường Sơn Đông; Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV thông qua 5 dự án luật; Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội giám sát dự án vành đai 3

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ HỘI ĐÀM VỚI CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÀO
 
Trong tuần qua, nhận lời mời của đồng chí Xaysomphone Phomvihane, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có chuyến thăm chính thức nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào từ 15 đến 17/5. Chủ tịch Quốc hội Lào đã chủ trì Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau đó hai Chủ tịch Quốc hội đã tiến hành hội đàm.
 
Hai Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa hai nước và hai Quốc hội; hài lòng về kết quả hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải, hợp tác giữa các địa phương... Ngay trong bối cảnh dịch bệnh, hai bên vẫn giữ được đà phát triển thương mại và đầu tư. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều 4 tháng đầu năm 2022 đạt 558,2 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kì năm 2021; Việt Nam duy trì vị trí nước đầu tư trực tiếp lớn thứ ba tại Lào, với 214 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD.
 
Trao đổi về hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam và Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane, đánh giá cao kết quả triển khai Thoả thuận hợp tác giữa hai Quốc hội giai đoạn 2017-2021 với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.
 
Hai Chủ tịch Quốc hội chia sẻ đánh giá về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, khẳng định tiếp tục nỗ lực cùng các nước thành viên ASEAN không ngừng củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, giữ vững các nguyên tắc, giá trị và lập trường chung về các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoà bình, an ninh khu vực; thống nhất quan điểm giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực và thế giới bằng biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế. Hai bên nhất trí tiếp tục truyền thống phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ ủng hộ, hỗ trợ Lào chuẩn bị và đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Đại Hội đồng AIPA lần thứ 45 trong năm 2024. Cũng tại cuộc hội đàm, hai bên thống nhất sẽ phối hợp với Nghị viện Campuchia để nâng cấp cơ chế hợp tác 3 nước Việt Nam – Lào- Campuchia lên cấp Chủ tịch Quốc hội chủ trì và Quốc hội Lào sẽ đăng cai tổ chức vào năm 2023.
 
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ HỘI KIẾN THỦ TƯỚNG LÀO 
 
Cũng tại thủ đô Vientiane, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh. Hai nhà lãnh đạo khẳng định  tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, cả trên kênh chính phủ và kênh nghị viện.
 
Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua, đánh giá cao việc hai bên nỗ lực duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao thường xuyên, trong đó có chuyến thăm chính thức Việt Nam rất thành công của Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đầu năm 2022 và cuộc gặp song phương giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Lào bên lề Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ chỉ 3 ngày trước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội Việt Nam đặc biệt coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, luôn ủng hộ và tích cực giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các chương trình, dự án hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào.
 
Về phương hướng tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới, hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh việc hai bên cần phối hợp triển khai nghiêm túc các thoả thuận cấp cao, trong đó có kết quả của Kỳ họp lần thứ 44 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào đầu năm 2022 tại Hà Nội, Thoả thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam  - Lào giai đoạn 2021-2025. Hai bên nhất trí cần tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đột phá nhằm nâng tầm hợp tác kinh tế thành một trụ cột thực sự trong quan hệ hai nước, tương xứng với quan hệ đặc biệt Việt-Lào; đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư trong trạng thái "bình thường mới", tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, cả kết nối hạ tầng cứng và kết nối thể chế, kinh tế số, tài chính, ngân hàng; chú trọng thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao; Hai bên cũng khẳng tiếp tục phối hợp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như quốc phòng, an ninh, biên giới, giáo dục đào tạo, lao động, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, cả trên kênh chính phủ và kênh nghị viện.
 
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HỘI ĐÀM VỚI CHỦ TỊCH QUỐC HỘI SINGAPORE
 
Trong tuần qua, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin và Đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa Singapore đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước ta từ ngày 18-20/5/2022. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón và sau đó có cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore, xác định Singapore là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong khu vực cả về chính trị, kinh tế, mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác phối hợp chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023.  Singapore là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cam kết tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết vướng mắc trong các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam nhất là giải quyết vướng mắc, bất cập trong cấp mới, gia hạn giấy phép lao động đối với người nước ngoài; sẵn sàng quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, mong muốn các doanh nghiệp Singapore mở rộng dự án đầu tư đến các địa phương của Việt Nam. 
Nhất trí với các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Singapore cho biết hai nước có chung quan điểm, đặc biệt khi dịch COVID-19 được kiểm soát hai nước đã mở cửa, có nhiều lĩnh vực để có thể tiếp tục hợp tác phát triển.  Về kinh tế hai nước có hợp tác chặt chẽ, niềm tin lớn lao của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam thể hiện ở các số liệu đầu tư trong 2 năm qua, dù đối phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cho rằng xu thế này không thay đổi và niềm tin của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam ngày càng lớn mạnh bởi tiềm năng cơ hội mà thị trường Việt Nam mang lại. 
 
Hai bên đều thống nhất nhận định, còn nhiều dư địa thuận lợi để tăng cường hợp tác toàn diện và vai trò xây dựng lập pháp chính sách là vô cùng quan trọng. Hai Quốc hội có đủ điều kiện để  thúc đẩy quan hệ 2 cơ quan lập pháp gần gũi hiệu quả đóng góp và quan hệ hai nước. Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu Nhân dân góp phần tăng cường thêm sự tin cậy mối quan hệ Đối tác chiến lược; tiếp tục tăng cường tham vấn, đối thoại, trao đổi quan điểm lập trường, sáng kiến về chiến lược; tiếp tục nâng cao lòng tin, thúc đẩy quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn. 

Sau hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội đã chứng kiến Lễ  ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. Đây là văn bản pháp lý quan trọng này góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp. Chủ tịch Quốc hội Singapore cũng  cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Singapore đã thăm quan Nhà Quốc hội, phòng họp Diên Hồng tại Trụ sở Nhà Quốc hội.

CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG CHO KỲ HỌP THỨ 3 
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì buổi làm việc giữa Lãnh đạo Quốc hội với Ban thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát toàn diện các nhiệm vụ, chuẩn bị cho kỳ họp.
 
Sau khi nghe lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo về tiến độ triển khai các công tác chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ Ba, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận sự chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ của các bên. Cho biết, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 15 sẽ diễn ra theo hình thức tập trung, xuyên suốt từ 23/5 đến 17/6/2022, do vậy Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cần tập trung chỉ đạo, điều hành, rà soát kỹ các đầu công việc không để xảy ra sai sót.  Lưu ý phiên chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động được nhân dân, cử tri rất quan tâm, do đó Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu cần hoàn thiện các văn bản phục vụ điều hành phiên chất vấn của lãnh đạo Quốc hội trên cơ sở khoa học, kịp thời, chủ động.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, cần hết sức chú ý làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tránh để các đối tượng xấu, lôi kéo, xúi giục, phá hoại, gây mất trật tự an toàn, nhất là trong thời gian diễn ra kỳ họp. 
 
Bên cạnh đó cần làm tốt kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn kỳ họp, có phương án phòng chống dịch Covid-19 cũng như phương án dự phòng, tránh để bị động, bất ngờ. Tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các mảng công tác chuẩn bị tài liệu kỳ họp; cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo; ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ phục vụ kỳ họp. Tinh thần chu đáo, chất lượng, kịp thời cần được đặt lên hàng đầu; kiên quyết rút kinh nghiệm và không lặp lại những thiếu sót, hạn chế của các kỳ họp gần đây. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, làm sao các thông điệp phát đi từ kỳ họp tạo điểm nhấn, sức lan toả, trong hoạt động nghị trường cũng như bên lề, để thấy được hình ảnh của Quốc hội công khai, minh bạch, đổi mới, vì dân.
 
HỘI ĐỒNG DÂN TỘC KHAI MẠC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 3 
 
Hội đồng Dân tộc trong tuần qua đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3 để thẩm tra và cho ý kiến vào một số nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
 
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu thủ tục đầu tư, phân bổ vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3/2022, nhưng đến ngày 19/4/2022, Chính phủ mới có Tờ trình, sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt việc bố trí kế hoạch vốn. Tại phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Ủy ban Dân tộc cũng đã có báo cáo cụ thể; tuy nhiên Ủy ban Dân tộc cần tham mưu cho Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự chậm trễ và trách nhiệm của các cơ quan để báo cáo Quốc hội.
 
Theo dự kiến Chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật. Nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các đại biểu cần tập trung thảo luận, thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật; xác định vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc; bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng dân tộc và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và góp sức xây dựng, phát triển đất nước.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Hội đồng Dân tộc cần triển khai công việc một cách quyết liệt, theo tinh thần khó đâu tháo đó, tắc đâu thông đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chuẩn bị từ sớm, từ xa cho các nội dung chương trình.
 
PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI KHẢO SÁT ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN ĐÔNG
 
Trong tuần, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, đã khảo sát thực tế tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Quảng Nam.
 
Dự án đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng có tổng chiều dài 52km với 9 gói thầu, chiếm 7,7% tổng chiều dài toàn tuyến. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng Đoàn công tác đã khảo sát thực tế, lắng nghe Ban quản lý dự án 46 – Bộ Tổng tham mưu báo cáo tình hình thực tế tại gói thầu C13 (cầu Buôn Glé - KM625+614, thuộc địa phận xã Đưng KNớ, huyện Lạc Dương). Những thông tin tại buổi khảo sát sẽ là cơ sở để Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo với tỉnh Lâm Đồng về những vấn đề liên quan đến tuyến đường Trường Sơn Đông. Trên tuyến đường khảo sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã đến dâng hương và dâng hoa tại Nhà Bia tưởng niệm 9 cán bộ ngành y tế tỉnh Lâm Đồng khu vực Cổng Trời, xã Lát, huyện Lạc Dương; thăm và tặng quà các hộ gia đình dân tộc vùng sâu, vùng xa huyện Lạc Dương; thăm và tặng quà cán bộ tại Trạm kiểm lâm Krông Nô.
 
THÁO GỠ KHÓ KHĂN, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN ĐÔNG
 
Dự án đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn tỉnh  Đắk Lắk  có chiều dài 126,4km, với 24 gói thầu, đến nay đã hoàn thành 52 km. Khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối các tuyến đường của địa phương với QL26, QL29, QL19c, đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và các đường giao thông trên địa bàn huyện M’Drắk, huyện Krông Bông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 
 
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Đắk Lắk bổ sung 1 số nội dung báo cáo Đoàn công tác, thể hiện rõ hơn quan điểm và giải pháp, kiến nghị, đề xuất cụ thể, rõ ràng trong triển khai dự án tuyến đường Trường Sơn Đông
 
Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG - Trưởng đoàn Công tác: Đây là tuyến đường đặc biệt, có ý nghĩa cả về chính trị, kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh. Cho nên tôi đề nghị các đồng chí phải cố gắng làm cho mọi người nhận thức sâu sắc cái này.”
 
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đoàn công tác  khảo sát, đánh giá tiến độ, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải quyết tiếp theo  đối với dự án tuyến đường Trường Sơn Đông. Qua khảo sát cũng rút ra những kinh nghiệm quý trong chỉ đạo, triển khai các tuyến đường bộ tới đây
 
PHÁT HUY GIÁ TRỊ TUYẾN ĐƯỜNG, TƯỢNG ĐÀI HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN
 

Tiếp tục chương trình khảo sát về việc triển khai tuyến đường Trường Sơn Đông, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, đã khảo sát thực tế dọc tuyến đường và làm việc với tỉnh Quảng Nam. Tại địa điểm đặt tượng đài Huyền thoại Trường Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Ban quản lý dự án 46, Bộ Tổng tham mưu và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ để triển khai hạng mục công trình. Dự kiến trong tháng 10 năm nay, chính quyền địa phương sẽ bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án 46. Tượng đài Huyền thoại Trường Sơn là 1 công trình có ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử, ghi lại những sự kiện, chiến công hiển hách của dân tộc, gắn liền với tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tỉnh Quảng Nam khi thực hiện giải phóng mặt bằng, đưa Nhân dân đến khu tái định cư phải bảo đảm ổn định cuộc sống người dân. Ban quản lý dự án 46 lưu ý, trong quá trình tổ chức thi công cần thực theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm an toàn và chất lượng cho công trình. Trưởng đoàn công tác cũng ghi nhận việc triển khai tuyến đường Trường Sơn Đông qua địa bàn tỉnh Quảng Nam với chiều dài 134km, đến nay đã hoàn thành thi công, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng được 126km, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

KỲ HỌP THỨ BA QUỐC HỘI KHÓA XV SẼ THÔNG QUA 5 DỰ ÁN LUẬT

Trong tuần, Văn phòng Quốc hội tổ chức Họp báo thông tin về chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo. Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 23/5/2022.  Quốc hội họp tập trung trong thời gian 19 ngày,  dự kiến bế mạc vào ngày 16/6/2022. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 06 dự án luật.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến hoạt động đổi mới của Quốc hội - đó là việc UBTVQH sẽ có thông báo kết luận về từng nội dung cụ thể được UBTVQH xem xét thông qua tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, điểm mới này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng như các cơ quan liên quan có cơ sở tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo, báo cáo trình Quốc hội.

Với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn rất được quan tâm tại mỗi kỳ họp, Tổng Thư Ký Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 3 này Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tuy nhiên vấn đề chất vấn sẽ được quyết định sau khi tổng hợp, xin ý kiến thực hiện với quy trình đúng theo quy định.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Sau khi nhận được đề nghị của các đại biểu và các báo cáo liên quan, tổng hợp xin ý kiến để quyết định vấn đề chất vấn. Đến nay nhận được 18 báo cáo các đoàn ĐBQH, có 29 nhóm vấn đề liên quan đến Thủ tướng, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ trưởng.”

Tại buổi họp, đại diện Ủy ban Xã hội cũng làm rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” tại dự thảo Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi); Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cũng lý giải lý do không đưa vào chương trình kỳ họp 3 dự án luật là: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Các thành viên chủ tọa cũng trả lời các câu hỏi báo chí quan tâm như công tác chuẩn bị nội dung báo cáo, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid -19, bố trí tác nghiệp báo chí.

CHỦ NHIỆM UBKT CỦA QUỐC HỘI KHẢO SÁT CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM ĐBSCL

Trong tuần qua, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát thực tế vị trí triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cảng nước sâu Trần Đề tỉnh Sóc Trăng và dự án Vành đai 3.

Tại buổi khảo sát các công trình trọng điểm ĐBSCL, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - lưu ý, đơn vị thực hiện dự án, địa phương có kế hoạch dự phòng nguồn cát; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án có thể bắt tay triển khai ngay. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đề nghị, đơn vị tư vấn, tùy theo địa chất từng đoạn, có biện pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, đặc biệt là đối với các khu vực đất nền yếu. Cùng ngày đoàn cũng đã đến khảo tại khu bến cảng Trần Đề để tiến hành khảo sát thực địa. Cảng biển Trần Đề được quy hoạch có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn. Dự kiến Cảng Trần Đề có tổng diện tích quy hoạch là 4.550 ha, khu cảng có diện tích khoảng 550ha, cầu cảng vượt biển dài khoảng 16- 18km. Đây là cảng biển được kỳ vọng trở thành cửa ngõ phục vụ xuất nhập khẩu cho vùng ĐBSCL. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đây là dự án mang ý nghĩa quan trọng đối với hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Do đó, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để phát huy tối đa tính kết nối của dự án đối với hệ thống hạ tầng giao thông thủy bộ, hệ thống cảng biển, hàng không và các dự án khác.

CHỦ NHIỆM UỶ BAN KINH TẾ QUỐC HỘI GIÁM SÁT DỰ ÁN VÀNH ĐAI 3

Tại buổi khảo sát thực tế tuyến đường vành đai 3, các nút giao Bến Lức – Long Thành, nút giao Bình Chuẩn, nút giao Tân Vạn, chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh và các thành viên trong đoàn giám sát cho rằng việc xây dựng Vành đai 3 là cấp thiết, và thực hiện càng nhanh càng tốt. Các địa phương đều có sự quyết tâm cao và quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ hồ sơ trình Quốc hội trong kỳ họp tới, các địa phương cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ, nhất là về phương án bố trí vốn, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, cơ chế điều hành, tính đồng bộ của dự án, nguồn cung vật liệu. Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị TPHCM và các địa phương có dự án đi qua phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ mang tính thuyết phục hơn, chi tiết hơn.

UỶ BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI KHẢO SÁT TẠI ĐẮK LẮK

Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn khảo sát đề nghị tỉnh Đắk Lắk làm rõ một số nội dung như: những hạn chế, thiếu sót trong quản lý, bổ nhiệm cán bộ và công tác xử lý khắc phục; việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ngành giáo dục; công tác thu hút lực lượng trong ngành y tế; quy định về trình độ lý luận chính trị. Việc tinh giản biên chế 10% mỗi năm ảnh hưởng như thế nào đến việc đảm bảo nguồn lực trong ngành giáo dục, và đề xuất, kiến nghị? Tại buổi làm việc, một số khó khăn, vướng mắc của Đắk Lắk đã được đoàn khảo sát thông tin, làm rõ và hướng dẫn để tỉnh giải quyết, tháo gỡ. Đánh giá cao việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, công tác quản lý viên chức của tỉnh Đắk Lắk, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, các kiến nghị của tỉnh sẽ được đoàn tổng hợp, báo cáo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xem xét, cho ý kiến để có những đề xuất, sửa đổi quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

GIÁM SÁT BAN HÀNH VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC DÂN TỘC

Để thống nhất nội dung báo cáo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới, Đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc tổ chức buổi làm việc với đại diện Chính phủ, các Bộ ngành liên quan về “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2021”.

Theo Đoàn giám sát, thời gian qua, công tác ban hành các văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm được giao trong các dự luật có các nội dung liên quan đến công tác dân tộc đã được quan tâm, góp phần quan trọng trong việc luật hóa các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, điều chỉnh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế như: việc ban hành một số văn bản còn chậm so với quy định hoặc chưa ban hành; nhiều nội dung còn quy định chung chung, chưa quy định các ưu đãi, đặc thù cụ thể dẫn đến khó thực thi hoặc thực thi hiệu quả thấp.  Đoàn giám sát cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, đồng thời đề xuất các kiến nghị đối với từng cơ quan được nêu trong dự thảo Báo cáo.

Trang Linh